Con nhà nòi tại giải bóng rổ NBA: Lợi hay hại?
Nhân Ngày của cha, hãy thử tìm hiểu từ chính những đứa con theo nghiệp bóng rổ của cha từng là cầu thủ tại NBA để khám phá những thuận lợi cùng khó khăn mà họ phải đối đầu.
Trong một dịp nhắc đến con trai ở giải bóng rổ NBA 2016-2017, LeBron James từng tự hào tuyên bố cục cưng 12 tuổi LeBron James Jr. hoàn toàn có khả năng hơn cha do sớm thể hiện thực lực đủ để xuyên thủng hàng thủ đối phương bằng những đường chuyền như đặt bóng vào tay đồng đội, hoặc tấn công rổ hay đột phá từ xa…
“Tôi chưa từng cầm bóng chắc như nó. Nó cầm bóng thật siêu và ném bóng còn tốt hơn tôi ở độ tuổi đó”, King James không tiếc lời khen cậu con trai, dù chưa hẳn thích thú với việc các trường Đại học nổi tiếng mạnh về phong trào bóng rổ như Kentucky và Duke vừa mời chào LeBron James Jr: “Thật điên rồ. Loạn cả rồi. Làm sao lại chiêu mộ cậu nhóc mới 10 tuổi?”.
Lực lượng con nhà nòi ở giải bóng rổ NBA
Nhưng dù thế nào chăng nữa, vậy là LeBron James Jr coi như đã gia nhập hàng ngũ truyền nhân của các cầu thủ bóng rổ NBA, bao gồm không ít người chính thức nối nghiệp cha như Stephen Curry và Seth Curry (con của Dell Curry), Klay Thompson (Mychal Thompson), Kevin Love (Stan Love), Al Horford (Tito Horford), Andrew Wiggins (Mitchell Wiggins), Devin Booker (Melvin Booker), Jabari Parker (Sonny Parker), Jae Crowder (Corey Crowder), Gerald Henderson Jr. (Gerald Henderson Sr.), Justise Winslow (Rickie Winslow), Jerami Grant và Jerian Grant (Harvey Grant), Domantas Sabonis (Arvydas Sabonis), Austin Rivers (Doc Rivers), Tim Hardaway Jr. (Tim Hardaway) cùng Glenn Robinson III (Glenn Robinson)…
Danh sách con nhà nòi này thậm chí càng dài hơn nếu tính tới cả những cầu thủ NBA có cha từng chơi bóng chuyên nghiệp ở nước ngoài hoặc chỉ dừng lại ở cấp Đại học.
Đến đây, vấn đề được đặt ra là những con nhà nòi này ưu thế hơn bạn bèn đồng trang lứa như thế nào khi dấn thân vào NBA? Hoặc yếu tố “con ông, cháu cha” đó chỉ gây hại cho họ?
Để tìm ra đáp án cho vấn đề tưởng dễ mà không dễ trả lời này, hãy thử tham khảo ý kiến từ những con nhà nòi như Larry Nance Jr. (con trai của Larry Nance), Garrett Temple (Collis Temple) và Xavier Silas (James Silas).
Bộ ba này hoàn toàn xứng đáng đại diện cho nhóm con nhà nòi bởi gia thế rất dữ dội. Từng chơi cho Phoenix Suns và Cleveland Cavaliers, Larry Nance vào All-Star 3 lần, vào đội 1 All-Defensive 1 lần và vô địch slam dunk NBA.
Bên cạnh đó, Cavaliers mới treo 7 số áo mà bao gồm cả số 22 của Larry Nance. Trong 13 năm tại giải bóng rổ NBA, Larry Nance ghi 15.687 điểm, 7.067 rebounds và 2.027 blocks.
Trong khi đó, CollisTemple trở thành cầu thủ bóng rổ người Mỹ gốc Phi đầu tiên tại LSU năm 1971. Trong màu áo Tigers, ông từng nhiều lần bị “xin tí huyết” khiến Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ từng phải hỗ trợ. Sau đó, Templeđược Suns draft rồi chơi cho San Antonio Spurs.
