Taekwondo nguyên thủy và hành trình trở thành môn quốc võ, môn chính thức tại Olympic
Taekwondo là môn là môn võ truyền thống của Hàn Quốc. Taekwondo được công nhận là một trong những hình thức võ thuật lâu đời nhất trên thế giới với hơn 2.000 năm tuổi.
Trong "Taekwondo", Tae có nghĩa là "cước pháp", Kwon nghĩa là "thủ pháp" và Do (có nghĩa là "đạo” hoặc "nghệ thuật". Vì vậy, Taekwondo có nghĩa là "Nghệ thuật chiến đấu bằng tay và chân".
Một trong những manh mối sớm nhất về sự tồn tại của Taekwondo là một bức tranh được tìm thấy ở vương quốc Koguryo của Hàn Quốc. Các nhà khảo cổ học cho biết bức tranh đã được vẽ trong khoảng thời gian từ năm 37TCN đến năm 66 SCN.
Hình vẽ cho thấy hai người không có vũ khí đối đầu với nhau trong tư thế tương tự như Taekwondo. Ngoài ra còn nhiều bức vẽ khác với hình người đang luyện tập một bài quyền và mặc võ phục Taekwondo.
Nguồn gốc Taekwondo thời sơ khai
Ở thời đại Cao Ly, đất nước Triều Tiên luyện tập môn võ tên là Subakhi. Ở thời điểm đó, việc tập luyện môn võ này không chỉ nhằm mục đích nâng cao sức khỏe mà còn được xem là môn nghệ thuật có giá trị cao. Không chỉ là nội dung thi tuyển vào quân đội của hoàng gia lúc bấy giờ, Subakhi còn thường được biểu diễn cho vua xem.
Thời vua Triều Tiên Chính Tổ, những cuốn sách giáo khoa viết phong tục, tập quán của người Hàn đã nói rằng môn võ này được đổi tên thành Taekkyon. Không chỉ thay đổi về tên mà các kỹ năng, kỹ thuật của Taekkyon vào giai đoạn này cũng được thay đổi rất nhiều. Những tài liệu xuất bản vào cuối thế kỷ XIX đã cho biết môn võ Taekkyon tập trung chủ yếu vào các kỹ thuật đá.
Cuối triều đại Chonsun, Taekkyon bắt đầu suy tàn vì sự thờ ơ của hoàng gia. Nguyên nhân là vì giai đoạn này xã hội đề cao giá trị văn chương. Võ thuật lúc này chỉ đơn thuần là một hoạt động giải trí của người dân.
Cuối TK XIX, Triều Tiên bị Nhật Bản đô hộ, võ thuật đã bị cấm đoán. Dù là vậy, những người lính kháng chiến vẫn luyện tập môn võ này để rèn luyện thể chất và tinh thần. Du học sinh Triều Tiên cũng đúc kết, học hỏi được nhiều môn võ mới tại đất nước Phù Tang. Đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn việc hình thành Taekwondo.
Taekwondo thời hiện đại
Sau khi giải phóng đất nước vào năm 1945, người dân Triều Tiên bắt đầu quá trình gầy dựng lại truyền thống võ thuật. Du học sinh Triều Tiên từ Nhật trở về nước, mở các võ đường để dạy môn võ mới. Môn võ này là sự kết hợp của nhiều kỹ thuật từ các môn võ khác nhau với Taekkyon là nền tảng chính.
Vào tháng 1/1946, một sĩ quan trẻ tên là Choi Hong Hi đã đi đầu trong phòng trào cho các binh sĩ tại đơn vị luyện võ thuật. 8 năm sau, ông đã trở thành Thiếu tướng và thành lập võ đường Oh Do Kwan.
Tháng 9/1954, Choi Hong Hi cùng các đệ tử biểu diễn kỹ thuật trước sự chứng kiến của tổng thống thời bấy giờ là Rhee Syngman. Buổi biểu diễn đã tạo nên tiếng vang lớn với cả nước.
Đầu năm 1955, một ủy ban đặc biệt được thành lập với mục tiêu quảng bá môn võ đến quần chúng. Vào tháng 4/1955, ủy ban đã đặt tên môn võ là Taekwondo.
Thập niên 1960, những HLV Taekwondo Hàn Quốc đã mang môn võ này ra truyền bá tại nhiều nước trên thế giới. Tháng 10/1963, Taekwondo đã có tên trong danh sách các môn thi đấu chính thức tại Đại hội thể thao quốc gia của xứ sở Kim Chi. 3 năm sau đó, ITF – Liên đoàn Taekwondo quốc tế được thành lập.
Tháng 5/1973, Giải Taekwondo vô địch thế giới lần đầu tiên được tổ chức. Cùng năm đó, Liên đoàn Taekwondo Thế giới (WTF) được thành lập với tư cách là cơ quan quản lý quốc tế về các khía cạnh thể thao của Taekwondo. Ngày nay, WTF có 120 quốc gia riêng biệt là thành viên, đại diện cho 20 triệu học viên. Những con số này giúp Taekwondo trở thành môn võ được luyện tập nhiều nhất trên thế giới.
Taekwondo lần đầu tiên được công nhận là một môn thể thao Olympic khi môn võ được trình diễn tại Thế vận hội Olympic Seoul năm 1988. Taekwondo trở thành một môn thể thao tranh huy chương bắt đầu từ năm 2000 tại Thế vận hội Sydney.
Vào năm 2017, Liên Đoàn Taekwondo thế giới – World Taekwondo Federation – đã đổi tên thành World Taekwondo (WT) để tránh hiểu nhầm gây tiêu cực.