Khi nào võ tổng hợp - MMA có thể trở thành một bộ môn võ thuật?

chủ nhật 28-7-2019 0:00:00 +07:00 0 bình luận
Võ tổng hợp (MMA) luôn được xem như một "thể thức đối kháng" chứ không phải một bộ môn võ thuật hoàn chỉnh.

Có một sự khác biệt rất lớn giữa khái niệm "thể thức đối kháng" và "bộ môn võ thuật". Khi đã trở thành một "bộ môn", môn võ ấy cần được định danh và định tính (xác định rõ ràng các đặc tính). Trong số các đặc tính ấy, có thể kể đến việc thiết lập một bộ kỹ thuật quy chuẩn, luật thi đấu mang tính thống nhất, hệ thống quản lý mang tính chuyên nhiệm cao (như các Liên đoàn, Hiệp hội...).

Võ tổng hợp có quá trình hình thành mang tính tự phát khá cao. Khái niệm MMA - Mixed Martial Arts được giải đấu UFC đưa ra hồi năm 1993 nhưng lại mang tính chất định danh cho một luật thi đấu tổng hợp chứ không phải một bộ môn. Ý tưởng ban đầu của UFC chỉ là tạo sân chơi mà mọi môn võ đều có thể tham gia và thể hiện hết khả năng của họ. Các thế hệ võ sĩ của UFC và những giải sử dụng luật MMA khác nhau mới là thế hệ "sáng tổ" - nếu như xem MMA là một bộ môn. Họ thiết lập các kỹ thuật mới dựa trên nền tảng các môn võ cũ, các kinh nghiệm sử dụng kỹ thuật ở nhiều trường phái khác nhau vào chung một thể thức đối kháng.

MMA - "thể thức" hay "bộ môn"?

Từ đó đến nay, tính chuyên của MMA gần như được tự phát triển bởi nhu cầu của các thế hệ võ sĩ dựa trên quy chuẩn của luật thi đấu. Có thể nói, nếu MMA được xem như một "bộ môn" thì đây sẽ là ví dụ đầu tiên trong lịch sử võ thuật thế giới có một bộ môn mà hệ kỹ thuật được hình thành... sau khi có luật đấu. Các môn võ đi theo con đường ngược lại, từ kỹ thuật mới đến luật đấu.

Hệ thống kỹ thuật của MMA cũng khác nhau rất nhiều giữa từng khu vực, từng phong cách hay thậm chí từng võ sĩ. Cho phép sử dụng một bộ kỹ thuật ở đủ 3 trường phái Striking - Wrestling - Grappling, bao gồm nhiều môn võ vốn đang có tốc độ phát triển và phát minh kỹ thuật mới khá nhanh như Boxing, Muay Thái, Jiujitsu,... nên võ tổng hợp gần như không có giới hạn về mặt phát triển kỹ thuật.

MMA đã và sẽ còn phát triển, thay đổi nhờ sự cạnh tranh giữa các thế hệ võ sĩ chứ không phải một thế hệ khởi nguồn rõ ràng

Dù thi đấu trên cùng một bộ luật nhưng các võ sĩ MMA sẽ nảy sinh bộ kỹ thuật khác nhau khá lớn (vì thói quen, sở trường hoặc điều kiện tập luyện...). Trung bình các võ sĩ MMA đang thi đấu ở cùng một hạng cân và giải đấu có thể có sự khác biệt về kỹ thuật đến 10 - 20%, một con số quá cao nếu so với tình hình các môn võ khác - khi khái niệm "môn phái" đã bao hàm sự tương đồng và thống nhất về mặt kỹ thuật.

Mặt khác, các thế hệ võ sĩ đầu tiên của võ tổng hợp đã tiến tới trình độ MMA bằng con đường chung, đó là tập luyện ở nhiều môn võ khác nhau để thu thập kỹ năng. Bản thân từng môn võ ấy đã được định danh chính xác, dẫn tới việc MMA chỉ có thể xem là sự tổng hợp, không thể là sự thống nhất.

Vấn đề luật đấu của MMA cũng không mang tính đồng nhất cao. Trong suốt lịch sử phát triển, tuy có một khung xây dựng luật chung nhưng mỗi giải đấu có quyền điều chỉnh nhiều điểm khác nhau (chẳng hạn ONE Championship từng cho phép nhiều đòn mà UFC đã cấm gần một thập kỷ).

