Vì sao các trọng tài MMA ít khi trừ điểm võ sĩ phạm lỗi?
Khi so sánh các trọng tài MMA với những người đồng nghiệp ở Muay Thái, Quyền Anh, dễ nhận thấy rằng các trọng tài MMA thường chỉ cảnh cáo chứ rất ít khi trừ điểm võ sĩ. Vì sao?
Xét một lỗi rất thường thấy tại UFC, đó là bám, ngoắc vào lưới sắt trong khi thi đấu.
Trên lý thuyết, các võ sĩ không được cố ý bám vào lưới sắt hoặc bám vào phần mút bọc phía trên lưới. Tuy nhiên trên thực tế, không ít các võ sĩ đã bám lưới để có điểm tựa khi khóa siết, để chống takedown hoặc đơn giản là đứng lên sau khi trúng đòn nặng.
Các trọng tài hiếm khi phản ứng với lỗi bám lưới. Võ sĩ sai luật thường chỉ nhận nhắc nhở. Hầu như chưa có trường hợp nào trận đấu bị tạm dừng hay bị trừ điểm do lỗi này, bất chấp việc võ sĩ có thể đã phạm lỗi đến gần chục lần trong một trận.
Không chỉ những lỗi nhẹ như bám lưới sắt, nắm quần đối thủ, để mở tay khi tấn công; những lỗi nặng như đá vào hạ bộ hay chọc tay vào hốc mắt cũng hiếm khi bị trừ điểm.
Tại UFC Fight Night Thượng Hải cuối tuần qua, Alex Caceres phạm lỗi đá hạ bộ với võ sĩ chủ nhà Wang Guan đến 3 lần, nhưng trọng tài không đưa ra bất kỳ hình thức trừ điểm nào, mà chỉ máy móc cho võ sĩ tạm nghỉ rồi bắt đầu lại ở giữa sàn đấu.
"Với những lỗi nhẹ như bám lưới, chúng tôi thường phải quyết định xem việc võ sĩ bám vào lưới như vậy có tạo nên lợi thế gì cho võ sĩ trong quá trình thi đấu hay không," Trọng tài MMA Marc Goddard giải thích trên chương trình MMA Hour.
"Không phải lúc nào việc xỏ ngón tay qua lưới sắt cũng giúp võ sĩ thay đổi cục diện trận đấu. Chúng tôi thường sẽ bỏ qua lỗi này, và chỉ cảnh cáo nếu võ sĩ cố tình vin chặt lấy lưới sắt, không cho đối thủ quật ngã hoặc dùng lưới sắt để giữ tư thế có lợi trong quá trình khóa siết."
Goddard lấy ví dụ về một trận đấu mà ông từng làm trọng tài, giữa Ronaldo Souza và Yoel Romero hồi năm 2015. Trong trường hợp này, Yoel Romero đã bám lưới để không bị Souza kéo xuống sàn.
"Vụ Romero bám lưới trong trận đấu với Souza là một ví dụ phạm luật rõ ràng," Goddard nói. "Rất nhiều trường hợp khác không được rõ ràng như vậy."
Thế nhưng, kể cả trong trường hợp phạm luật đã được xác định rõ, trọng tài cũng không lựa chọn trừ điểm. Ngay như trường hợp của Yoel Romero, trọng tài Marc Goddard chỉ cảnh cáo và khởi động lại trận đấu ở giữa sàn thay vì chuyển sai phạm đó thành ưu thế điểm cho Souza.
"Chúng tôi thường rất nỗ lực không để công tác của mình ảnh hưởng đến nhịp độ trận đấu. Nếu trọng tài cứ dăm phút lại ngừng trận đấu một lần, dư luận chắc chắn sẽ nướng chúng tôi trên giàn lửa," Marc Goddard cho biết.
"Mặt khác, không giống với Quyền Anh có cả chục hiệp, mỗi hiệp 10 điểm; chúng tôi thường chỉ có 3 hiệp đấu. Việc trừ điểm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả trận đấu."
Quả thật, với 10-12 hiệp Quyền Anh, tương ứng với 100-120 điểm trong cả trận đấu, việc trừ 1-2 điểm không quá nặng nề. Nhưng với một trận đấu MMA 3-5 hiệp, võ sĩ chỉ có 30 đến 50 điểm. Lúc này, bị trừ 1 điểm hoàn toàn có thế quyết định kết quả chung cuộc của cả một trận đấu.
"Cho nên, việc trừ điểm ở mỗi trận MMA phải được tiến hành một cách thận trọng," Trọng tài Goddard kết luận. "Điều này cũng áp dụng cho những lỗi khác, như ra đòn vào hạ bộ, chọc mắt, lên gối hay đá vào đầu đối thủ đang quỳ trên sàn."
Tất nhiên, câu trả lời này không được lòng khán giả. Chỉ cảnh cáo miệng trong khi không có phương án xử phạt, như vậy có khác nào để mặc võ sĩ tha hồ phạm lỗi?
Đó có lẽ là lý do cựu bình luận viên của UFC, Joe Rogan, từng thẳng thắn phát biểu rằng hệ thống kiểm soát lỗi của UFC không hiệu quả chút nào. Rogan cho rằng tính điểm dựa trên đơn vị 10 điểm mỗi trận quá ít, và gợi ý mỗi hiệp nên được tính thành... 100 điểm, để các trọng tài thoải mái hơn với việc xử phạt võ sĩ phạm luật.