Về phần James Silas, ông được Houston Rockets draft nhưng đánh 10 năm cho Spurs. Ông từng 2 lần vào ABA All-Star và được xem như 1 trong 30 cầu thủ tiêu biểu xuất sắc và nhiều ảnh hưởng nhất qua mọi thời đại của ABA.
James Silas trở thành cầu thủ đầu tiên được Spurs treo áo và hiện nay, số áo 13 của ông mới là 1 trong 8 số áo mà San Antonio vinh danh sau khi ông ghi tổng cộng 11.038 điểm, 2.069 rebounds và 2.628 assists.
Có những người cha nổi tiếng như vậy, Garrett Temple, Xavier Silas và Larry Nance Jr. rõ ràng đủ tư cách để bàn tới ngộ nhận về thế hệ con cháu của các cầu thủ NBA.
Những bất lợi
Trước hết là về các bất lợi. Xavier Silas tâm sự: “Tôi tin rằng nhiều người nghĩ chúng tôi sẽ dễ bước vào nghề nhờ dựa hơi cha. Luôn luôn sẽ có những cái nhìn soi mói sau lưng tôi. Tôi ghét điều đó. Nhưng nó khiến tôi nỗ lực hơn. Hồi 6-7 tuổi, tôi từng nghe một anh lớn chừng 21 tuổi nói về mình: ‘Tao dám cá thằng nhóc nhà sẽ là một trong những đứa có tài hay đại loại thế’. Điều đó khiến tôi nhận ra người đời đã phán xét mình ngay từ khi còn nhỏ”.
Gia nhập NBA từ năm 2009 tới nay, Garrett Temple xác nhận: “Tôi nhớ hồi 11 tuổi, mình thậm chí còn không được xoay tua đánh dự bị tại AAU do cha tôi làm HLV nhưng ông cho rằng tôi chưa đủ khả năng. Toàn đội đều biết ông chỉ chọn những người giỏi nhất ra sân, vậy mà sau này vẫn có người bảo: ‘Làm sao thằng đó được dự trại hè ABCD mà không phải tôi? Nó góp mặt ở LSU ắt hẳn do cha nó là cầu thủ da đen đầu tiên và anh nó cũng ở đó’. Tôi càng cố gắng hơn khi nghe chính các bình luận viên cũng nói điều tương tự. Và rồi tôi đã rời LSU với số phút thi đấu nhiều nhất lịch sử. Thế mà họ vẫn tiếp tục nói: ‘Nó không cách nào vào được NBA. Nó ghi điểm không tốt và ném bóng cũng không hay’. Tôi đã dùng tất cả chê bai đó làm động lực”.
Larry Nance Jr. tán thành: “Tôi cũng cảm nhận bị các cầu thủ khác đối xử như vậy. Họ cho rằng tôi có lỗi khi sinh ra là con của Larry Nance. Tuy nhiên, tôi chỉ cố gắng tận dụng hầu hết cơ hội của mình. Tôi thừa nhận mình có cuộc sống dễ chịu, nhưng cần nhớ rằng rất nhiều anh chàng có cha từng đánh NBA mà có nối nghiệp được đâu và hãy nhìn LeBron James, cha anh ấy có chơi ở NBA bao giờ”.
Tuy nhiên, họ càng tự hào về bản thân hơn do biết cách duy trì động lực thi đấu trong cuộc sống nhung lụa. Xavier Silas giải thích: “Tôi nghe rất nhiều mẩu chuyện về những anh chàng than thở về việc phải sống trong cảnh tắt đèn, không đủ thức ăn, mất cả cha lẫn mẹ… Tất cả tạo ra động lực để họ trở thành vĩ đại. Nhưng hãy hình dung cảnh nhà mình chăn êm, nệm ấm; tủ lạnh lúc nào cũng đầy ắp thực phẩm và chiếc xe đầu tiên năm 16 tuổi là một con Lexus? Lúc đó, bạn cần phải tỉnh táo và để ước mơ trở thành động lực. Hầu hết con nhà nòi đều sống trong nhà đẹp, không chịu cảnh đói rách, nhưng như vậy lại càng cần có tinh thần mạnh mẽ để vượt qua cám dỗ. Bởi tôi có thể dễ dàng từ bỏ bóng rổ mà cuộc sống vẫn ổn”.
