Giới võ phủi hiện đại có đang đi vào vết xe đổ của truyền thống?
Bắt đầu từ những trận đấu võ tổng hợp đầu tiên cho tới những mùa UFC, mục đích ban đầu luôn là thanh lọc và lựa chọn ra những môn võ mạnh nhất và dần thay đổi nó thành việc tạo ra một công thức võ thuật hiệu quả nhất. Cũng vì thế mà những môn võ mang tính chất chiến đấu cao bắt đầu lên ngôi để có thể kết hợp với những môn võ khác như Boxing, Muay, Brazilian Jiu Jitsu,…. Họ đều gọi chung những môn võ này là võ hiện đại do tính phổ biến của chúng trên các võ đài thể thao ngày nay.
Tuy nhiên, sau thời gian phát triển tột bậc, giới chơi võ hiện đại Việt đã rẽ sang 2 nhánh hoàn toàn khác nhau. Một nhánh hướng đến sự hoàn thiện và chuyên nghiệp, nhánh còn lại quay trở về với vết xe đổ của những thói hư tật xấu mà dân chơi võ hiện đại từng cố gắng bài trừ, loại bỏ khỏi cộng đồng.
Sự phiến diện
Trước khi giải UFC mở màn những trận đầu tiên, hầu hết tất cả các võ sĩ của rất nhiều môn võ luôn tự tin vào khả năng của mình và luôn tin rằng môn võ mình đang tập luyện là số một. Ở các sự kiện đầu tiên, nhà Gracie đã chiếm lĩnh hoàn toàn các ngôi vị quán quân cho tới khi các võ sĩ nhận ra mình cần tìm cách phương thức khắc chế Nhu thuật của họ, hoặc đơn giản là buộc phải học các kĩ năng đó để chống lại chúng. Cũng từ đó đã tạo nên cụm từ MMA - Mixed Martial Art, nó cũng nói lên việc cần phải học hỏi thêm nhiều môn võ khác nhau để tìm và phát huy tối đa khả năng của bản thân
Nhưng hiện nay dân võ lại không như thế, họ không còn ham học hỏi và nhìn nhận những cái hay của những môn võ khác. Khi nói đến Boxing hay Muay, những "con nghiện" MMA có thể sẽ miễn cưỡng chấp nhận, nhưng khi bạn nói đến vịnh xuân thì họ sẽ lắc đầu tặc lưỡi coi thường. Kể cả khi bạn đưa ra bằng chứng là chính huyền thoại Anderson Silva cũng dùng Vịnh Xuân trong lồng bát giác thì câu trả lời vẫn là sự phủ nhận và dè bỉu.
Dân võ cổ truyền đã từng khép kín nhưng tràn đầy tự tin về khả năng của mình và rồi họ thất bại vì không chịu nhìn nhận cái hay của những môn khác. Và bây giờ dân võ hiện đại cũng đang đi vào vết xe đổ như thế.
"Thần thánh hóa" môn võ của mình
Giới võ truyền thống từng có một thời gian dài tự cho môn võ của mình là bất khả chiến bại cho đến khi những thế hệ đầu tiên của giới võ hiện đại đứng ra "giải ngố" cộng đồng. Cũng trong khoảng thời gian "giải ngố" này, rất nhiều võ sinh truyền thống đã cầu tiến học hỏi thêm các môn hiện đại. Tuy nhiên, đến hiện nay, khi giới chơi võ đã bão hòa, dân chơi võ hiện đại lại tự bước vào vết xe đổ ngày trước mà những người đàn anh thuở trước đã từng nỗ lực phá bỏ.
Rất nhiều người bây giờ đang quá tự thần thánh môn mà họ đang tập, học môn này là tốt nhất môn kia là thực chiến. Một số người người học Muay thần tượng rằng họ sẽ hạ được mọi đối thủ bằng những pha lên gối, hay như những người học Boxing sẽ luôn rất tự tin rằng họ có thể vung nắm đấm KO được tất cả. Ngay cả BJJ cũng đã từng như thế và rồi thất bại.
Nhà Gracie đã vô địch liên tục và sau đó cũng đã thất bại nhanh chóng thậm chí là trên chính lối đánh làm nên tên tuổi của mình. Kazushi Sakuraba là một võ sĩ với nền tảng là một đô vật chuyên nghiệp và cũng được đặt biệt danh là The Gracie Hunter với thành tích đã hạ Royler Gracie, Renzo Gracie, Ryan Gracie và Royce Gracie.
Huyền thoại Rickson Gracie cũng từng chống chế 4 trận đại bại của nhà Gracie và cho rằng Sakuraba vốn dĩ không có khả năng kỹ thuật gì cả mà thắng là do nhờ vào lối đánh rình rập canh sơ hở. Nhưng thực tế thì không phải vậy vì nếu không có kỹ năng thì Sakuraba đã không bẻ gãy tay 2 trong 4 người mà ông đã đối đầu (Royler Gracie và Renzo Gracie), chưa nói đến trong trận đánh với Royce Gracie, Royce đã chủ động ném khăn xin hàng. Dù có nhiều điều lố bịch như vậy, giới BJJ vẫn tin tưởng mù quáng vào mọi điều mà huyền thoại nhà Gracie nói.
Kazushi Sakuraba và những trận đấu với gia tộc Gracie
Nói tiếp về nhà Gracie, huyền thoại Rickson Gracie thậm chí quá cường điệu hóa môn võ của gia đình mình nên đã luôn huênh hoang mình đã thắng 400 trận đánh nhau đường phố. Trên thực tế, nếu tính toán thành tích theo kiểu "đập đâu ghi đấy", chắc chắn cụ tổ Helio Gracie sẽ vượt xa con số 400 đó, nhưng rõ ràng trong cả dòng tộc Gracie, chỉ có Rickson là người lấy con số 400-0 ra làm niềm tự hào.
Hiếu chiến và hèn nhát
Rất nhiều lần dân võ hiện đại tôn thờ những hành động rất xấu, nhất là việc thách đấu vô tội vạ. Thay vì đấu giao lưu với người cùng khả năng hay là người giỏi hơn để học tập thì họ lại thách đấu với những người không chơi môn của họ. Một người chơi boxing thì thách đấu một PT phòng gym chỉ vì nhìn tay PT tập bao cát có vẻ ngứa mắt? Hay một người tập BJJ thách đấu một người chơi boxing đấu luật BJJ chỉ vì người tập BJJ không biết đánh Boxing?
Nhiều lần họ thách đấu những người không chơi môn của mình chỉ để thỏa mãn thú vui đánh người. Đây thật sự không phải là hành động đẹp, đó là chưa nói đến rất nhiều người cố tình thể hiện sức mạnh trong những trận đấu trên tinh thần giao lưu kĩ thuật.
Theo đuổi mù quáng và bảo thủ
Dân võ hiện đại luôn chê trách những người tập võ cổ truyền luyện khí công với mong muốn trở thành những "thần nhân" giữa đời thường bởi đây là điều quá phi lý. Tuy nhiên, giới võ hiện đại, tư tưởng bảo thủ của họ cũng đang đi vào lối mòn tương tự như thế khi theo đuổi một thứ mơ hồ như MMA.
MMA là đỉnh cao của võ thuật, đó là điều không thể bàn cãi. Tuy nhiên, đối với những võ sĩ MMA chuyên nghiệp, họ luôn bắt đầu với một môn võ cụ thể nào đấy trước khi nghĩ đến chuyện "xào nấu" mọi kỹ năng của họ thành MMA. Giới MMA phủi ngày nay dường như chỉ nghe, chỉ làm theo những thứ có gắn mác MMA mà gần như bỏ qua bản thân những môn võ riêng lẻ.
Dân võ hiện đại đã từng phát triển mạnh, cũng chính họ đã chỉ ra những sự bảo thủ ở dân võ cổ truyền, nhưng giờ họ lại trở thành những người mà họ đã từng chê trách. Chúng ta cần nhìn nhận rõ ràng hơn mà khơi mở cách suy nghĩ hơn, vì chữ MMA mà chúng ta đang gắn trên người nó là từ nghĩ chỉ rằng chúng ta cần học hỏi nhiều hơn cần phát triển hơn và đẹp chứ không phải trở nên xấu đi và trở thành những gì chúng ta từng cố gắng loại bỏ.