Tiểu sử võ sư Nam Anh Kiệt ra sao trước khi thua Lưu Cường
Ngày hôm qua 19 tháng 7, cộng đồng mạng và giới võ thuật phong trào Việt Nam đều dành sự chú ý tới cuộc tỉ thí trái phép giữa võ sư phái Vịnh Xuân Nam Anh - Nam Anh Kiệt và võ sĩ nghiệp dư Lưu Cường.
Chỉ sau vài phút tỉ thí, Nam Anh Kiệt đã nhanh chóng thất thế với những vết thương ở mũi. Trận đấu kết thúc khi Lưu Cường tung một cú phang trụ khiến võ sư phái Nam Anh chấn thương tay khi ngã xuống sàn và xin dừng trận đấu.
Trận thua trước Lưu Cường là lần đầu tiên võ sư Nam Anh Kiệt chính thức ra mặt trong một cuộc tỉ thí công khai. Vậy, vị võ sư này là ai mà chỉ cần nhắc đến tên đã ngay lập tức nhận về nhiều sự chú ý đến như vậy?
Võ sư Nam Anh Kiệt là học trò của đại sư Nam Anh. Trước tháng 7 năm 2019, võ sư Nam Anh Kiệt giữ chức Tổng đàn chủ phái Vịnh Xuân Nam Anh tại Việt Nam, phụ trách quản lý các công việc của môn phái trên lãnh thổ Việt Nam.
Tuy nhiên, sau vụ tấn công võ sư – chưởng môn Vịnh Xuân Quyền Nam Bắc Nam Nguyên Khánh, võ sư Nam Anh Kiệt đã bị cách chức Tổng đàn chủ do “có nhiều sai phạm trong công tác chuyên môn, thiếu trách nhiệm trong công việc điều hành và phát triển môn phái, hành xử thiếu khiêm cung gây ra nhiều cuộc đối đầu với các môn phái và cá nhân trong giới võ” - (trích Quyết định kỉ luật của môn phái Vịnh Xuân Nam Anh).
Tuy nhiên, vụ việc hành hung Nam Nguyên Khánh không phải là lần duy nhất Nam Anh Kiệt gây sự chú ý với cộng đồng mạng.
Trong những lần Flores – võ sư người Chile sang Việt Nam và thực hiện những hoạt động như thách đấu Chưởng môn Nam Huỳnh Đạo, tỉ thí với các võ sư, võ sĩ nghiệp dư như Lưu Cường… võ sư Nam Anh Kiệt đóng vai trò người phát ngôn đại diện cho môn phái.
Đáng chú ý nhất trong số các phát biểu của võ sư Nam Anh Kiệt là việc phản bác lại Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam – ông Hoàng Vĩnh Giang cấm Flores tiến hành thi đấu giao lưu.
Cụ thể, khi Flores nhận lời giao lưu của một võ sĩ tên Nguyễn Huy Tùng tại Hà Nội, võ sĩ này đã đề nghị trận đấu cần được cấp giấy phép đúng theo điều lệ của Liên đoàn Võ thuật tại Việt Nam. Tuy nhiên, Chủ tịch liên đoàn Võ cổ truyền Hoàng Vĩnh Giang khẳng định “đến thế kỉ sau mới cấp phép cho hai bên đấu với nhau”.
Phản bác lại ý kiến này, võ sư Nam Anh Kiệt đã có một bức thư ngỏ với nội dung bức xúc trước sự cấm đoán từ phía Liên đoàn. Võ sư phái Nam Anh cho rằng đây là sự “quay lưng, để mặc phong trào tự phát triển”, cùng với đó là những chỉ trích nhắm tới vấn đề cấp phép, trình độ thi đấu của các võ sư trong hệ thống của Liên đoàn Võ cổ truyền.
Sau đó, khi Flores có một cuộc tỉ thí với võ sĩ Lưu Cường cuối tháng 6 tại Hà Nội, một sự hiểu lầm đã xảy ra giữa Vịnh Xuân Nam Anh phái và một số nhân vật gạo cội của bộ môn Tán Thủ Việt Nam, trong đó có HCV SEA Games 2007 Nguyễn Văn Tuấn. Nhà cựu vô địch SEA Games đã lên tiếng thách đấu cả môn phái Vịnh Xuân Nam Anh.
Phản hồi lại lời thách thức này, võ sư Nam Anh Kiệt gửi lời cảm ơn tới nhà vô địch SEA Games và sẽ cử đại diện ra nhận lời. Không lâu sau đó, Samuel Lacoste – một võ sư người Canada đi cùng Flores trong chuyến thăm Việt Nam đã ra Hà Nội để gặp mặt võ sĩ Nguyễn Văn Tuấn. Tuy nhiên hai bên đã tiến hành một cuộc nói chuyện hòa giải và không có trận đấu nào xảy ra.
Từng nhiều lần có những phát ngôn đại diện môn phái Vịnh Xuân Nam Anh, tuy nhiên, cuộc tỉ thí với Lưu Cường ngày 19 tháng 7 vừa qua mới là lần võ sư Nam Anh Kiệt chính thức “động thủ”.
Không rõ, kể từ nay về sau, Vịnh Xuân Nam Anh, võ sư Nam Anh Kiệt, Flores hay những cá nhân như Lưu Cường… có tiếp tục những câu chuyện gây sốt hay không, nhưng chắc chắn hoạt động của họ đã khiến cộng đồng mạng phải xôn xao trong một thời gian khá dài bởi những phát ngôn và hành động của mình.
Đặc biệt hơn cả, hình ảnh các võ sư, võ sĩ nghiệp dư lên mạng xã hội buông lời lẽ thách thức, hẹn nhau đấu võ sau những phát ngôn gây sốc mà không có giấy phép từ các cơ quan quản lý có thể tạo nên những tiền lệ xấu với võ thuật Việt Nam.
Bởi mặc dù dưới danh nghĩa "giao lưu võ thuật", nhưng các hoạt động tỉ thí với những hình ảnh, ngôn từ nhạy cảm sẽ khiến những khán giả ngoại đạo có cái nhìn sai lệch, gây ảnh hưởng tới quá trình xây dựng văn hóa võ thuật.
Trong khi hiện tại, các môn võ tại Việt Nam đang phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, tiến hành các giải đấu, sự kiện giao lưu đúng với quy định của pháp luật.