Garrett Temple đồng tình: “Xavier Silas nói quá đúng. Đối với những cầu thủ đôi khi chỉ được mẹ chăm sóc, bóng rổ trở thành lối thoát duy nhất. Tôi còn đủ cả cha mẹ, thường được đi trượt tuyết, thậm chí du lịch châu Phi 2 lần. Ngay cả sau khi cha mẹ ly dị, cha vẫn lo cho tôi rất tốt. Do đó tôi chưa từng nghĩ phải cố vào NBA để sắm nhà cho cha mẹ. Động lực to lớn của tôi cũng như của gia đình chỉ là hãy cố gắng sống theo cách của mình”.
Một bất lợi khác cho những con nhà nòi là việc bị so sánh với cha khiến kỳ vọng dành cho họ nhiều khi quá cao, thậm chí là không thực tế.
Garrett Temple khẳng định: “Kỳ vọng đúng là rất cao, như tôi từng nhận thời trung học và lúc vào Đại học do cha là cầu thủ da đen đầu tiên ở LSU và anh trai cũng có một sự nghiệp rực rỡ tại đó. Thế nhưng, tôi đã cố gắng để những kỳ vọng ấy trôi tuột qua vai”.
Xavier Silas cũng xác nhận: “Luôn có những mong đợi nào đó. Tôi không cho rằng các thầy muốn tôi đánh như cha tôi, nhưng họ cũng kỳ vọng một tiêu chuẩn nhất định ở tôi”.
Larry Nance Jr. cũng tâm sự: “Thật tình là tôi không giỏi. Tôi là quả bom nổ chậm, nên cha của các đối thủ thường khoe: ‘Con tôi giỏi hơn con của Larry Nance!’. Điều đó từng khiến cha tôi bối rối, nhưng ông ấy chỉ bảo tôi: ‘Con chắc chắn hay hơn cậu ta, chỉ cần chờ tới lúc đó mà thôi’. Đến lúc tôi vào năm 2 NBA, lại có người đến hỏi: ‘Cha cậu giỏi thế, 3 lần vào All-Star. Cậu cảm thấy thế nào khi vẫn chưa được vậy?’. Tôi thường chỉ cười: “Vậy sao? Tôi mà là một All-Star ư?!’. Nhưng thật tình tôi chưa từng cảm thấy mình khuất trong cái bóng của cha hoặc tương tự thế”.
Tới đây lại cần nhắc tới một chi tiết là hầu hết cầu thủ con nhà nòi đang chơi ở NBA có cha chỉ từng làm dự bị tại giải bóng rổ nhà nghề Mỹ. Tại sao lại có hiện tượng như vậy?
Garrett Temple phân tích: “Chúng ta đang sống ở xã hội mà mọi người đạp lên nhau để sống. Trước áp lực xã hội như vậy thì có cha là siêu sao cũng không đảm bảo cho con tiến vào NBA. Các con của Michael Jordan như Jeffrey Jordan và Marcus Jordan cũng chỉ đánh tới Đại học. Jeffrey Jordan cao 1m85, tầm vóc không tồi đối với một VĐV, nhưng quá bé nhỏ tại NBA mà cậu ta đâu kiểm soát được chuyện đó. Lại thêm cha gần như là tỷ phú, cậu ta càng khó tìm được động lực để đổi đời”.
Larry Nance Jr. đưa ra góc nhìn khác: “Chắc chắn là có nhiều cách để trở thành siêu sao và không thể áp dụng công thức chung cho tất cả. Nếu cha tôi dạy tôi làm thế nào giữ bóng trong 20 giây rồi bước lùi nhảy ném như nhiều siêu sao thì ắt hẳn tôi hiện không ở NBA. Các cầu thủ dự bị biết làm cách nào để nhập cuộc chính xác, họ biết phải làm thế nào để ‘đọc’ trận đấu và cần có IQ bóng rổ cao. Cầu thủ dự bị cần biết ghi điểm từ mọi vị trí. Đó là điều mà các siêu sao không thể dạy cho con”.
Nhận định của Larry Nance Jr. thậm chí có thể đúng với cả các HLV do nhiều siêu sao tỏ ra lúng túng khi truyền đạt kinh nghiệm thi đấu cho học trò do họ sở hữu những kỹ năng đem đến thành công nhưng lại không thể dạy người khác.
Những thuận lợi
Bên cạnh những bất lợi, bộ ba Garrett Temple, Xavier Silas và Larry Nance Jr. cũng thừa nhận các con nhà nòi có vài ưu thế nhất định khi nối nghiệp cha.
“Tôi có một All-Star cùng nhà khi lớn lên, nên có thể hỏi bất cứ điều gì vào bất kỳ lúc nào. Nhưng điều quan trọng nhất là tôi được kế thừa di truyền cùng tinh thần chiến đấu của cha”, Xavier Silas cho biết.
Garrett Temple xác nhận: “Ngoài kế thừa vóc dáng qua di truyền, con nhà nòi còn có người dẫn đường để đến thành công. Khi người nói về những kinh nghiệm ở NBA là cha mình, con nhà nòi có thể tin tưởng ông ấy biết mình đang nói gì. Vì thế, khi ông ấy bảo: ‘Đây là điều mà con buộc phải làm’, chúng tôi chỉ cần lắng nghe”.
Garrett Temple cũng thừa nhận rằng chính vì từng xem cha thi đấu nên anh đến với bóng rổ rất sớm và đó là một lợi thế so với bạn bè đồng trang lứa. “Ký ức của tôi về những lần ném rổ đã đến từ hồi mới 2-3 tuổi”, Garrett Temple nhớ lại.
Tuy nhiên, có chi tiết ít ai ngờ là cả Garrett Temple, Xavier Silas lẫn Larry Nance Jr. đều chưa từng bị ép chơi bóng rổ. Trên thực tế thì nhiều người cha từng đánh NBA đều chọn cách cho con trai tự nguyện đến với quả bóng cam.
Garrett Temple tiết lộ: “Tôi thường thấy các bậc phụ huynh đòi hỏi HLV phải đưa con họ vào sân đánh hoặc răn bảo con cái rằng ‘Con phải làm thế này! Con lẽ ra phải làm như thế kia!’. Sau trận đấu, cha tôi chẳng bao giờ nói vậy. Ông chỉ hỏi: ‘Hôm nay con cảm thấy mình đánh như thế nào?’, hoặc động viên tôi: ‘Hôm nay con ném không tốt à? Chẳng sao, rận tới con sẽ ném tốt hơn’.
Xavier Silas cũng đồng ý: “Cha tôi, giống cha của Garrett, đều đến từ Louisiana. Họ quen biết nhau, thậm chí còn là đồng đội ở Spurs mùa 1974-1975 nên tôi nghĩ rằng họ có cách tiếp cận tương tự. Cha tôi không để tôi thi đấu thật bài bản cho tới năm lớp 6. Ông ấy muốn chắc rằng tôi thật sự thích bóng rổ”.
Larry Nance Jr. cũng chia sẻ: “Tôi chơi bóng rổ bằng tốc độ của mình. Cha tôi chỉ ở bên và chia sẻ kinh nghiệm những khi tôi mong muốn. Tôi cũng chơi các môn khác như bóng đá Mỹ, bóng chày và chạy. Bóng rổ thật ra không phải thứ tôi thật sự xem trọng cho đến khi lên trung học. Trong thời gian ấy, cha tôi vui vẻ xem tôi chơi các môn khác, xem tôi cố gắng trải nghiệm cái mới và sẵn lòng học hỏi các môn khác để chơi với tôi. Nhưng lúc tôi quyết định chơi bóng rổ thật nghiêm túc, ông ấy sướng điên và bắt đầu dạy tôi mọi thứ”.
Dù vậy, trước cảnh những đứa con của LeBron James hoặc Dwyane Wade đangđược săn đón ráo riết, Larry Nance Jr. đã dành một lời khuyên cho họ: “Hãy cố gắng là chính mình. Luôn có người muốn so sánh các con nhà nòi với cha của họ, nhưng hãy nhớ rằng bạn là duy nhất. Vì vậy, hãy là chính mình và hiểu rõ mình là ai”.