10 tân binh xuất sắc nhất lịch sử NBA

thứ hai 18-6-2018 19:47:16 +07:00 0 bình luận
Họ đều là những cầu thủ không cần thời gian thích nghi và lập tức có trung bình trên 20 điểm ngay trong mùa giải tân binh.

Không dễ dàng gì để một cầu thủ có thể thi đấu và thậm chí là thống trị NBA ở độ tuổi đôi mươi. Ngay cả những tài năng ưu tú cũng cần một khoảng thời gian trải nghiệm ở NBA, vì vậy có rất ít cầu thủ có thể ngay lập tức tỏa sáng trong mùa giải tân binh. Một vài ví dụ điển hình: Kobe Bryant chỉ có trung bình 7,6 điểm; Steve Nash chỉ có trung bình 3,3 điểm và Jimmy Butler chỉ thi đấu trung bình 8,6 phút mỗi trận.

Nhưng cũng có những trường hợp tỏa sáng ngay lập tức khi vừa "chân ướt, chân ráo" lên NBA. Donovan Mitchell là một trường hợp gần nhất với trung bình 20,5 điểm trong lần đầu hít thở bầu không khí NBA. Tuy nhiên Mitchell vẫn không nằm trong nhóm 10 tân binh xuất sắc nhất lịch sử NBA.

Tất cả những người được nhắc đến đều xứng đáng có một vị trí đặc biệt trong lịch sử giải đấu. Hãy đến với 10 tân binh xuất sắc nhất lịch sử NBA.

X

Tim Duncan (1997-98)

Rất ít đội có được may mắn như San Antonio Spurs khi vượt qua Vancouver Grizzlies và Boston Celtics, những đội có thành tích mùa giải 1996-97 kém hơn để nhận được quyền lựa chọn đầu tiên trong kỳ NBA Draft 1997. Đó cũng là mùa giải gần nhất Spurs không tham dự playoffs, với thành tích 20 thắng - 62 thua. Bỏ qua Chauncey Billups và Tracy McGrady, Spurs với quyền lựa chọn đầu tiên đã đem về Tin Duncan.

Tim Duncan đã không bao giờ khiến Spurs phải hối hận vì đã chọn mình. Từ ngày đầu tiên, Duncan đã cho thấy hình bóng tương lai của một huyền thoại, một Hall of Famer1. Cầu thủ này đã thi đấu tổng cộng 82 trận trong mùa giải tân binh và đóng góp trung bình 21,1 điểm, 11,9 rebounds (bắt bóng bật bảng) và 2,5 blocks (chắn bóng). Với sự xuất sắc của Duncan, Spurs từ một đội hạng bét ở mùa giải 1996-97 đã vươn lên trở thành một trong 5 đội mạnh nhất ở mùa giải sau đó.

Tim Duncan giải nghệ vào năm 2016 với hành trang gồm 5 chức vô địch NBA, 3 danh hiệu NBA Finals MVP và vô số danh hiệu khác.

IX

David Robinson (1989-90)

Được San Antonio Spurs lựa chọn trong kỳ NBA Draft 1987 ở vị trí thứ 1, nhưng David Robinson lúc này quyết định nhập ngũ để phục vụ cho hải quân Mỹ. Sau 2 năm, "The Admiral"2 hoàn thành nghĩa vụ quốc gia và ra mắt vào mùa giải 1989-90.

David Robinson ngay lập tức cho Spurs thấy rằng 2 năm đợi chờ không quá uổng phí khi có trung bình 23,9 điểm, 12,0 rebounds và 3,9 blocks trong mùa giải tân binh. Thậm chí, cựu quân nhân Mỹ còn được bầu chọn vào All-Star và đội hình tiêu biểu của giải trong cùng năm.

Tài năng là thế, nhưng mãi tới khi Tim Duncan xuất hiện, ông mới có được 2 chức vô địch NBA vào các năm 1999 và 2003.

VIII

Elgin Baylor (1958-59)

Với quyền lựa chọn đầu tiên, Minneapolis Lakers (tiền thân của Los Angeles Lakers) đã mang về Elgin Baylor trong kỳ NBA Draft 1958. Khi đó, Minneapolis Lakers đứng trên bờ vực phá sản vì thành tích thi đấu bết bát và mất đi nhà tài trợ. Nhưng Minneapolis đã thuyết phục Baylor rời đại học bằng số tiền 20.000 đô - tương đương 172.000 đô vào năm 2018.

Elgin Baylor đã chứng mình rằng khoản đầu tư mà Minneapolis cắn răng bỏ ra không hề vô nghĩa. Ông có trung bình 24,9 điểm và 15,0 rebounds ngay trong mùa giải tân binh. Baylor với tài năng của mình đã cứu lấy Lakers và biến đội bóng này trở thành một thế lực thực sự ở NBA trong hơn một thập kỷ.

Xuất sắc đến như vậy, nhưng Elgin Baylor chưa bao giờ chạm tay vào chức vô địch NBA và thậm chí là danh hiệu MVP chỉ vì thi đấu cùng thời với Bill Russell, người có 11 chức vô địch NBA trong sự nghiệp.

VII

Walt Bellamy (1961-62)

Chicago Packers (tiền thân của Washington Wizards) với quyền lựa chọn đầu tiên đã mang về Walt Bellamy trong kỳ NBA Draft 1961. Ngay trong mùa giải tân binh, ông khẳng định tài năng với trung bình 31,6 điểm và 19,0 rebounds cùng hiệu suất ném 51,9%. Không những vậy, Bellamy còn được bầu chọn vào đội hình All-Star trong cùng năm. Ông ghi được 23 điểm và 17 rebounds trong trận All-Star 1962.

Walt Bellamy hiện vẫn đang nắm giữ kỷ lục thi đấu nhiều trận nhất trong một mùa giải là 88. Sở dĩ có chuyện này là do Bellamy được trao đổi giữa hai đội có số trận đấu được bù đắp theo lịch thi đấu mùa giải 1968-69. Năm đó, ông thi đấu 35 trận cho New York Knicks trong giai đoạn đầu và tiếp tục thi đấu 53 trận cho Detroit Pistons trong giai đoạn sau của mùa giải.

VI

Michael Jordan (1984-85)

Portland Trail Blazers với việc bỏ qua Micheal Jordan để mang về Sam Bowie trong kỳ NBA Draft 1984 sẽ mãi được nhớ đến như là một trong những sai lầm lớn nhất lịch sử giải đấu. Chicago Bulls với quyền lựa chọn ở vị trí thứ 3 ngay sau đó đã chọn Michael Jordan và phần còn lại là lịch sử.

Michael Jordan ngay lập tức khiến Blazers hối hận khi có trung bình 28,2 điểm ngay trong mùa giải tân binh. Sự xuất sắc của Jordan giúp Chicago Bulls góp mặt ở playoffs sau 4 mùa giải vắng mặt.

Chicago Bulls cùng với Michael Jordan sau này thống trị NBA trong suốt thập niên 90 với tổng công 6 chức vô địch.

V

Shaquille O'Neal (1992-93)

Orlando Magic với quyền lựa chọn đầu tiên trong kỳ NBA Draft 1992 đã mang về Shaquille O'Neal, trung phong đáng sợ nhất lịch sử NBA. Bất cứ đội bóng nào có cơ hội lựa chọn đầu tiên trong kỳ NBA Draft năm đó cũng sẽ làm điều tương tự Magic.

Shaquille O'Neal có trung bình 23,9 điểm, 13,9 rebounds và 3,5 blocks trong mùa giải tân binh. Nhưng thành công chỉ đến với Shaq khi chuyển sang khoác áo Los Angeles Lakers để hợp với Kobe Bryant trở thành một trong những bộ đôi khủng khiếp nhất lịch sử.

Trong suốt sự nghiệp, O'Neal có tổng cộng 4 chức vô định và 3 danh hiệu NBA Finals MVP cùng vô số danh hiệu khác.

IV

Magic Johnson (1979-80)

Rất ít tân binh trong lịch sử các môn thể thao ở Mỹ có thể tạo ảnh hưởng lớn đến đội bóng của mình hệt như cái cách mà Magic Johnson đã làm được vào năm 1980. Con số thống kê trung bình 18,0 điểm, 7,7 rebounds, 7,3 kiến tạo và 2,4 blocks không thể nào nói lên đầy đủ sự xuất sắc của Magic Johnson.

