Kỳ Olympic đặc biệt của Taekwondo thế giới: Thượng đài trong nỗi nhớ… võ đài
Sự trắng tay của Hàn Quốc
Lần đầu tiên trong lịch sử kể từ năm 2000 khi môn võ này được đưa vào Thế vận hội, đội tuyển Hàn Quốc đã hoàn toàn trắng tay ở vị trí đầu khi không giành được tấm huy chương vàng nào ở cả 8 hạng cân.
Thành tích của các vận động viên xứ sở kim chi chỉ xếp thứ 9 theo bảng tổng sắp với 1 HCB, 2 HCĐ. Các vị trí xếp trên hoàn toàn thuộc về những quốc gia Âu – Mỹ, cùng với một nguyên nhân khách quan được đưa ra sau đó: cơ hội thi đấu.
Theo các võ sĩ Hàn Quốc, dịch COVID-19 đã buộc các vận động viên của quốc gia này phải dừng mọi hoạt động thi đấu quốc tế kể từ tháng 1 năm 2020. Đây được cho là nguyên nhân chính khiến những cái tên hàng đầu như Jang Jung, Lee Dae-hoon hay Sim Jae-young đều sớm dừng bước.
“Những vận động viên ở các quốc gia khác sẵn sàng thực hiện cách ly để có thể thi đấu, nhưng chúng tôi thì không. Tôi nghĩ đó là vấn đề. Tôi chưa từng tham gia bất kì sự kiện thi đấu quốc tế nào trong gần 2 năm trước Olympic.” – HCĐ hạng 80kg, In Kyo-don phân tích.
Những gương mặt mới
Nếu nỗi buồn đến với Taekwondo Hàn Quốc khi lần đầu trắng tay huy chương vàng, cũng là lúc các quốc gia khác đón niềm vui khi có những quán quân đầu tiên trong lịch sử.
Với 2 tấm HCV của Maksim Khramtcov và Vladislav Larin, Ủy ban Olympic Nga lần đầu đón những nhà vô địch của bộ môn này tại Thế vận hội, thành tích này cũng giúp họ đứng đầu trên bảng tổng sắp.
“Làm tốt tại Thế vận hội Olympic này là điều quan trọng để giúp chúng tôi phát triển taekwondo ở Nga. Tôi hy vọng huy chương vàng của tôi không phải là thành tích cuối cùng chúng tôi giành được ở đây." - Maksim Khramtcov bình luận.
Dù không có sự đột phá như Ủy ban Olympic Nga, người Thái Lan cũng tự hào khi lộ trình Olympic của mình đã cho trái ngọt đúng như dự định. Panipak Wongpattanakit trở thành võ sĩ đầu tiên mang về huy chương vàng Olympic ở môn Taekwondo cho quốc gia này.
Thành công của Panipak được đánh giá là kết quả quá trình chuẩn bị lâu dài của Taekwondo Thái Lan, kể từ lần đầu tham dự tại Athens 2004. Kể từ sau tấm HCB đầu tiên của Yaowapa Boorapolchai năm 2004, Taekwondo trở thành một trong các mũi nhọn của thể thao Thái Lan, bên cạnh Boxing và cử tạ để cạnh tranh tại Olympic. Cho tới nay, môn võ này đã mang về 6 huy chương sau 5 lần tham dự, đứng thứ 3 trong số các nội dung mang huy chương cho Thái Lan ở đấu trường lớn nhất hành tinh.
Bài học cho Việt Nam với sự trở lại của Trương Thị Kim Tuyền
Dù không có huy chương ở Olympic Tokyo 2021, nhưng việc nữ võ sĩ Trương Thị Kim Tuyền giành vé tham dự chính thức cho Taekwondo Việt Nam cũng là tín hiệu đáng khích lệ, khi 5 năm trước, chúng ta không có cái tên nào vượt qua được vòng loại để tới Rio 2016.
Đồng cảnh ngộ với nước bạn Hàn Quốc, việc không thể tham gia các giải đấu quốc tế, khiến cho các võ sĩ của Việt Nam trải qua cảm giác “nhớ võ đài”, “mất cảm giác thi đấu và cọ xát”, ảnh hưởng lớn tới quá trình chuẩn bị.
So với các bộ môn khác của đoàn thể thao Việt Nam, Kim Tuyền và các đồng đội là những vận động viên duy nhất có cơ hội dự vòng loại Châu Á, cùng với chuyến tập huấn tại Kazakhstan ngay trước thềm Olympic, càng cho thấy tầm quan trọng của quá trình cọ xát có ảnh hưởng thế nào tới các vận động viên.
Tạm gác lại những mặt tích cực, hành trình của Taekwondo Việt Nam trong nỗ lực trở lại Olympic, đặt bên cạnh thành công của người Thái, cũng cho thấy những vấn đề chúng ta đã, đang và có thể cần cải thiện trong tương lai.
Trong 4 năm vừa qua, Taekwondo Việt Nam có sự tham gia hỗ trợ huấn luyện của chuyên gia Kim Kil-Tae. Vị huấn luyện viên người Hàn đã nhận định những yếu tố cần thay đổi với các vận động viên, cũng như quá trình huấn luyện.
Từ áp dụng, cập nhật công nghệ, Taekwondo Việt Nam chậm chân hơn so với các quốc gia khác cùng khu vực và cả trên thế giới. Bên cạnh đó, thiếu sót về thể lực khiến các vận động viên khó nâng cao, tiếp cận với những chương trình huấn luyện ở bậc cao hơn, đó là những gì ông Kim Kil-Tae đã rút ra sau quá trình 4 năm huấn luyện các vận động viên ở Việt Nam.
Taekwondo Việt Nam đã trở lại Olympic, đây là tín hiệu tốt khi môn võ này vẫn có tiềm năng là mũi nhọn của thể thao Việt Nam tại Thế vận hội.
Tuy nhiên, những kết quả ở Tokyo 2021 đã một lần nữa chỉ ra những vấn đề cần cải thiện của Taekwondo Việt nói riêng, giữa một làn sóng mới của Taekwondo thế giới, khi những cường quốc như Hàn Quốc không còn nắm thế độc tôn, thay vào đó là sự xuất hiện của những cái tên mới, tạo nên thế cân bằng cho môn võ này tại Thế vận hội.