Ngành Thể thao lên tiếng sau trận đấu giữa võ sư Vịnh Xuân và võ sư Bảo Châu
Cuộc giao đấu giữa võ sư karatedo Đoàn Bảo Châu và võ sư Pierre Francois Flores của phái Vịnh Xuân Nam Anh đã diễn ra vào chiều 12/7, dù trước đó bị cơ quan quản lý nhà nước xem xét “tuýt còi”.
Theo lý giải của Vụ phó Vụ Thể dục Thể thao Quần chúng Đặng Danh Tuấn, người trực tiếp phụ trách mảng này, cuộc đấu này chưa tuân thủ quy định về tổ chức thi đấu các giải thể thao quần chúng.
Ông Tuấn cho rằng Sở Văn hóa- Thể thao Hà Nội, đã rất chủ động trong việc nắm bắt câu chuyện, cũng như kịp thời xin ý kiến Tổng cục TDTT để có giải pháp phù hợp. Những lý do để Hà Nội đề xuất tạm ngừng trận đấu này đều có cơ sở như đây là trận “thi đấu tự do”, “không có luật và tổ chức bảo trợ”, “không thông báo tới cơ quan quản lý”. Cuộc đấu này đã không tuân thủ quy định về việc tổ chức giải thi đấu các giải thể thao quần chúng.
Toàn cảnh chuyến giao đấu của võ sư Vịnh Xuân Nam Anh tại Việt Nam
Tuy nhiên, cuộc giao đấu giữa võ sư Đoàn Bảo Châu và võ sư Pierre Francois Flores vẫn diễn ra vào buổi chiều ngày 12/7. Webthethao đã liên hệ với ông Đặng Danh Tuấn sau khi cuộc giao đấu kết thúc.
Webthethao.vn: Ông có biết và nghĩ sao về những thông tin, hình ảnh trận thách đấu vẫn diễn ra?
Ông Đặng Danh Tuấn: Tôi chưa biết thông tin ấy, và sẽ đề nghị phòng chức năng của Sở Văn Hóa Thể thao Hà Nội tìm hiểu ngay. Chúng tôi sẽ căn cứ vào thực tế cụ thể để giải quyết. Nếu đó chỉ là một hoạt động biểu diễn, giao lưu nội bộ giống như một buổi tập luyện thì không nói làm gì, song nếu có những tính chất của một trận đấu, một cuộc đấu thể thao quần chúng quốc tế đúng nghĩa thì sẽ phải xem xét xử lý theo luật.
Thưa ông, vì sao cuộc thách đấu giữa võ sư Đoàn Bảo Châu và võ sư Pierre Francois Flores lại là đối tượng phụ thuộc và chịu sự quản lý của quy định về tổ chức thi đấu các giải thể thao quần chúng?
Dù mang tính đặc thù, xuất phát từ lời thách đấu song hoạt động này vẫn nằm trong sự điều chỉnh của Luật TDTT, cụ thể là Thông tư 09/2012/TT-BVHTTDL quy định về việc tổ chức các giải thi đấu thể thao quần chúng.
Trong Thông tư này đã nêu rõ việc áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng; tổ chức, cá nhân có liên quan đến giải thi đấu thể thao quần chúng tổ chức tại Việt Nam, kể cả có sự tham gia của đối tượng quốc tế. Việc tổ chức giải thi đấu thể thao phải phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, đề cao tinh thần thể thao cao thượng, trung thực.
Nghi thức tổ chức giải phải được tiến hành trang trọng, phù hợp với quy mô giải, đảm bảo tiết kiệm; Không tổ chức hoặc tham gia cá cược trái pháp luật; Đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết theo yêu cầu chuyên môn của giải; Đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường trong thời gian tổ chức giải; Đảm bảo công bằng, chính xác trong chỉ đạo, điều hành thi đấu.
Có thể thấy rõ ràng trận thách đấu kể trên hội đủ yếu tố của một cuộc đấu thể thao quần chúng quốc tế đúng nghĩa tại Việt Nam, tuy nhiên nó lại chưa đảm bảo các thủ tục, điều kiện cần thiết để có thể diễn ra an toàn, trật tự cho chính những người trong cuộc lẫn bên ngoài. Chưa kể, chuyện thách đấu như vậy cũng rất mới với thể thao Việt Nam, cần phải có sự cân nhắc và chuẩn bị kỹ lưỡng.
PV: Ngành thể thao có đồng ý với đề xuất của Hà Nội về việc không cho tổ chức trận thách đấu này? Quan điểm của ngành thể thao đối với sự việc này như thế nào thưa ông?
Ông Đặng Danh Tuấn: Hiện tại chúng tôi đang xem xét, đưa ra hướng xử lý dựa trên Thông tư quy định về tổ chức các giải thể thao quần chúng. Tuy nhiên, với câu chuyện rất mới, mang nhiều nét đặc thù này, việc xử lý sẽ không thể cứng nhắc, phải linh hoạt, hài hòa và hợp lý.
Trận đấu giữa hai võ sỹ thách đấu này nên và cần diễn ra đúng như một cuộc đấu thể thao quần chúng quốc tế tại Việt Nam, với các thủ tục và điều kiện đảm bảo. Ngành thể thao rất ủng hộ những hoạt động giao lưu, quảng bá thể thao, văn hóa thể chất trong cũng như ngoài nước. Điều cốt yếu vẫn là các hoạt động phải được tổ chức đúng luật, đúng quy chuẩn của một cuộc đấu trong nước và quốc tế.
Từ trường hợp này, chúng tôi cũng thấy rõ trách nhiệm của mình, cần phải sửa đổi một số quy định cho phù hợp với thực tế mới, cũng như tuyên truyền, tạo điều kiện cao nhất để các tổ chức, cá nhân có khả năng và nhu cầu cố thể tham gia vào các hoạt động giao lưu, quảng bá một cách thuận lợi nhất. Thuận lợi ở đây mang nghĩa, vừa đảm bảo an toàn, trật tự, giá trị chuyên môn, sức hút, vừa đảm bảo các thủ tục, điều kiện cần thiết theo luật.
PV: Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi ngày hôm nay!