Magic Johnson được Lakers mang về với quyền lựa chọn đầu tiên trong kỳ NBA Draft 1979. Ông đã dẫn dắt Lakers tiến đến chức vô địch NBA đầu tiên sau 8 năm trong mùa giải tân binh của mình. Ngoài ra, Johnson còn nhận luôn danh hiệu NBA Finals MVP 1980.

Magic Johnson cùng thế hệ "Showtime" sau đó giúp Lakers thống trị NBA trong khoảng thập niên 80 với 5 chức vô địch.

III

Oscar Robertson (1960-61)

Việc Oscar Robertson kết thúc mùa giải 1961-62 với con số thống kê bằng triple-doubles3 từ lâu đã được cho là kỳ tích bóng rổ, cho đến khi Russell Westbrook làm được điều tương tự trong 2 mùa giải 2016-17 và 2017-18. Cụ thể, ông có trung bình 30,8 điểm, 12,5 rebounds và 11,4 kiến tạo. Cho tới nay, thành tích đó vẫn được xếp vào một trong những màn trình diễn ấn tượng nhất lịch sử.

Nhưng có một điều ít ai nhận ra là Robertson đã suýt làm được điều đó ở mùa giải tân binh với trung bình 30,5 điểm, 10,1 rebounds và 9,7 kiến tạo trong màu áo Cincinnati Royals (tiền thân của Sacramento Kings). Robertson được Cincinnati Royals mang về với quyền lựa chọn đầu tiên trong kỳ NBA Draft 1960.

Không đen đủi như những huyền thoại khác, Robertson cũng kịp có 1 chức vô địch NBA trước khi giải nghệ.

II

Kareem Abdul-Jabbar (1969-70)

Trung phong vĩ đại Kareem Abdul-Jabbar - hay còn gọi Lew Alcindor - là học trò cưng của vị huấn luyện viên huyền thoại John Wooden khi còn thi đấu cho đại học UCLA. Ông được Milwaukee Bucks lựa chọn đầu tiên trong kỳ NBA Draft 1969.

Kareem Abdul-Jabbar có trung bình 28,8 điểm, 14,5 rebounds và 4,1 kiến tạo trong mùa giải tân binh để dẫn đầu danh sách ghi điểm ở NBA. Ông cũng chính là người duy nhất dẫn đầu danh sách ghi điểm ở NBA 3 lần liên tiếp kể từ mùa giải tân binh.

Lew Alcindor có một sự nghiệp bền bỉ với số mùa giải thi đấu lên tới con số 20. Trong suốt sự nghiệp, Abdul-Jabbar có tổng cộng 6 chức vô địch NBA, 2 lần NBA Finals MVP và vô số danh hiệu khác.

I

Wilt Chamberlain (1959-60)

Ghi 37 điểm và 27 rebounds trong một trận đấu có thể coi là một kỳ tích. Nhưng Wilt Chamberlain thậm chí có trung bình 37,0 điểm và 27,0 rebounds ngay trong mùa giải tân binh.

Bất cứ đội bóng nào được lựa chọn đầu tiên ở kỳ NBA Draft 1959 chắc chắn sẽ mang về Wilt Chamberlain, nhưng Philadelphia 76ers mới là đội có được cơ hội đó. Ông cũng trở thành MVP mùa giải với số phiếu bầu tuyệt đối - tân binh đầu tiên làm được điều này.

Trong những năm tiếp theo, ông ấy đạt số điểm ghi được trung bình các mùa lần lượt là 38,4; 50,4; 44,8 và 34,7 điểm. Sở hữu những số liệu thống kê khủng khiếp là thế nhưng Wilt chỉ có duy nhất 2 chức vô địch NBA trong suốt cả sự nghiệp.

1 Hall of Famer: Thanh viên của ngôi đền huyền thoại Hall of Fame.

2 The Admiral: Ngoại hiệu của David Robinson.

3 Triple-Doubles: Ba chỉ số từ 10 trở lên.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội