Việt Võ Đài 2021: Đa dạng kĩ thuật, đưa Vật dân tộc lên sàn đấu
Ngày 15 tháng 6 vừa qua, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam công bố Điều lệ và Luật thi đấu của Việt Võ Đài – giải đấu hướng tới phát triển các kĩ thuật đấu đài chuyên nghiệp của Võ Việt trong tương lai.
Theo đó, luật thi đấu giải Việt Võ Đài đầu tiên dự kiến diễn ra tại tỉnh Đắk Nông từ ngày 20 tới 22 tháng 10 năm 2021 có những điểm khác biệt với luật thi đấu Võ cổ truyền thường thấy.
Trang phục thi đấu tối giản
Các võ sĩ tham gia thi đấu Việt Võ Đài sẽ sử dụng trang phục quần ngắn – áo ba lỗ với 2 màu xanh – đỏ, riêng võ sĩ nữ sẽ có bảo vệ ngực. Các trang bị bảo hộ thi đấu gồm có găng từ 227g tới 284g, tương đương với găng 8-10oz theo tiêu chuẩn quốc tế, bọc chỏ, băng chân bảo vệ cổ chân.
Như vậy, luật thi đấu cho phép các võ sĩ sử dụng trang phục tối giản, không giống như trang phục quần dài đen – áo ba lỗ, giáp bảo hộ thân và đầu như trước đây.
Kĩ thuật ra đòn – Kết hợp Vật Dân Tộc
Theo các thông tin đã công bố từ trước, các kĩ thuật chỏ - gối được bổ sung là điểm đáng chú ý nhất.
Các vùng đánh được tính điểm từ thắt lưng trở lên, ngoại trừ cổ, gáy và yết hầu. Những vùng dưới thắt lưng được phép ra đòn để tiêu hao thể lực đối phương nhưng không được ghi điểm, trong đó, các kĩ thuật đá phá khớp, đá hạ bộ cũng bị cấm.
Bên cạnh các kĩ thuật tấn công đánh đứng, Việt Võ Đài còn mang tới một điểm mới đáng chú ý, những kĩ thuật Vật dân tộc được phép sử dụng bao gồm: ôm, bốc, vật ngã trên sàn đài (không ném ra ngoài đài, không quá 5 giây), các kĩ thuật cắt kéo, tảo địa thuận nghịch cũng được tính điểm.
Các kĩ thuật vật đưa đối thủ xuống sàn sẽ được tính 3 điểm, tuy nhiên, trận đấu sẽ tạm dừng và trở về khi thế đứng khi một trong 2 võ sĩ ngã xuống sàn đấu.
Thời gian thi đấu dài hơn
So với luật thi đấu Võ cổ truyền thông thường, tùy theo điều lệ từng giải, các vận động viên nam có thể thi đấu 3 hiệp từ 3 tới 5 phút. Đây là điểm khác biệt lớn yêu cầu các võ sĩ chuẩn bị về mặt thể lực và kĩ chiến thuật. Riêng với võ sĩ nữ, thời gian thi đấu tiêu chuẩn là 3 hiệp 3 phút.
Ngoài ra, một điểm đáng chú ý, võ sĩ nào được chấm thắng 2 hiệp liên tiếp sẽ không cần thi đấu hiệp thứ 3. Sau mỗi hiệp đấu, 5 giám định sẽ tính tổng điểm và xác định người chiến thắng.
Có thể thấy, cách tính điểm này của Việt Võ Đài có sự tương đồng với bộ môn Tán Thủ, yêu cầu các võ sĩ cần thi đấu tích cực và sử dụng chiến thuật phù hợp ngay từ đầu.
Dựa trên những điều lệ và luật thi đấu đã được công bố, có thể thấy, Việt Võ Đài là cơ hội để các võ sĩ mang những nét đặc trưng võ thuật truyền thống Việt Nam lên sàn đấu.
Ngoài cơ hội, đây cũng là một thách thức với các võ đường, câu lạc bộ và đội tuyển khi phải từng bước chuyên nghiệp hóa công tác đào tạo, sẵn sàng cho một giải đấu có nhiều sự cải tiến như Việt Võ Đài.