Sự thiếu thống nhất ở cấp độ quản lý khiến cho một số quy trình phát triển môn võ như đào tạo HLV, đào tạo trọng tài... được thực hiện hầu hết bằng con đường tự phát

Thế nhưng, thời đại thay đổi và tính chất của võ tổng hợp cũng thay đổi theo. MMA đang từng bước hóa thân thành một "bộ môn võ thuật" vì nhiều lý do.

Trước hết, sự thay đổi và tiến bộ kỹ thuật của MMA không cần một thế hệ sáng lập hay Liên đoàn nào thúc đẩy. Sự hấp dẫn và cạnh tranh của bộ môn khiến nhiều nguồn lực (võ sĩ, HLV, ông bầu, khán giả, giới sản xuất dụng cụ tập luyện và thực phẩm chức năng, cá cược...) đã góp phần vào sự phát triển của MMA theo nhiều cách khác nhau. Tuy chỉ có tuổi đời tròn 30 năm (tính từ khi giải Shooto 1989 thành lập), MMA đã trở thành môn thể thao đối kháng có tốc độ phát triển và thay đổi nhanh nhất lịch sử ngành thể thao.

Kế đến, bản thân các bộ môn võ thuật cố định như Boxing, Jiujitsu... tuy đóng góp vào hệ kỹ thuật MMA nhưng lại không thể dùng một cách đơn lẻ hay nguyên vẹn vào đấu trường võ tổng hợp. Các kỹ thuật bo găng phòng thủ đợi counter tầm gần (Boxing), kỹ thuật khóa siết bằng gi hay cần set up lâu và vững chắc (Jiujitsu), kỹ thuật giữ và điều khiển clinch của Muay Thái không thể sử dụng - hoặc sử dụng một cách cứng nhắc trong MMA. Các thế hệ võ sĩ phải tự thay đổi và điều chỉnh kỹ thuật vốn có của các bộ môn sao cho phù hợp với MMA.

Dù nhiều môn võ như Brazilian Jiujitsu đã đặt ra nền tảng kỹ thuật quan trọng cho MMA nhưng bản thân Jiujitsu cũng có những kỹ thuật không thể dùng - hoặc phải thay đổi để dùng được trên sàn MMA

Từ đó, khái niệm "Boxing cho MMA" hay "Jiujitsu cho MMA" hình thành và xa rời bộ môn gốc. Sự chọn lọc đó khiến MMA không phải ôm đồm kỹ thuật của mọi môn phái mà định hình được một hệ kỹ thuật cho riêng mình. Một số đòn thế vốn có nhiều lựa chọn kỹ thuật khác nhau (chẳng hạn kiểu đá bằng bàn chân và đá bằng ống chân của Taekwondo và Muay Thái) cũng được các thế hệ võ sĩ MMA tự kiểm nghiệm và chọn lọc lại. Khung kỹ thuật cơ bản và chuẩn mực của MMA cũng vì thế mà thu hẹp lại, vẫn giữ được tính tổng hợp nhưng không ôm đồm quá nhiều.

Một trận MMA được tổ chức trong khuôn khổ IMMAF - Liên đoàn MMA nghiệp dư thế giới

Về mặt quản lý, sự phát triển của MMA trên nhiều quốc gia - bao gồm cả những quốc gia đang hoặc chưa phát triển đã khiến "thể thức đối kháng" võ tổng hợp được đưa vào tầm ngắm của giới lãnh đạo thể thao các nước. Các Liên đoàn cấp quốc gia, khu vực và cả thế giới của MMA đang được thành lập và hoàn thiện hệ thống quản lý từ thấp đến cao, tạo tiền đề cho sự thống nhất và khiến võ tổng hợp ngày càng giống một bộ môn thể thao được định danh, định tính rõ ràng, chính xác.

Rất khó để nói trước được thời điểm MMA có thể xem như một bộ môn thể thao hoàn chỉnh, thống nhất. Thế nhưng, có thể chắc chắn rằng sức ép chuyên môn sẽ liên tục đẩy quá trình đó được tiến hành. Rồi sẽ có một ngày giữa cộng đồng người hâm mộ sẽ không còn cuộc tranh cãi "MMA là thể thức hay bộ môn".

Hồ Võ
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội