Conor McGregor không còn đai Featherweight: Lạ, vô lý và mất giá
Kỷ niệm 2 tuần kể từ ngày Conor McGregor trở thành nhà vô địch đồng thời hai hạng cân đầu tiên, người phát ngôn của UFC, Jon Anik, đã thông báo Conor quyết định từ bỏ đai 145 pound Featherweight trong khi bình luận trực tiếp UFC FN 101 Melbourne.
Lạ.
"Từ bỏ" (relinquises), nếu đúng như những gì UFC công bố trên truyền hình, không phải là một từ thường thấy trong từ điển của võ sĩ người Ireland Conor McGregor (21-3 MMA, 9-1 UFC).
Ngay từ khi chuẩn bị tranh đai Lightweight với Eddie Alvarez, Conor McGregor đã khẳng định: "Họ (UFC) sẽ cần một đội quân để tước đi bất kỳ chiếc đai nào khỏi tay tôi".
Không dừng lại ở mục tiêu trở thành nhà vô địch đầu tiên đồng thời giữ 2 chiếc đai ở 2 hạng cân của UFC, McGregor hứa hẹn sẽ còn thử thách chính mình trong những trận đấu mạo hiểm khác: "Tôi sẽ hạ gục tất cả những ai ngáng đường tôi... Sở hữu hai chiếc đai vô địch chỉ là bước khởi đầu - tôi sẽ càn quét xa hơn nữa trong tương lai."
Một người như thế, như McGregor, nếu anh ta thật sự "từ bỏ" chiếc đai vô địch Featherweight, có lẽ lời thông báo sẽ đến từ chính anh ta chứ không phải từ phát ngôn viên Jon Anik.
Vô lý.
Thay vì tập trung vào bản chất việc UFC tước đi chiếc đai Featherweight của McGregor, ta nên tập trung vào một vấn đề khác: Thời điểm công bố.
Yếu tố này thật ra đã giải thích toàn bộ lý do của việc tước đai, đồng thời chỉ ra UFC đã vô lý đến mức nào trong những quyết định của họ.
Nếu UFC quyết định tước đai ngay sau khi McGregor thắng Alvarez và sở hữu chiếc đai Lightweight, điều đó hợp lý. Nếu UFC quyết định tước đai sau khi McGregor tái đấu quyết thắng thua với người từng giữ đai Interim Featherweight Jose Aldo, điều đó sẽ còn hợp lý hơn - anh không thể cứ giữ nhăm nhăm một chiếc đai mà anh không chịu bảo vệ, đúng không?
Thế nhưng, công bố tước đai chỉ đến vào thời điểm nhà ĐKVĐ Light Heavyweight Daniel Cormier gặp chấn thương; khiến UFC 206 không còn bất cứ một trận tranh đai nào - điều này "không hợp lý" lắm với một sự kiện lớn như UFC 206 Toronto.
Nếu anh là UFC, vào thời điểm đó anh sẽ làm gì?
Đáp án là: hô "biến" ra một cái đai nữa.
Thế là ngoài việc tước chiếc đai Featherweight chính thức của McGregor trao cho Aldo; UFC còn biên một chiếc đai Interim cho trận đấu giữa Max Holloway và Anthony Pettis.
Như vậy, tổng kết lại hạng Featherweight, chúng ta có một nhà cựu vô địch chưa bao giờ thua trận tranh đai (Conor McGregor); một nhà ĐKVĐ được nâng cấp từ Interim trong khi anh ta vẫn ngồi ngoài lồng đấu (Jose Aldo); một kẻ khiêu chiến với 9 chiến thắng liên tiếp mà vẫn chưa thể chạm đến chiếc đai thật sự (Max Holloway); và một võ sĩ chỉ mới thi đấu tại Featherweight đúng một lần cũng đã có cơ hội đeo đai (Anthony Pettis).
Mất giá.
Thông thường, ý nghĩa của chiếc đai Interim là "chiếc đai tạm thời", cụ thể hơn là "trong khi chúng ta đợi nhà vô địch thực sự có thể thi đấu, đây, đeo tạm cái đai không chính thức này vào".
Nhưng ở trường hợp này, định nghĩa về đai Interim phải được hiểu là "chiếc đai được dựng lên khi một sự kiện cần được quảng cáo". Nói cách khác, UFC chỉ cần đảm bảo sẽ có một trận tranh đai trong sự kiện 206 sắp tới tại Toronto, còn vì lý do gì có trận tranh đai đó, biên tạm ra một câu chuyện là được.
Không biết khán giả nghĩ sao về sự sắp xếp này, nhưng chưa chắc đã có bao nhiêu người coi trọng chiếc đai Interim mà Max Holloway và Anthony Pettis sắp tranh giành, một khi Jose Aldo và Conor McGregor vẫn còn đó.
Bản thân việc tước đai - chuyển đai - tạo đai cũng đã biến một biểu tượng vinh danh võ sĩ chuyển thành một chiêu trò marketing. Trong khi thực tế, bản thân trận Holloway - Pettis cũng đã rất thú vị, và điều này đủ hấp dẫn khán giả mê MMA thay vì chiếc đai từ trên trời rơi xuống.
Trong tương lai, sẽ còn bao nhiêu chiếc đai Interim khác được dựng lên vì lý do quảng cáo?