Bác sĩ sàn đấu - Những anh hùng thầm lặng trên đấu trường MMA
Những bác sĩ trên sàn đấu MMA, hay còn gọi là "Cutman", đóng vai trò quan trọng hơn nhiều so với những gì khán giả biết về họ.
Ngày 13/12/2014, David Michaud đối đầu với Garett Whiteley trong một trận đấu hạng nhẹ của UFC ở Phoenix. Hết hiệp đấu thứ 2, David dính một vết cắt lớn ở phía trên lông mày sau một cú cùi chỏ trời giáng từ Whiteley. Máu đổ khắp sàn đấu.
Nếu không có sự điều trị của bác sĩ sàn đấu, có lẽ David Michaud đã đánh mất chiến thắng tại UFC on FOX 13
David Michaud - người vốn đang làm chủ trận đấu - lại đánh mất lợi thế về phía Whiteley với vết cắt đó. Trong thời gian nghỉ giữa 2 hiệp đấu, bác sĩ Mike Afanasiev bước vào sàn đấu làm nhiệm vụ của mình. Ông lau máu cho David, dí tăm bông đã tẩm epinephrine vào vết thương rồi bôi một ít vaseline lên đó để cầm máu.
Vết thương không còn chảy máu trong hiệp đấu thứ 3. Ảnh hưởng bởi vết cắt đã giảm đi đáng kể, David quay trở lại một cách mạnh mẽ và giành chiến thắng bằng tính điểm.
Không ai nhắc đến Mike Afanasiev, nhưng đóng góp của ông đến trận thắng của David là vô cùng quan trọng.
Từ trái sang phải: các bác sĩ sàn đấu UFC Mike Afanasiev, Rob Monroe, và Rudy Hernandez
Mike Afanasiev từng là một võ sĩ được huấn luyện bởi cựu HLV ở AKA, Lynn Shutz. Anh từng có sự nghiệp thi đấu ngắn ngủi trước khi giải nghệ và chuyển sang nghề lính cứu hỏa ở Las Vegas.
Trước khi có được những chuyến đi vòng quanh thế giới với tư cách bác sĩ cho các giải đấu MMA, việc đầu tiên mà Mike phải học là quấn tay cho các võ sĩ. Mike đã phải dành vài năm đến các địa điểm tập luyện của các võ sĩ, làm việc không công để học "nghệ thuật quấn tay" tưởng chừng vô cùng đơn giản này.
Bác sĩ Mike Afanasiev cuốn băng tay cho võ sĩ UFC Brian Barberena
"Nói một cách nhẹ nhàng thì việc quấn tay là dùng băng quấn vào tay các võ sĩ nhằm bảo vệ các khớp ngón tay cũng như cổ tay của họ," Mike giải thích.
"Lớp băng quấn cần phải có khả năng bảo vệ đôi tay một cách tốt nhất, trong khi các võ sĩ vẫn cảm thấy hoàn toàn thoải mái để ra đòn."
"Tuy nhiên, các võ sĩ sở hữu những đôi bàn tay rất khác biệt. Bởi vậy, những người quấn băng cần có kĩ thuật tốt và điều chỉnh được trước những trường hợp khác nhau."
Ngay việc đơn giản như quấn tay cũng đòi hỏi các bác sĩ sàn đấu phải rất nghiêm túc với công việc
Sơ cứu các vết thương là một công việc khác, phức tạp và khó khăn hơn nhiều, nhất là trong điều kiện thời gian cực kỳ có hạn.
Giữa các hiệp đấu, các bác sĩ chỉ có tối đa 45 giây để làm việc. Với tư cách là các nhân viên y tế đầu tiên tiếp xúc với võ sĩ trên sàn đấu, các bác sĩ phải quyết định thật nhanh xem tình trạng vết thương của võ sĩ ra sao, nghiêm trọng đến đâu, còn có thể thi đấu hay không.
Các bác sĩ chỉ có vài giây quan sát hoặc thậm chí ít hơn để xác định tình trạng của võ sĩ trước khi bắt tay vào chữa trị
Khi đó, kĩ thuật và kinh nghiệm là những điều quan trọng nhất mà các bác sĩ sẽ dựa vào.
Trên sàn MMA, những trường hợp bị cắt da chảy máu là thường thấy nhất. Để cầm máu, các bác sĩ sàn đấu sẽ lau sạch xung quanh, day nhẹ rìa vết thương rồi dùng một số loại thuốc như Epinephrine hoặc Adrenaline Chloride, tẩm lên tăm bông rồi ấn vào vết cắt nhằm giảm lượng máu chảy ra.
Video bác sĩ sàn đấu Rob Monroe xử lý vết cắt cho Rony Jason
Ngoài công tác trong lĩnh vực MMA, số đông các bác sĩ sàn đấu cũng nhận việc trong các trận Boxing.
Nếu như ở các giải MMA, ban tổ chức giải đấu sẽ trả lương cho các bác sĩ sàn đấu, thì ở Boxing, các bác sĩ sẽ nhận lương trực tiếp từ võ sĩ, thường vào khoảng 2% phần tiền hợp đồng mà võ sĩ được hưởng.
Ở Boxing, các bác sĩ sẽ nhận lương trực tiếp từ võ sĩ, thường vào khoảng 2% phần tiền hợp đồng mà võ sĩ được hưởng
Tựu chung, dù là những con người hầu như không được đề cập đến sau mỗi trận đấu, đóng góp của các bác sĩ sàn đấu là không thể bàn cãi. Họ đích thực là những anh hùng thầm lặng trên đấu trường.
"Công việc của chúng tôi đơn giản là giúp các võ sĩ thi đấu một cách an toàn nhất có thể," Nữ bác sĩ Swayze Valentine của UFC kết luận.