Sự đa dạng của Muay Thái: Bạn thích phong cách nào?

thứ năm 22-3-2018 14:38:11 +07:00 0 bình luận
So với Quyền Anh chỉ có 4 phong cách chính, các phong cách thi đấu của Muay Thái đa dạng và phức tạp hơn nhiều.

Càng dành thời gian cho Muay Thái, bạn sẽ càng thấy thấm thía vì sao người ta lại nói Muay là môn võ thuật của 8 chi chứ không chỉ đơn thuần là Quyền Anh thêm đá, thêm chỏ.

Từ trường phái của các kỹ thuật gia Muay Femur, giỏi về gối như Muay Khao, chăm ép sân như Muay Bouk, đấm mạnh như Muay Mat, đánh chỏ như Muay Sok, ôm khóa như Muay Pam, cho đến những cú đá của Muay Tae,... nếu như so sánh với Quyền Anh chỉ có 4 phong cách chính, các phong cách thi đấu của Muay Thái tỏ ra đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều.

Bản thân các võ sĩ Muay Thái cũng có thể thay đổi phong cách đặc trưng của mình theo thời gian. Vậy phong cách nào thuộc về bạn? Dưới đây là những phong cách Muay Thái mà các khán giả thường bắt gặp trên sàn đấu.


Những cú đấm là vũ khí đáng sợ nhất của các võ sĩ Muay Mat

Muay Mat (Muay Maad)

Mat, hay Maad, trong tiếng Thái mang nghĩa cú đấm. Từ này rất chính xác nói lên đặc điểm lớn nhất của những võ sĩ Muay Mat: những cú đấm knockout.

Các võ sĩ Muay Mat sẽ không tung ra những đòn đánh liên tục nhằm mục đích ghi điểm. Thay vì thế, họ sẽ nhắm đến những cú đấm vào cằm để hạ Knockout lập tức, không thì cũng là những cú đấm rất nặng vào vùng thân trên để khiến đối thủ phải trầy vi tróc vẩy.

Kèm theo đó, các võ sĩ Muay Mat cũng thường có những cú đá ống quyển rất dữ. Họ cần những pha lowkick như thế để triệt hạ tốc độ và khả năng di chuyển, tránh né của đối thủ.

Video highlights đặc trưng Muay Mat của Anuwat Kaewsamrit:

>

Chiến lược đổi đòn để chờ cơ hội KO đòi hỏi võ sĩ phải rất bền bỉ, và phải có một cái cằm thật cứng. Một ví dụ cho Muay Mat là nhà vô địch Muay Thai World Champion Anuwat Kaewsamrit: anh thường xuyên ép sân, hầu như không thèm phòng thủ mà chỉ lao đến tung bodyshot và những cú lowkick cực nặng trước khi chấm dứt trận đấu bằng knockout.

Ngoài Anuwat Kaewsamrit, Muay Mat còn có những đại diện như Coban Lookchaomaesithong, Samransak Muangsurin, Wangheen Meenayothin,...


Đòn gối là đặc trưng của các võ sĩ Muay Khao

Muay Khao (Muay Kaw)

Khao, Kaw là từ để chỉ những đòn gối. Các võ sĩ Muay Khao là những bậc thầy về việc khóa đối thủ lại trong khoảng cách gần và dùng đòn gối như một vũ khí cực kỳ đa dạng.

Việc ôm khóa không đơn giản chỉ là vít cổ đối thủ xuống ôm, mà còn phải ép góc, kiểm soát chuyển động tay, không cho đối thủ cơ hội phản đòn với chỏ. Nhưng một khi đã vào khóa, những đòn gối rất bén của các võ sĩ Muay Khao có thể nhắm đến vô số mục tiêu: ruột, gan, chấn thủy, sườn, hai bên đùi hoặc thậm chí là cả cằm.

Video highlights Petchboonchu FA Group (Muay Khao):

>

Những pha ôm khóa lên gối của các võ sĩ Muay Khao không chỉ có tác dụng ghi điểm, mà còn có tác dụng tiêu hao thể lực, gián tiếp hạn chế bớt sức mạnh của những đòn tấn công sau khi đối thủ thoát khỏi thế khóa. Điều này dẫn đến việc các võ sĩ Muay Khao thường rèn cơ cổ, cơ cánh tay rất mạnh, cũng như có khả năng chịu đòn ở phần thân để chiếm ưu thế trong những pha áp sát.

Đại diện hàng đầu của Muay Khao, nhà vô địch Muay Thái Petchboonchu FA Group nổi tiếng với những đòn gối vô cùng bén. Nhà vô địch thế giới Sagetdao Petpayathai cũng là một võ sĩ Muay Khao rất khôn khéo trong những cơ hội áp sát.

Vũ khí nguy hiểm nhất của các võ sĩ Muay Tae là những cú đá (Tae - Tei)

Muay Tae (Muay Tei)

Vũ khí nguy hiểm nhất của các võ sĩ Muay Tae là những cú đá (Tae - Tei). Vùng đầu, vùng thân, cánh tay, đùi, ống quyển, những cú đá vòng cầu của họ có thể tìm đến bất cứ đâu.

Những đòn đá thường mạnh hơn nhiều so với những đòn đấm, và cũng dễ hạ knockout ngay lập tức với chỉ một đòn toàn lực. Các võ sĩ Muay Tae thường xoắn cả cơ thể theo trục cú đá để tạo mômen xoay lớn nhất, nhờ đó cú đá sẽ được tung ra với lực mạnh nhất.

Video highlights Sam-A Kaiyanghadao (Muay Tae):

Những cú đá của Sam-A Kaiyanghadao là một ví dụ hoàn hảo cho Muay Tae.

Sam-A thường sử dụng cú đá trái với tốc độ cực nhanh để làm vũ khí tấn công chính, nhưng ngoài mục tiêu hạ KO, những cú đá của Sam-A cũng được sử dụng để tiêu hao thể lực và khiến đối thủ mất thăng bằng.


Saenchai (trái) là bậc thầy với phong cách Muay Femur

Muay Femur (Muay Fimeuu)

Trong số các phong cách Muay Thái, Muay Femur là phong cách đẹp nhất, nhưng cũng phức tạp nhất, khó khăn nhất. Thay vì tập trung vào một sở trường nhất định, các võ sĩ Muay Femur có thể sử dụng mọi kỹ thuật trong Muay Thái và thích nghi với nhiều dạng đối thủ khác nhau.

Chiến thuật của các võ sĩ Muay Femur rất linh hoạt phụ thuộc vào đối thủ của họ. Đôi khi, họ thậm chí có thể dùng chính chiến thuật của đối thủ để lấy gậy ông đập lưng ông.

Video highlights Saenchai PKSaenchaiMuaythaigym (Muay Femur):

>

Đa phần các võ sĩ Muay Femur thường di chuyển ở vòng ngoài, kiểm soát khoảng cách cẩn thận bằng những cú đá, đạp, đấm thẳng.

Những đại diện hàng đầu của Muay Femur bao gồm Saenchai, Nong-O Kayanghadao, Somrak Sor Khamsing, Superlek Kiatmuu9…

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội