Tỉ thí méo mó kiểu Flores, Nam Anh Kiệt – Lưu Cường đã đến lúc dừng lại

thứ tư 22-7-2020 14:00:52 +07:00 0 bình luận
Những câu chuyện kiểu như Flores, Nam Anh Kiệt với Lưu Cường tưởng chừng như vô hại, tự phát, nhưng trên thực tế đang làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh võ thuật.

Nhắc tới Vịnh Xuân Nam Anh, chẳng ai còn xa lạ bởi những câu chuyện “tỉ thí” của các võ sư từ môn phái này kể từ năm 2017. Đó là thời điểm bắt đầu của những sự vụ như thách đấu môn phái Nam Huỳnh Đạo, giao đấu với những võ sư Đoàn Bảo Châu, Trần Lê Hoài Linh… hay gần đây nhất là với Lưu Cường – một võ sĩ không chuyên tại Hà Nội.

Đều giới thiệu đây là các trận “giao lưu, tỉ thí” võ thuật, tuy nhiên, dù nhìn dưới góc độ thi đấu thể thao quần chúng hay giao lưu võ thuật đơn thuần, các trận đấu trên hoàn toàn chưa đáp ứng đầy đủ các thủ tục cần thiết để đảm bảo an toàn cho người tham gia.

Thi đấu võ thuật theo góc độ thể thao quần chúng

Dựa trên Thông tư số 9/2012/TT-BVHTTDL, những trận đấu của Flores tại Việt Nam có đủ yếu tố để xác định đây là cuộc đấu mang tính thể thao quần chúng tại Việt Nam, bởi Flores là một võ sư người nước ngoài (Chile) sang Việt Nam thi đấu với các võ sư, người tập võ Việt Nam. 

Tuy nhiên, nếu chiếu theo Luật TDTT và Thông tư số 9/2012/TT-BVHTTDL, tính chất các trận đấu của Flores cũng hoàn toàn tự phát. Các yếu tố đảm bảo an toàn như bảo hộ, hạng cân, sân bãi, trọng tài… không dựa trên bất cứ quy định hay sự kiểm soát của các tổ chức võ thuật nào. 

Các trận đấu của Flores với Đoàn Bảo Châu, Lưu Cường đều đến từ sự tự phát.

Sự tự phát dễ dẫn tới những hệ quả không mong muốn

Đầu tiên, võ phái Vịnh Xuân Nam Anh không thuộc quyền quản lý của Liên đoàn Võ thuật nào tại Việt Nam. Có thể nói, đây là một lò võ kiểu gia đình và các hoạt động thi đấu của những nhân vật như Nam Anh Kiệt, Flores không được giám sát bởi các tổ chức có thẩm quyền.

Thứ hai, như đã đề cập ở trên, các trận đấu của Flores, Nam Anh Kiệt với Lưu Cường là hoàn toàn tự phát. Những luật thi đấu chưa có trong hệ thống như “sử dụng găng mỏng hở ngón, đánh liên tiếp 15 phút đến khi có người ngã gục”, hoặc chênh lệch về cân nặng, thể hình… đều là những bộ luật tự do do 2 bên đặt ra, chưa có tiền lệ ở các giải đấu tại Việt Nam.

Nhắc lại về trường hợp của Flores với võ sư Đoàn Bảo Châu năm 2017, Vụ trưởng Vụ Thể thao quần chúng, Tổng cục TDTT Nguyễn Ngọc Anh cho biết :  "Đây là hoạt động dân sự, chúng tôi không thể nắm bắt được. Hai người thách đấu nhau rồi quay clip tung lên mạng, làm sao có thể kiểm tra hoặc cấm được. Trừ trường hợp có đơn vị đứng ra tổ chức trận đấu, khi đó nếu không đúng với văn bản hướng dẫn, quy định của luật thì tùy cấp nào sẽ có ý kiến để cấp đó kiểm tra và xử lý" (theo Người lao động).

Dù chỉ ở cấp độ nghiệp dư, nhưng các trận đấu vừa diễn ra đều có những chấn thương do trình độ người tham gia chưa đảm bảo.

Với võ thuật, các trận giao lưu, thi đấu học hỏi lẫn nhau là rất bình thường nếu không có yếu tố thương mại (bán vé, quảng cáo…). Tuy nhiên, nếu xảy ra các chấn thương khi va chạm dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, hoặc gây ảnh hưởng tới tình hình an ninh, trật tự, các cơ quan chức năng sẽ buộc phải can thiệp. 

Làm thế nào để “đúng luật” 

Nhằm đảm bảo đúng tiêu chí của phát triển thể thao, võ thuật trong quần chúng, các trận giao lưu giữa những cá nhân, môn phái vẫn nên tuân thủ các quy định về quản lý võ thuật.

Để có thể tiến hành các sự kiện giao lưu võ thuật, cá nhân, tổ chức hoạt động võ thuật cần tham gia vào các Hiệp hội, Liên đoàn có chức năng quản lý. Đây là cơ sở để các cơ quan điều hành có đầy đủ thông tin về lý lịch, trình độ và năng lực thi đấu của những cá nhân muốn thi đấu giao lưu. Bên cạnh đó, công tác tổ chức như trọng tài, y tế… cũng cần được đảm bảo dể tránh mọi rủi ro đáng tiếc.

Trong trận đấu ngày 19 tháng 7 vừa qua, võ sư Nam Anh Kiệt đã phải dừng trận đấu do một chấn thương trật khớp tay, sẽ ra sao nếu đây không dừng lại ở một chấn thương nhỏ? Một cú đá, một cú đấm không mang bảo hộ hoàn toàn có thể để lại những hậu quả đáng tiếc.

Các trận đấu võ nên có sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền.

Có thể thấy, mặc dù không hoàn toàn trái luật, nhưng sự tự phát của các trận đấu giữa Flores, Nam Anh Kiệt với Lưu Cường, Đoàn Bảo Châu… cũng chẳng phải là một thứ võ đài hoàn toàn hợp pháp . Chưa dừng lại ở đó, cách thức, quá trình dẫn tới các trận đấu này cũng để lại nhiều câu hỏi về việc gây dựng hình ảnh của võ thuật. 

Khiêu khích, thách thức để “tỉ thí”: Hình ảnh xấu xí với võ thuật

Mặc dù không hoàn toàn trái luật nếu chiếu theo góc độ quản lý, tuy nhiên, sự vụ liên quan tới Flores, Nam Anh Kiệt cũng không hề có ảnh hưởng tích cực tới việc phát triển võ thuật tại Việt Nam.

Nếu nhìn lại quá trình các võ sư Flores, Nam Anh Kiệt tiến hành các trận đấu của mình, có thể thấy đa phần đều đến từ những lời khiêu khích trên mạng xã hội. Ngay cả trận đấu của Nam Anh Kiệt và Lưu Cường ngày 19 tháng 7 vừa qua cũng là một màn “giải quyết mâu thuẫn” sau nhiều lần khẩu chiến. 

Không chỉ là các cá nhân sinh sống và làm việc tại Việt Nam, sự việc của môn phái Vịnh Xuân Nam Anh còn có sự góp mặt của những cá nhân nước ngoài như Flores, Samuel Lacoste hay gần đây nhất là Nicholas Bachand. Tất cả đều tham gia vào những cuộc tranh cãi, thách thức không hồi kết, tạo nên hình tượng xấu cho những người luyện võ.

Chửi bới, khiêu khích để thể hiện bản thân, rõ ràng không phải nét đẹp của võ thuật.

Có thể, đứng dưới danh nghĩa cao đẹp như “giao lưu cọ xát nâng cao trình độ”, “kiểm chứng khả năng thi đấu thực tế của môn phái”.... Tuy nhiên, không thể chối bỏ những cuộc giao lưu này đa phần đều đến từ những lời lẽ công kích thiếu thiện chí. Xa hơn, việc này có thể tạo ra nhữn tiền lệ, xu thế xấu với những người tiếp cận đến võ thuật sau này, rõ ràng đây là một hành động không nên được cổ vũ, tái diễn trong tương lai.
 

Lâm Gia
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội