Chỗ đứng nào cho Vịnh Xuân trong Võ tổng hợp MMA?
Giống như nhiều môn võ cổ truyền khác xuất xứ phương Đông, Vịnh Xuân quyền thường nhận được cái lắc đầu ngao ngán từ các võ sĩ MMA. Nhưng có thật là Vịnh Xuân không có chỗ đứng trong Võ tổng hợp - Mixed Martial Arts?
Lâu nay, công thức để học tập MMA thường là sự kết hợp giữa những cú đá sắc gọn của Muay Thái, những đòn bốc đôi của wrestling và những đòn khóa siết trên sàn của Brazilian Jiu-jitsu.
Tổ hợp này đã quá quen thuộc trong suốt một thập kỷ vừa qua, và trở nên dễ bị "bắt bài". Có lẽ đó là lý do khá nhiều võ sĩ đã tìm đến những yếu tố võ thuật cổ truyền phương Đông như Karate, Taekwondo, Judo, Thiếu Lâm, thậm chí cả Thái cực quyền, để "refresh" lại chiến thuật trong những năm gần đây.
Thế còn Vịnh Xuân quyền?
Clip Anderson Silva đánh mộc nhân:
Sở hữu hệ thống lý thuyết khác biệt so với nhiều môn võ thuật cổ truyền khác, Vịnh Xuân tồn tại những nét đặc trưng không thể nhầm lẫn. Kỹ thuật Vịnh Xuân quyền có rất nhiều lưu phái với những hệ thống kỹ thuật, bài quyền phong phú và khác nhau.
Các chi lưu Vịnh Xuân quyền tại Trung Quốc truyền thụ 4 bài quyền: Tiểu Niệm Đầu, Tầm Kiều, Tiêu Chỉ, Mộc Nhân Trang Quyền Pháp; kèm theo hai bài binh khí: Lục Điểm Bán Côn và Bát Trảm Đao (Song Tô). Vịnh Xuân Việt Nam theo dòng Nguyễn Tế Công còn có Ngũ Hình quyền (Long, Hổ, Báo, Xà, Hạc).
Vịnh Xuân quyền không nhấn mạnh tính hình thức. Các bài quyền không phản ánh tính chất quy ước cho các chiêu thức, phân thế cụ thể từng chiêu tấn công hay phòng thủ. Những bài quyền Vịnh Xuân chỉ là những nguyên lý trong khi giao chiến, rất cần sự sáng tạo của môn sinh khi ứng dụng.
Khi chiến đấu tay không, các võ sĩ thường xử lý các đòn thế trong 4 khoảng cách. Tầm xa (Long range) dành cho những cú đá. Tầm trung (Striking range) cho những cú đấm. Tầm gần (Clinch range) cho những pha ôm khóa, đòn chỏ và gối. Cuối cùng là cận thân (Grappling range) dành cho những đòn quật và khóa siết.
Khoảng cách thích hợp để ứng dụng Vịnh Xuân nằm giữa tầm trung và tầm gần. Đây là một khoảng cách khá đặc thù, khi đối thủ không thể tung hết lực khi ra đòn đấm/ đá, mà vẫn chưa đủ gần để bị kéo vào thế ôm khóa (clinch).
Ở khoảng cách này, phép du đẩy của Vịnh Xuân tỏ ra hiệu quả đến không ngờ. Anderson Silva - huyền thoại Brazil vẫn đang giữ kỷ lục thống trị ngôi vô địch trong thời gian dài nhất tại UFC - đã ứng dụng đòn tay của Vịnh Xuân để phá thế thủ của võ sĩ người Nhật Yushin Okami trước khi tung đòn headkick.
Silva là đại diện hiếm hoi của UFC có bộ mộc nhân Vịnh Xuân đặt ở góc sàn tập luyện. Trong khá nhiều clip luyện tập, Anderson Silva đã trình bày cách đánh mộc nhân.
Cựu vương hạng Middleweight cũng tỏ ra hứng thú với bộ đòn tay của Vịnh Xuân, thậm chí đôi khi còn đem Kiều thủ và Niêm thủ ứng dụng vào việc đấu tập (sparring).
Clip Anderson Silva học Vịnh Xuân với người bạn tập của Lý Tiểu Long - Dan Inosanto:
Clip Anderson Silva thực hiện Niêm thủ với bạn tập:
Dù vậy, Vịnh Xuân vẫn có nhược điểm. Chú trọng vào tốc độ ra đòn và quyền cước trong cự ly gần, Vịnh Xuân còn nhiều khó khăn khi phải đối đầu với những phong cách đánh cường công tầm xa như Karate, Taekwondo hay những môn chú trọng quật ngã và địa chiến như Judo, Jiu-Jitsu.
Càng không thể so sánh "độ thực chiến" giữa các chiêu thức Vịnh Xuân với các kỹ thuật MMA, bởi Vịnh Xuân, cũng như đa số các môn võ khác xuất xứ Trung Quốc, đều thiếu hẳn phần địa chiến.
Chính bản thân Anderson Silva - dù tự quảng cáo rằng anh rất mê Lý Tiểu Long và vẫn đánh mộc nhân hàng tuần - cũng không thực sự là một võ sĩ thiên hướng Vịnh Xuân. Hai môn chính mà Silva vẫn dùng để đánh đứng trong lồng đấu bát giác là Muay Thái và Taekwondo.
Tóm lại, với những lợi thế của mình trong việc đánh đáng (striking), Vịnh Xuân là một môn võ rất đáng để tham khảo. Tuy nhiên quá trình ứng dụng để đem Vịnh Xuân vào MMA vẫn còn là một con đường dài.