Trào lưu "võ sĩ Youtube" như Jake Paul: Hiện tượng đến khi nào?
Chất lượng của các sự kiện Boxing biểu diễn, hay gần đây là cả các trận đấu chuyên nghiệp với sự góp mặt của những võ sĩ tay ngang, điển hình là Logan Paul và Jake Paul đã trở thành đề tài chỉ trích của giới chuyên môn.
Nhà vô địch hạng trung UFC Michael Bisping, người đã trực tiếp huấn luyện cho Youtuber KSI trước thềm trận đấu đầu tiên Logan Paul với đã phải lên tiếng “đây là một sự chế nhạo và xúc phạm” đối với Boxing và võ thuật chuyên nghiệp.
“Họ cần dừng ngay những trận biểu diễn ngu ngốc của đám người ngổi tiếng này.” – Nữ võ sĩ Amanda Serrano, nhà vô địch hạng lông từng thi đấu chung sự kiện với trận Jake Paul vs. AnEsonGib năm 2020 tuyên bố.
“Boxing là trò chơi nghiêm túc. Đa phần các võ sĩ nghiệp dư sang thi đấu chuyên nghiệp bắt đầu với 4 hiệp, những người nổi tiếng ra mắt với 6 hiệp, sớm muộn cũng có người sẽ bị thương.”
Những con số biết nói
Dù chỉ trích là vậy, nhưng khi đánh giá lại hiệu quả, các sự kiện biểu diễn đều thu về những con số đủ sức khiến giới Boxing phải nhìn nhận lại.
Ở lần dự bị cho trận Mike Tyson vs. Roy Jones Jr, Jake Paul đã thu về 750 ngàn đô la sau khi đánh bại cựu VĐV bóng rổ Nate Robinson. Con số này trong lần hạ gục cựu vô địch MMA Ben Askren đã nhân lên gấp đôi: 1,5 triệu đô.
Không chỉ là số tiền bỏ túi, sức hút của Jake Paul được giới võ sĩ chuyên nghiệp cũng phải thừa nhận. Chàng võ sĩ tay ngang này đã mang tới một lượng lớn khán giả trẻ theo dõi Boxing – bộ môn đang bị coi là quá “già” so với nhưng trào lưu mới như MMA.
Ban đầu, Jake Paul chỉ đóng vai trò trận đấu dự bị, nhưng trong năm 2021, tay đấm sinh năm 1997 đã tự mình có được những bản hợp đồng quảng bá sự kiện dưới chính tên mình.
Chưa dừng lại ở đó, trước thềm cuộc đối đầu Tyron Woodley vào ngày 30 tháng 8 tới đây, Showtime Boxing – đơn vị chuyên quảng bá những trận đấu bom tấn của làng Quyền Anh thế giới cũng kí hợp đồng với Jake Paul để quảng bá cho sự kiện này.
Ảnh hưởng tới những tên tuổi lớn
Sau các hiệu ứng đã tạo ra, không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của các võ sĩ như Jake Paul với Boxing.
Jake Paul đã tận dụng lượng người theo dõi mà mình có được khi hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội như Youtube, Facebook... Cùng với đó, Paul lựa chọn Boxing, môn thể thao đã nổi tiếng sẵn về khả năng thu lợi nhuận, với hệ thống quảng bá phủ sóng rộng khắp.
Chính phương thức này đã khiến các sự kiện của tay đấm sinh năm 1997 luôn đảm bảo lượng khán giả nhất định, đi kèm với doanh số. Và việc hợp tác của Paul với những nền tảng như Triller hay Showtime là sự công nhận rõ ràng nhất.
Điển hình nhất, chính là trận đấu giữa Floyd Mayweather Jr và Logan Paul hồi tháng 6 vừa qua, dù chỉ là một kèo biểu diễn nhưng trở thành tâm điểm của làng võ đối kháng trong thời gian này.
Hay gần đây, huyền thoại Boxing một thời Oscar De La Hoya, đã quyết định quay trở lại võ đài. Những đối thủ mà ông tìm đến cũng là các võ sĩ từng nổi danh ở UFC, ban đầu là nhà cựu vô địch hai hạng cân Georges St-Pierre, sau này đổi lại thành nhà cựu vô địch hạng bán nặng Vitor Belfort.
Có thể, sự xuất hiện của những Logan Paul hay Jake Paul trên võ đài Quyền Anh, chỉ là nhất thời trong một vài năm, khi hiệu ứng của họ trên các nền tảng mạng xã hội còn mạnh mẽ.
Làng Boxing đang chứng kiến những khó khăn chồng chất: sự phức tạp của hệ thống đai, có quá nhiều nhà vô địch nhưng không thể tạo ra hiệu ứng tốt; chất lượng của hệ thống quản lý – giám sát; sự cạnh tranh của những môn thể thao mới như MMA.
Những yếu tố trên cũng khiến giới Boxing phải nhìn nhận lại. Môn thể thao quý tộc này đang đứng trước cơ hội đón nhận luồng khán giả trẻ, những người sẵn sàng xem Boxing với vai trò một hình thức giải trí, thay vì đặt nặng yếu tố chuyên môn.