WBO là gì? Tìm hiểu về Tổ chức Quyền Anh Thế giới trao đai cho Nguyễn Thị Thu Nhi
Sự kiện Nguyễn Thị Thu Nhi giành đai WBO hạng mini-flyweight ngày 23 tháng 10 đã đi vào lịch sử boxing Việt Nam khi lần đầu tiên, có một võ sĩ giành đai vô địch chuyên nghiệp của một trong 4 tổ chức uy tín nhất làng Quyền Anh thế giới.
Hãy cùng tìm hiểu những thông tin về WBO - một trong 4 ông lớn đã trao đai vô địch cho Nguyễn Thị Thu Nhi từ năm 2020 tới nay.
WBO là gì?
WBO - World Boxing Organization (tạm dịch: Tổ chức Quyền Anh Thế giới) là đơn vị chuyên tổ chức các sự kiện boxing nhà nghề trên quy mô toàn thế giới.
WBO được xếp ngang hàng với 3 tổ chức chuyên nghiệp khác của làng boxing: WBA (World Boxing Association - Hiệp hội Quyền Anh Thế giới), WBC (World Boxing Council - Hội đồng Quyền Anh Thế giới), IBF (International Boxing Federation - Liên đoàn Quyền Anh Quốc tế), là những đơn vị chuyên nghiệp danh giá nhất thế giới.
Lịch sử thành lập và phát triển?
WBO được thành lập năm 1988, muộn nhất so với WBA (1921), WBC (1963) và IBF (1983), bởi các doanh nhân người Puerto Rico và Dominica do sự bất đồng trong nội bộ WBA về cách áp dụng những quy tắc quản lý trận đấu - danh hiệu và võ sĩ.
Nhà vô địch thế giới đầu tiên được WBO trao danh hiệu là Thomas Hearns. Huyền thoại người Mỹ nhận đai WBO hạng siêu trung sau khi đánh bại James Kinchen ngày 4 tháng 11 năm 1988. Sau đó, lần lượt các hạng cân còn lại cũng đón những nhà vô địch đầu tiên những năm kế tiếp.
Do bất đồng với WBA cũng như có tuổi đời “nhỏ” nhất so với các tổ chức Quyền Anh khác, thời gian đầu, WBO không nhận được sự ủng hộ của giới chuyên môn tại Mỹ. Những tạp chí Quyền Anh uy tín như The Ring cũng không công nhận đẳng cấp của các nhà vô địch được WBO trao đai, nhiều võ sĩ sau khi giành được danh hiệu đã sớm từ bỏ để theo đuổi các đai vô địch của các tổ chức khác.
Sau giai đoạn khó khăn đầu tiên, WBO ghi nhận những võ sĩ đã mang lại danh tiếng và uy tín cho tổ chức này, đặc biệt ở Anh và Châu Âu. Các tên tuổi như Chris Eubank, Johnny Tapia hay Naseem Hamed, trong hành trình chinh phục danh hiệu của mình đã đưa WBO tới gần với khán giả hơn. Sau đó, thế hệ những Oscar De La Hoya, Marco Barrera, Ronald Wright, Joe Calzaghe hay Wladimir Klitschko tiếp tục sứ mệnh đó.
Dù vậy, mãi tới năm 2004, WBO mới bắt đầu có được sự công nhận của những tổ chức khác như WBC. Năm 2007, IBF mới cho phép những võ sĩ tại Nhật Bản được tranh đai WBO.
Độ uy tín và chất lượng đai vô địch
So với những tổ chức như WBA, WBC hoặc IBF, WBO duy trì hệ thống quy tắc chặt chẽ hơn cả.
Dưới thời chủ tịch thứ ba Francisco Valcarcel - người giữ ghế điều hành từ 1996 tới nay, WBO luôn chỉ cho phép một nhà vô địch tuyệt đối ở mỗi hạng cân. Đồng thời, các nhà vô địch sẽ phải bảo vệ đai trước võ sĩ được chỉ định là “người thách thức được ủy thác” (mandatory challenger) trong khoảng thời gian nhất định, nếu không họ sẽ bị tước danh hiệu.
Trường hợp nổi tiếng nhất gần đây về cơ chế bảo vệ đai WBO chính là Anthony Joshua - tay đấm khi đó giữ đai hạng nặng đã được yêu cầu bảo vệ đai trước Oleksandr Usyk hồi tháng 9. Chính vì các quy định chặt chẽ này, chủ tịch Francisco Valcarcel thường chỉ trích những tổ chức khác như WBA hay WBC trong việc tìm cách để nhiều nhà vô địch cùng xuất hiện trong một hạng cân, nhằm mục đích thương mại hóa danh hiệu.
Các tổ chức chi nhánh và danh hiệu
Để quản lý và điều hành các trận đấu ở từng khu vực, WBO có 4 tổ chức chi nhánh thành viên bao gồm:
- Tổ chức Quyền Anh Bắc Mĩ (NABO)
- WBO Latinh
- WBO Châu Á - Thái Bình Dương
- Hiệp hội Quyền Anh nhà nghề Ấn Độ (IPBA)
Đồng thời, để tìm ra những ứng cử viên tranh đai thế giới, WBO cũng tiến hành trao nhiều đai vô địch khác nhau ở từng khu vực, bao gồm:
- Đai vô địch Châu Phi (Afirica)
- Đai vô địch Châu Á - Thái Bình Dương (Asian-Pacific)
- Đai vô địch Châu Âu (Europe)
- Đai vô địch Liên lục địa (Inter-Continental)
- Đai vô địch Quốc tế (International)
- Đai vô địch Latin (Latin)
- Đai vô địch Bắc Mỹ (NABO)
- Đai vô địch Phương Đông (Oriental)
Trong quá trình thương thảo, các nhà vô địch khu vực hoặc những võ sĩ có thành tích tốt, có thể được lựa chọn làm “người thách thức được ủy thác” (mandatory challenger) và tiến hành thách đấu nhà vô địch thế giới. Tương tự như các tổ chức khác, WBO có 17 hạng cân nam và nữ từ mini-flyweight cho tới heavyweight. Trong đó, đai vô địch nam có màu nâu và đai vô địch nữ có màu hồng.
Danh hiệu của Nguyễn Thị Thu Nhi
Tháng 2 năm 2020, Nguyễn Thị Thu Nhi chiến thắng đối thủ người Thái Lan Kanyarat Yoohanngoh sau 10 hiệp, mang về chiếc đai WBO Châu Á - Thái Bình Dương hạng mini-flyweight.
Tháng 10 năm 2021, Nguyễn Thị Thu Nhi thách đấu người đang giữ đai thế giới Etsuko Tada và giành chiến thắng sau 10 hiệp, trở thành võ sĩ đầu tiên đoạt chức vô địch thế giới của boxing chuyên nghiệp Việt Nam.
Ở hạng cân mini-flyweight, Thu Nhi là võ sĩ thứ 8 giành đai vô địch thế giới. Võ sĩ đầu tiên nắm giữ danh hiệu này là Teeraporn Panimit người Thái Lan, giành được đai ngày 2 tháng 4 năm 2010. Trong đó, người bảo vệ đai hạng cân nhiều nhất là võ sĩ Nhật Bản Kumiko Seeser Ikehara. Bại tướng của Thu Nhi, Etsuko Tada từng hai lần lên ngôi vào các năm 2018 và 2020.