Tẩn Văn Phúc - Một triệu đồng trợ cấp và trận đấu để đời ở giải VĐQG Kickboxing
Trong loạt trận chung kết giải vô địch Kickboxing quốc gia 2020, ngoài những đơn vị mạnh đã quen mặt với các trận tranh huy chương vàng như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đắk Lắk, Bình Định … còn có sự xuất hiện bất ngờ của một võ sĩ trẻ - Tẩn Văn Phúc.
Là đại diện duy nhất của Hà Giang lọt vào loạt chung kết giải Vô địch năm nay (hạng 63,5 kg, Tẩn Văn Phúc không nhận được nhiều sự chú ý như các đơn vị khác. Dù vậy, sau cuộc trò chuyện nhanh với Phúc, Webthethao mới hiểu thêm về câu chuyện phía sau hành trình của võ sĩ này.
Sinh năm 2003, Tẩn Văn Phúc cũng hứng thú với võ thuật như nhiều thiếu niên khác khi bắt đầu với bộ môn Boxing. Sau lượt tuyển chọn của các huấn luyện viên ở tỉnh, Văn Phúc mới bắt đầu chuyển qua tập luyện và thi đấu Kickboxing.
Dĩ nhiên, một cậu bé còn đang học cấp 2, dưới sự bảo hộ của gia đình, quyết định chuyển lên sinh hoạt tại đội tuyển của Phúc không nhận được sự ủng hộ của cha mẹ. Với một gia đình làm nông, không khó hiểu khi gia đình võ sĩ trẻ muốn Phúc hoàn thành chương trình phổ thông, học nghề để tìm kiếm một công việc ổn định.
Ngoài ra, một chị gái trước đó của Phúc cũng từng theo nghiệp đấu Vật ở đội tuyển tỉnh - tuy nhiên, sự nghiệp dở dang càng khiến bố mẹ tay găng trẻ e dè với lựa chọn của con trai.
“Ban đầu, tất nhiên là bố mẹ em không thích vì thấy con đi tập còn chấn thương, đau tay đau chân hay thậm chí làm bầm mặt mũi. Nhưng cơ bản đó cũng là sở thích và em đã thử sức thuyết phục gia đình nên dần bố mẹ cũng ủng hộ.” – Tẩn Văn Phúc tâm sự.
“Điều này một phần đến từ chị thứ 2 của em, trước đó, chị cũng theo đội tuyển Vật của tỉnh nhưng phải rút lui sớm vì lí do cá nhân. Nhưng trái với bố mẹ, chị hiểu được mong muốn của em nên thường động viên và cũng góp phần khiến bố mẹ thay đổi quan điểm. Sau đó, các thầy trong đội tuyển cũng nói chuyện để bố mẹ yên tâm hơn cho em tập luyện và thi đấu.”
Giống như nhiều gia đình khác ở Hà Giang, ba mẹ của Phúc vẫn chủ yếu làm nghề nông và lao động tự do. Việc để cậu con trai duy nhất trong gia đình theo nghiệp thể thao “tay găng tay đấm” cũng là quyết định phải đắn đo, nhất khi nhiều thanh niên cùng tuổi đã tìm kiếm cơ hội học nghề và phụ giúp gia đình.
Là một võ sĩ trẻ, hiện tại mức trợ cấp hàng tháng của Tẩn Văn Phúc vẫn chỉ giới hạn trên dưới 1 triệu đồng/tháng, chỉ đủ cho các hoạt động sinh hoạt thường ngày.
Đây cũng là điểm khó cho đơn vị Hàng Giang khi tỉnh nhà vẫn còn gặp hạn chế về tài chính, quá trình đào tạo chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của các huấn luyện viên cũng như nỗ lực từ vận động viên. Ngoài ra, nếu có thành tích trong nước, những vận động viên như Phúc cũng nhận thêm một số khoản thưởng để có thể san sẻ tài chính với gia đình.
Để tiến vào chung kết, Tẩn Văn Phúc đã thi đấu và thắng toàn bộ 2 trận trước Nguyễn Hoài Nguyên (Quân Đội) và Bùi Duy Lâm (Nghệ An). So với đối thủ Tạ Đức Dũ (Vũng Tàu) – người trực tiếp tranh huy chương vàng, tay đấm trẻ phải thi đấu nhiều hơn 1 trận, cùng với đó là ít có cơ hội theo dõi đối thủ thi đấu.
“Ngay khi vào được chung kết, em cũng có báo về gia đình để bố mẹ yên tâm. Còn về đối thủ, anh ấy có lợi thế lớn về chiều cao lẫn sải chân so với em.” – Văn Phúc tâm sự. “Tuy nhiên em khá tự tin về đòn tay số 2 của mình và cố gắng để phát huy được tối đa.”
“Khi còn thi đấu ở giải Cúp CLB, em có làm quen và nói chuyện với một số anh chị từng giành HCV SEA Games 30 vừa qua. Đó cũng là động lực và mục tiêu em muốn giành một tấm huy chương vàng ở giải lần này để có cơ hội tham dự đấu trường lớn hơn trong tương lai.”
Tại trận chung kết hạng cân 63,5kg nam nội dung Full Contact, Tẩn Văn Phúc sẽ chạm trán tay đấm Tạ Đức Dũ (Bà Rịa – Vũng Tàu). Sức trẻ và mong muốn thể hiện bản thân của tay đấm trẻ hứa hẹn mang tới một cuộc đối đầu thú vị.
Đáng chú ý, trận đấu này nằm trong loạt 8 trận đấu hấp dẫn nhất được lựa chọn truyền hình trực tiếp trên kênh Thể thao TV và Thể thao TV HD của hệ thống truyền hình Cáp Việt Nam, vào khung giờ từ 20h00 đến 22h00 thứ Ba ngày 27 tháng 10.