Những biến thể kỳ cục của MMA trong lịch sử (kỳ 1)

thứ năm 28-6-2018 15:55:56 +07:00 0 bình luận
Ngoài concept thông thường với lồng đấu và hai võ sĩ đối đầu, MMA còn từng có những những biến thể kỳ cục có thể khiến khán giả mắt tròn mắt dẹt.

Ngoài concept thông thường với lồng đấu và hai võ sĩ đối đầu, MMA còn từng có những những biến thể kỳ cục có thể khiến khán giả mắt tròn mắt dẹt.

Là môn thể thao có sức phát triển nhanh bậc nhất trên thế giới ngày nay, khi nhắc đến MMA, người xem thường nghĩ ngay đến những trận đấu đối kháng khốc liệt giữa các võ sĩ ở những giải đấu hàng đầu như UFC, Bellator hay ONE Championship.

Tuy nhiên, cách nghĩ này lại không thể ngăn cản những nhà tổ chức sáng tạo ra các biến thể kì quặc cho môn thể thao này, để giúp giải đấu của họ trở nên khác biệt với phần còn lại của thế giới. 

Một trận MMA thông thường với lồng đấu và hai võ sĩ đối đầu

Trong series này, chúng tôi sẽ giới thiệu cho các bạn những biến thể kì cục nhất từng xuất hiện trong lịch sử MMA.

1. Team Fighting Championship

Đã có rất nhiều nhà tổ chức cố gắng đưa các đặc điểm của các bộ môn mang tính đồng đội vào MMA. Hầu hết họ đều thất bại, đơn giản vì MMA là một bộ môn mang đậm tính chất cá nhân.

Team Fighting Championship quyết định đi theo một hướng khác. Thay vì mỗi bên có một võ sĩ như truyền thống, con số ở Team Fighting Championship là 5 người ở mỗi đội. 

Team Fighting Championship với format chơi 5 vs.5

Tuy nhiên, việc 10 võ sĩ thi đấu cùng lúc khiến cho khán giả rất khó có thể theo dõi các diễn biến của trận đấu. 

Các tình huống 2 chọi 1 cũng khiến hầu hết võ sĩ không thể chống chọi nổi. Điều này khiến kết quả của các trận đấu trở nên cực kỳ dễ đoán ngay sau khi võ sĩ đầu tiên bị loại, bởi đội đông người hơn bao giờ cũng thắng. 

Hậu quả là Team Fighting Championship rất nhanh trở nên nhàm chán với số đông khán giả.

Trận đấu giữa đội LPH (Poznan, Ba Lan) vs. Wisemen (Gothenburg, Thụy Điển) của Team Fighting Championship

2. Bare Knuckle FC

Đúng như tên gọi, giải đấu boxing tay trần này chứng kiến các võ sĩ thi đấu với đôi tay trần thay vì với đôi găng như thường lệ.

Giải đấu này mới được tổ chức lần đầu từ ngày 2/6 năm nay với vài cái tên nổi tiếng từ UFC như Bec Rawlings hay Ricco Rodriguez. Mỗi trận đấu sẽ gồm 5 hiệp, mỗi hiệp 2 phút.

Bec Rawlings (quấn tay xanh) bị đối thủ Alma Garcia (quấn tay đỏ) đấm thẳng vào trán

Ở sự kiện đầu tiên, hầu hết các trận đấu kết thúc chỉ sau hiệp một. Sự kiện này đã cho thấy những tiềm năng không thể bàn cãi của giải đấu với những trận đấu đầy máu lửa và hấp dẫn. 

Tuy nhiên, sự tàn bạo và khốc liết của Bare Knuckle FC có thể khiến sức lan tỏa của giải đấu bị hạn chế.

Bare Knuckle FC

3. YAMMA Pit Fighting

Để hạn chế những tình huống ôm khóa (clinch) nhàm chán, hay khi các võ sĩ tận dụng hàng rào để giữ đối thủ ở dưới sàn đấu, YAMMA Pit Fighting đã sáng tạo ra môt võ đài không giống ai. 

Võ đài MMA của họ có hình tròn, và đặc biệt thay vì có sàn đấu bằng phẳng, họ làm nên một sàn đấu có độ dốc vào trong khiến các võ sĩ không thể ôm khóa khi ở sát hàng rào.

Trận đấu giữa Butterbean vs. Patrick Smith tại YAMMA Pit Fighting vào năm 2008

"Sáng kiến" hóa ra lại thành "tối kiến". Hầu như rất ít khán giả chú ý đến vấn đề độ dốc, mà nếu có theo dõi thì khán giả cũng không được chứng kiến những trận đấu mãn nhãn như hứa hẹn.

Trong các tình huống địa chiến ở ngoài khu vực trung tâm, độ dốc của sàn đã hạn chế các cơ hội để sử dụng các đòn khóa từ phía dưới cũng như khả năng giã đòn (ground and pound) của võ sĩ ở phía trên.

Chris Tuchscherer (quần đen trắng) và Alexey Oleinik (quần xanh) trong một trận đấu tại YAMMA Pit Fighting

Đã vậy, độ dốc của sàn đài cũng khiến không ít võ sĩ đánh đứng trượt ngã dúi dụi trong khi di chuyển tránh né. Có vẻ các nhà tổ chức đã không cho bao nhiêu võ sĩ đánh thử trên võ đài kì dị của họ.

4. XARM

XARM về cơ bản là một giải đấu vật tay kèm thêm một chút yếu tố của MMA. Điểm khác biệt của XARM so với vật tay thông thường là trong lúc vật tay, hai võ sĩ sẽ có quyền đấm đá đối thủ thoải mái. 

Hai tay dùng để vật của hai người sẽ được quấn vào nhau trong khi thắt lưng của họ được buộc vào chiếc bàn trước mặt. Tay còn lại sẽ được trang bị găng MMA để có thể ra đòn trong quá trình thi đấu.

XARM

Mỗi trận bao gồm 3 hiệp đấu, mỗi hiệp đấu sẽ kéo dài 1 phút. Các thí sinh kiếm điểm bằng việc vật tay đối thủ xuống bàn hoặc bằng những cú đấm, đá chính xác.

Dù cùng một người sáng lập với UFC (Art Davie), nhưng trong khi UFC ăn nên làm ra, XARM chỉ dừng lại ở tầm "freak show". Giải đấu này nhanh chóng trở nên kì quặc và nhàm chán, bởi xét cho cùng thì rõ ràng nó cũng không thể hiện được yếu tố võ thuật gì.

X ARM - Trận đấu giữa Arm Wrestler Rick Vardell vs. Kickboxer Bond Laupua

5. Hip Show: Arena Combat

Đây là một TV Show của Nga được truyền cảm hứng từ MMA và chương trình American Gladiators của Mỹ. Hip Show: Arena Combat được các nhà tổ chức tại Nga giới thiệu là giải đấu có những trận đánh sát thực nhất so với những trận đánh ngoài đời.

Được diễn ra trên một võ đài kì dị với đủ các loại chướng ngại vật và dây thừng để... đu, các trận đấu sẽ bao gồm cả các tình huống đấu MMA 1 chọi 1, 2 chọi 1, giao đấu ngay trên chướng ngại vật, và xô nhau rơi ùm xuống sàn từ đỉnh chướng ngại vật với độ cao mét rưỡi.

Các đội có thể kiếm được nhiều điểm hơn nữa với các cú knockdowns hay submissions.

Hip Show: Arena Combat

Thoạt nghe, Hip Show không đến nỗi tệ. Nhưng cũng như Team Fighting Championship, các võ sĩ MMA tại Hip Show: Arena Combat cũng luôn không thể chống cự trong những tình huống 2 chọi 1. 

Thêm vào đó, chuyện vượt chướng ngại vật vừa khiến khán giả khó theo dõi, vừa vô tác dụng khi về sau chẳng có bao nhiêu võ sĩ liều mạng leo lên đánh nhau trên đỉnh các chướng ngại vật nữa vì quá dễ ngã. 

Thế là Hip Show: Arena Combat nhanh chóng thất bại vì sự nhàm chán và lố bịch của nó.

Hip Show: Arena Combat

(còn tiếp kỳ 2)

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội