MMA và Boxing: Môn thể thao nào nguy hiểm hơn?
Cái chết mới đây của võ sỹ 28 tuổi Joao Carvalho càng làm trầm trọng hơn định kiến của những người hâm mộ thể thao trên toàn thế giới về MMA. Hàng loạt những nhân vật uy tín trong giới thể thao đã đưa ra những lời chỉ trích nặng nề về đối với môn thể thao đối kháng nhìn có vẻ rất tàn bạo này.
Phóng viên về mảng Boxing của tờ The Irish Times Johnny Watterson đã miêu tả MMA là một “bộ môn giết người hợp pháp”. Ông Peter McCabe, Giám đốc điều hành Bệnh viện Headway (một tổ chức phi chính phủ chuyện chữa trị các bệnh về chấn thương sọ não) cho biết, những môn thể thao như MMA sẽ làm cho các neuron thần kinh bị hủy hoại một cách trầm trọng bởi những pha tấn công liên tiếp vào phần đầu của các võ sỹ. Rất nhiều những chuyên gia nghiên cứu về sức khỏe khác cũng đã đưa ra những lý lẽ để “khai trừ” MMA ra khỏi đời sống thể thao.
Tuy nhiên, chúng ta hãy cùng nhau phân tích sâu hơn nữa về vấn đề “Boxing và MMA: môn thể thao nguy hiểm hơn?” trên các khía cạnh khác nhau đi kèm với những số liệu thống kê, để xem MMA có thực sự nguy hiểm hơn Boxing hay không.
- 1. Số trường hợp tử vong
Tuyển tập “Death under the Spotlight” của nhà nghiên cứu Joseph R. Svinth chính là tài liệu hoàn chỉnh nhất trong việc thống kê các vụ tử vong ở hai môn thể thao này. Theo đó, từ năm 1950 đến năm 2007, người hâm mộ môn Boxing đã phải chứng kiến 339 võ sỹ tử vong do chấn thương đầu (head trauma), trong khi đó, con số này ở môn MMA chỉ là 4. Hơn thế nữa, chỉ có cái chết của Sam Vasquez vào năm 2007 là diễn ra trong một cuộc thi MMA chính thống.
Trên trang chủ của MMA cũng cho biết, trong khoảng thời gian từ năm 1998-2013, có 8 vụ tử vong được cho là liên quan tới MMA, nhưng cũng chỉ có 3 vụ diễn ra trong các trận đấu chính thống. Như vậy, tính đến trước cái chết của Joao Carvalho, chỉ có 4 vụ tử vong được xác nhận là liên quan đến các trận đấu MMA. Trong khi đó, có tới 60 ca tử vong ở các trận Boxing chuyên nghiệp chính thức từ năm 1998-2011 (con số này là đã loại trừ những trường hợp tử vong trong khi tập luyện và ở các giải nghiệp dư), tức là gấp 15 lần so với MMA.
- 2. Nguy cơ chấn thương & mức độ chấn thương
Theo bản nghiên cứu “The Epidemiology of Injuries in MMA” của các chuyên gia đến từ trường đại học Macquarie, nguy cơ dính chấn thương trong môn MMA là cao hơn tất cả các môn thể thao đối kháng khác, bao gồm Judo, Taekwondo, Boxing chuyên nghiệp và Boxing nghiệp dư. Cụ thể, nguy cơ dính chấn thương trong 1 trận MMA là 23%, trong khi đó con số này ở một trận Boxing chuyên nghiệp dao động trừ 12-25%.
Hơn thế nữa, nguy cơ dính chấn thương ở môn MMA vẫn cao nhất với tần suất phơi nhiễm là từ 85,1 – 280,7 chấn thương / 1000 ca phơi nhiễm, cao nhất trong tất cả các môn thể thao đối kháng. Boxing đứng thứ 2 (77,7 – 250,6 chấn thương / 1000 ca phơi nhiễm).
Tuy nhiên, việc tỉ lệ dính chấn thương ở MMA cao nhất là không đủ để khẳng định nó môn đối kháng nguy hiểm nhất. Theo tài liệu nghiên cứu ông Reidar Lystad, tỉ lệ các ca chấn thương ở đầu và cổ (head and neck) cao nhất ở Boxing (84%), sau đó là Karate (74%), còn MMA chỉ xếp thứ 3 với 64%.
Quan trọng hơn hết, trong số các bộ phận như cột sống (trunk), xương chi trên (upper limb), xương chi dưới (lower limb), đầu và cổ, thì nguy cơ tử vong khi dính chấn thương ở đầu và cổ luôn chiếm tỉ lệ cao nhất. Tỉ lệ mắc phải những chấn động về não bộ (concussion rates) ở trong môn Boxing là 14% trong tổng số tất cả các ca chấn thương có thể xảy ra, con số này gấp hơn 3 lần so với MMA (4%).
- 3. Khả năng chấn thương vùng đầu
Trong cuốn “Combative Sports Injuries: An Edmonton Retrospective”, Giáo sư Shelby Karpman đã chỉ ra rằng: Về mặt tổng quát, các võ sỹ MMA đều phải hứng chịu những chấn thương sau mỗi trận đấu, tuy nhiên, những chấn thương này chỉ ở mức độ nhẹ và không nghiêm trọng (bầm tím, xước ngoài da,…).
Đồng thời, ông cũng làm một cuộc khảo sát với 1181 võ sỹ MMA và 550 tay đấm Quyền Anh thi đấu trong khoảng thời gian từ năm 2003-2013. Kết quả cho thấy, dù cho tỉ lệ dính chấn thương ở trong MMA cao hơn Boxing (59,4% so với 49,8%), nhưng tỉ lệ những ca chấn thương liên quan đến não bộ ở trong môn Boxing lại nghiêm trọng hơn (7,1% so với 4,2%), tức là gần gấp đôi so với MMA.
Kết luận
Trong hơn 20 trở lại đây, trong con mắt của những người hâm mộ thể thao đối kháng, những võ sỹ MMA luôn bị coi là những võ sỹ tàn độc nhất. Tất cả những bằng chứng trên cho chúng ta thấy một điều, có thể ở một góc nhìn nào đó, MMA là môn thể thao “máu me và man rợ” hơn so với boxing. Tuy nhiên, MMA xứng đáng có được một cái nhìn đúng đắn và một chỗ đứng cao hơn nữa trong làng thể thao thế giới.
“Nếu bạn muốn chứng minh một điều gì đó, thì bạn cần phải dựa trên những số liệu thông kê”, ông Shelby Karpman khẳng định. Do đó, từ những số liệu trên, việc trả lời cho câu hỏi “Boxing và MMA: môn thể thao nào nguy hiểm hơn?”, thì có lẽ mỗi người đều đã biết được câu trả lời.