Đội hình NBA hay nhất thế kỷ 21 (Kỳ 2): 5 gương mặt nổi nhất
Sau 7 cái tên thuộc đội hình dự bị, hãy cùng đến với 5 cái tên xuất sắc nhất giải bóng rổ NBA trong khoảng thời gian đầu thế kỷ 21. Bạn mong đợi cái tên nào sẽ được xướng lên?
Dưới đây sẽ là đội hình xuất phát cùng 5 cầu thủ không chỉ xây dựng những hình tượng mang tính lịch sử và là người xuất sắc nhất ở từng vị trí mà họ thi đấu, họ còn thay đổi toàn bộ những thái cực tồn tại ở giải bóng rổ nhà nghề Mỹ trong suốt hàng chục năm qua.
Trong 5 vị trí này, có 4 vị trí là những lựa chọn vô cùng hiển nhiên. Riêng vị trí hậu vệ dẫn bóng là nơi có sự cạnh tranh lớn nhất và cũng sẽ gây tranh cãi nhiều nhất. Vậy 5 người xuất sắc nhất trong khoảng thời gian đầu thế kỷ 21, họ là ai?
Hậu vệ dẫn bóng - Stephen Curry
Năm thi đấu: Từ năm 2010 đến nay (8 mùa giải).
Chỉ số mỗi trận: 22,8 điểm; 4,4 bắt bóng bật bảng; 6,8 kiến tạo; 1,8 cướp bóng; 0,2 chắn bóng.
Chỉ số nâng cao: 23,4 PER; 61,6 TS%; 2581,03 TPA.
Danh hiệu nổi bật: 4 lần All-Star, 4 lần vào đội hình All-NBA, 1 danh hiệu ghi điểm nhiều nhất mùa, 2 lần vô địch NBA, 2 danh hiệu MVP.
Xét trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến nay, bao gồm 17 năm và 18 mùa giải, Stephen Curry còn chưa thi đấu được một nửa số mùa. Anh cũng không thể so sánh vể tổng số trận với những cái tên hàng đầu như Chris Paul, Steve Nash, Jason Kidd hay Rajon Rondo.
Nhưng… Stephen Curry đã thay đổi toàn bộ cuộc chơi tại NBA. Cụ thể hơn, anh đã thay đổi hoàn toàn khái niệm về vị trí hậu vệ dẫn bóng bằng 8 mùa giải trong sự nghiệp thi đấu của mình.
Giờ đây, hậu vệ dẫn bóng không chỉ còn là một người lĩnh xướng hàng công đơn thuần như Jason Kidd hay Rajon Rondo, các đội còn đòi hỏi ở vị trí này khả năng gây đột phá bằng những cú 3 điểm và chính Stephen Curry đã đánh dấu sự thay đổi này rõ hơn bất kỳ cầu thủ nào.
Một số danh hiệu, kỷ lục và các cột mốc đáng chú ý trong sự nghiệp của Curry:
-
Cầu thủ trẻ thứ hai trong lịch sử vượt qua mốc 1.000 quả 3 điểm (xếp sau James Harden).
Giữ kỷ lục về hầu hết tất cả các chỉ số 3 điểm trong lịch sử NBA bao gồm: tổng số quả 3 điểm trong 1 trận (13 quả), tổng số quả 3 điểm ghi được trong một mùa (402 quả), chuỗi trận ghi 3 điểm dài nhất (150 trận liên tiếp ghi được ít nhất 1 quả 3 điểm), dẫn đầu về số quả 3 điểm trong nhiều mùa giải nhất (5 mùa giải)...
Stephen Curry chỉ mất 20 trận để đạt 100 quả 3 điểm, mất 369 trận để đạt mốc 1.000 quả 3 điểm.
Là cầu thủ duy nhất trong lịch sử đạt được danh hiệu MVP 2 năm liên tiếp theo hình thức bình chọn và là cầu thủ duy nhất trong lịch sử vừa đạt danh hiệu ghi điểm nhiều nhất mùa giải (30,1 điểm/trận) vừa có tỷ lệ 50-40-90 (tỷ lệ ghi điểm - tỷ lệ ném 3 điểm - tỷ lệ ném phạt).
Còn rất nhiều những danh hiệu, kỷ lục và những gạch đầu dòng “Là cầu thủ duy nhất trong lịch sử…” khác nữa.
Nhưng trên đây chỉ là những danh hiệu cá nhân. Stephen Curry còn là một nhân tố chính giúp đưa Golden State Warriors đến 3 trận chung kết NBA liên tiếp gặp Cleveland Cavaliers và vô địch 2 trong số 3 lần ấy.
Bên cạnh đó là mùa giải lịch sử 2015-2016 với 73 trận thắng và chỉ 9 trận thua, mùa giải mà Stephen Curry đã đạt danh hiệu MVP năm thứ hai liên tiếp.
Những danh hiệu, sự thành công và các kỷ lục liên tiếp bị xô đổ đã giúp đưa Stephen Curry vừa trở thành tay ném 3 điểm xuất săc nhất lịch sử (cả về số quả ghi được và tỷ lệ ném 3 điểm), vừa trở thành một trong những hậu vệ dẫn bóng xuất sắc nhất mà NBA từng có được trong suốt nhiều thập kỷ.
Mới chỉ 29 tuổi và đang trong thời kỷ đỉnh cao của sự nghiệp, Stephen Curry đang trên con đường trở thành một trong những hậu vệ dẫn bóng hay nhất lịch sử NBA… nếu không muốn nói rằng anh đang trên đường trở thành hậu vệ dẫn bóng xuất sắc nhất mọi thời đại.
Hậu vệ ghi điểm - Kobe Bryant
Năm thi đấu: Từ năm 1996 đến 2016 (20 mùa giải)
Chỉ số mỗi trận: 27,0 điểm; 5,6 bắt bóng bật bảng; 5,1 kiến tạo; 1,5 cướp bóng; 0,5 chắn bóng.
Chỉ số nâng cao: 23,5 PER; 55,0 TS%; 3587,92 TPA.
Danh hiệu nổi bật: 17 lần All-Star, 14 lần vào đội hình All-NBA, 12 lần vào đội hình All-Defensive, 2 danh hiệu ghi điểm nhiều nhất mùa, 5 lần vô địch NBA, 2 danh hiệu Finals MVP, 1 danh hiệu MVP.
Tính đến thời điểm hiện tại, Kobe Bryant là hậu vệ ghi điểm xuất sắc nhất trong thế kỷ 21. Đây là một quyết định không cần phải bàn cãi.
Kobe Bryant không chỉ đơn thuần là một cầu thủ cống hiến suốt 20 năm sự nghiệp cho Los Angeles Lakers, anh còn là một hình tượng mẫu mực cho bất kỳ cầu thủ chuyên nghiệp nào.
Không chỉ vậy, Kobe Bryant gần như là một tay duy trì sự danh tiếng cho Los Angeles Lakers trong suốt sự nghiệp của anh (bao gồm 3 nhẫn vô địch cùng O’Neal ở đầu sự nghiệp và 2 nhẫn gần đây nhất với Pau Gasol).
Chính vì 5 chiếc nhẫn này mà huyền thoại Michael Jordan đã xếp Kobe Bryant trên LeBron James trong danh sách những cầu thủ xuất sắc nhất.
Tuy nhiên, danh sách này không phải là cuộc chiến giữa Kobe và LeBron vì họ chỉ đơn giản là không thi đấu ở cùng một vị trí, mà là cuộc chiến giữa Kobe Bryant và phần còn lại của toàn NBA.
Nhưng trong những năm kể từ 2000 đến nay, không có bất kỳ một hậu vệ dẫn bóng nào tiệm cận được đến khả năng chơi bóng và những thành công của Kobe Bryant. Kể cả người dự bị cho Kobe trong danh sách này là Dwyane Wade vẫn còn cách khá xa so với ngôi sao của Los Angeles Lakers.
Kobe Bryant đã chơi hay đến mức đạt 1 danh hiệu MVP, 2 danh hiệu Finals MVP và 17 lần vào All-Star. Kobe Bryant đã thủ hay đến mức anh có đến 12 lần được chọn vào đội hình phòng ngự toàn NBA. Nhưng tất cả mọi thứ đều không so sánh được với việc Kobe Bryant đã trở nên vĩ đại như thế nào.
Đến mức cả những nhà thi đấu với đầy sự ganh ghét, đầy tiếng la ó mỗi khi anh có bóng như TD Garden (Boston Celtics) hay Sleep Train Arena (Sacramento Kings) đã đều phải phát những đoạn phim tri ân sự nghiệp của anh.
Đến mức cả những khán giả đã từng sẵn sàng hành hung anh cũng đã đồng thanh hô vang “Thank you Kobe” khi anh chơi những trận đấu cuối cùng của mình.
Tiền phong - LeBron James
Năm thi đấu: Từ năm 2004 đến nay (14 mùa giải).
Chỉ số mỗi trận: 27,1 điểm; 7,3 bắt bóng bật bảng; 7,0 kiến tạo; 1,6 cướp bóng; 0,8 chắn bóng.
Chỉ số nâng cao: 27,6 PER; 58,4 TS%; 7179,59 TPA.
Danh hiệu nổi bật: 13 lần All-Star, 13 lần vào đội hình All-NBA, 6 lần vào đội hình All-Defensive, 1 danh hiệu ghi điểm nhiều nhất mùa, 3 lần vô địch NBA, 3 danh hiệu Finals MVP, 4 danh hiệu MVP, 1 danh hiệu Rookie of the Year.
Mặc dù LeBron James vừa kết thúc một mùa giải không vui khi không thể cùng các đồng đội đã thất bại một cách tâm phục khẩu phục trước một đội hình đầy sao của Golden State Warriors, tuy nhiên King James vẫn có thể ngẩng cao đầu vì những gì anh đã đạt được cho đến thời điểm này trong sự nghiệp đã là niềm mơ ước của rất nhiều siêu sao tại giải bóng rổ NBA ngày nay.
Qua những năm tháng chơi thứ bóng rổ đỉnh cao của mình, LeBron James đã tự nâng tầm lên thành một trong những cầu thủ xuất sắc nhất trong thời điểm hiện tại.
Và màn trình diễn của anh qua các năm đã ngày càng khiến người hâm mộ cũng như giới chuyên gia chấp nhận rằng LeBron là một trong những tiền phong xuất sắc nhất không chỉ trong hiện tại mà còn là trong lịch sử của NBA.
Lối đánh của LeBron ngày càng trở nên khó chịu hơn, một loạt những pha ghi điểm khó lúc còn trẻ đã dần thành những cú 3 điểm chết người trong khoảng thời gian cuối trận.
LeBron James từng ôm bóng đánh một mình giờ đã lao vào trong nhiều hơn, hút người kèm rồi đẩy bóng ra ngoài cho đồng đội thực hiện những pha ném rổ trống trải.
Không chỉ vậy, LeBron James bây giờ còn trở thành một tay phòng ngự cực kỳ lì lợm. Với tốc độ và thể hình vượt trội, LeBron có thể thi đấu phòng thủ nhiều vị trí khác nhau, từ hậu vệ ghi điểm đến cả những tiền phong chính của đối phương.
Người đang tiệm cận gần nhất với những thành công của LeBron James (và cũng có khả năng sẽ soán ngôi James trong tương lai) là Kevin Durant vẫn còn cách “nhà vua” một khoảng cách khá lớn.
Mặc dù Cleveland Cavaliers có đang rệu rã với mùa off-season tệ hại nhất trong nhiều năm qua, LeBron James chắn chắn vẫn sẽ tập trung vào một mục tiêu duy nhất: Đó là tỏa sáng để giúp đưa đội bóng của mình đến nhiều trận thắng nhất có thể.
Nếu Cavaliers không phải là một nơi lý tưởng để LeBron tiếp tục săn nhẫn, những đội bóng đầy sao khác vẫn sẽ luôn sẵn sàng trải thảm đỏ, chào đón “nhà vua” đến để thống trị.
Dù rằng Kevin Durant có đang tiến gần đến ngôi vương, chắc chắn rằng LeBron James sẽ không để tuột ngai vàng ra khỏi tay một cách dễ dàng, ít nhất là trong 2-3 mùa giải tới.
Tiền phong/Trung phong: Tim Duncan
Năm thi đấu: Từ năm 1998 đến 2016 (19 mùa giải).
Chỉ số mỗi trận: 18,8 điểm; 10,7 bắt bóng bật bảng; 3,1 kiến tạo; 0,7 cướp bóng; 2,1 chắn bóng.
Chỉ số nâng cao: 24,4 PER; 54,9 TS%; 4385,2 TPA.
Danh hiệu nổi bật: 15 lần All-Star, 15 lần vào đội hình All-NBA, 15 lần vào đội hình All-Defensive, 5 lần vô địch NBA, 3 danh hiệu Finals MVP, 2 danh hiệu MVP, 1 danh hiệu Rookie of the Year.
Trong mùa giải 2015-2016, Tim Duncan vẫn thi đấu với khoảng 25 phút mỗi trận. Mặc dù những đóng góp về mặt chỉ số của anh không nói lên được nhiều điều (8,6 điểm; 7,3 lần bắt bóng bật bảng), nhưng từ đồng đội, người hâm mộ cho đến ban huấn luyện vẫn có một sự an tâm nhất định mỗi khi Duncan có mặt trên sân.
Và đột nhiên vào một ngày hè tháng 7, khi giới truyền thông và các chuyên gia còn đang hướng về các hoạt động off-season, anh đã quyết định giải nghệ, đặt dấu chấm hết cho một sự nghiệp lẫy lừng theo cách gây ít sự chú ý nhất.
Đó chính là Tim Duncan, một cầu thủ chưa bao giờ mong muốn trở thành tâm điểm của giới truyền thông tại bất kỳ thời điểm nào trong suốt sự nghiệp.
Người ta cảm thấy tiếc nuối rất nhiều khi Tim Duncan hoàn toàn có thể tiếp tục thi đấu và đóng vai trò giữ hình tượng cho San Antonio Spurs thêm khoảng hai đến ba mùa giải nữa.
Tuy nhiên Duncan đã quyết định dừng lại, mặc dù khả năng chơi bóng của anh vẫn có thể đóng góp một cách tích cực vào lối chơi xưa nay của huấn luyện viên Gregg Popovich.
Nhìn lại sự nghiệp lừng lẫy của Tim Duncan, anh đã trở thành một thế lực ở vị trí tiền phong chính ngay từ những ngày đầu tiên đặt chân vào NBA.
Anh thi đấu cực kỳ nổi bật, được chọn vào đội hình All-Star ngay ở mùa giải Rookie, sau đó đạt luôn danh hiệu Rookie of the Year (chỉ số mùa Rookie: 21,1 điểm; 11,9 lần bắt bóng bật bảng và 2,5 lần chắn bóng thành công trong 39 phút thi đấu mỗi trận).
Sau khi lên tầm đỉnh cao ở ngay mùa đầu tiên cho đến 15 mùa giải sau đó, Tim Duncan gần như không có một năm nào mà anh thi đấu tệ.
3 lựa chọn cá nhân cao quý nhất là đội hình xuất sắc nhất, đội hình phòng ngự xuất sắc nhất và đội hình NBA All-Star, Tim Duncan đều đạt được 15 lần lựa chọn ở mỗi đội. Cuối cùng, anh kết lại sự nghiệp huy hoàng của mình bằng 5 chiếc nhẫn vô địch, 3 danh hiệu Finals MVP và 2 danh hiệu MVP.
Tất cả những gì một siêu sao ở NBA mơ ước có được, Tim Duncan đều đã sở hữu. Từ những danh hiệu tập thể đến các danh hiệu cá nhân, từ sự yêu mến của người hâm mộ cho đến sự kính trọng từ giới chuyên gia, các huấn luyện và chính những cầu thủ đồng nghiệp, Tim Duncan đều đã đạt được.
Thật kém may cho Kevin Garnett hay Dirk Nowitzki, họ chỉ không sức để cạnh tranh vị trí này với Tim Duncan.
Trung phong: Shaquille O’Neal
Năm thi đấu: Từ năm 1993 đến 2011 (19 mùa giải).
Chỉ số mỗi trận: 21,6 điểm; 10,1 bắt bóng bật bảng; 2,5 kiến tạo; 0,5 cướp bóng; 2,0 chắn bóng.
Chỉ số nâng cao: 25,8 PER; 58,7 TS%; 2339,37 TPA.
Danh hiệu nổi bật: 15 lần All-Star, 14 lần vào đội hình All-NBA, 3 lần vào đội hình All-Defensive, 2 danh hiệu ghi điểm nhiều nhất mùa, 4 lần vô địch NBA, 3 danh hiệu Finals MVP, 1 danh hiệu MVP, 1 danh hiệu Rookie of the Year.
Trong lịch sử NBA, có rất nhiều trung phong cao lớn với lối chơi đầy uy lực, với khả năng dùng sức mạnh của mình để càn lướt vào khu vực dưới rổ rồi thực hiện những cú dứt điểm cận rổ dễ dàng.
Một số trung phong khác lại chọn phong cách thi đấu mang nhiều sự tinh tế hơn với những pha dứt điểm đầy cảm giác ở trong khu vực hình thang hay sử dụng những bước chân đầy mưu mẹo để gài các cầu thủ phòng ngự vào bẫy.
Shaquille O’Neal lại là một trung phong có cả hai phong cách thi đấu này. Đó là lý do tại sao anh đã trở thành một trong những trung phong xuất sắc nhất lịch sử NBA, nếu không muốn nói rằng anh là người giỏi nhất từng thi đấu ở vị trí này.
Giai đoạn trước năm 2000 (không được tính trong danh sách này), anh đã có những năm thi đấu đầy thành công trong màu áo của Orlando Magic.
Anh đạt danh hiệu Rookie of the Year, liên tục vào đội hình All-Star và được chọn vào đội hình tiêu biểu của mùa giải trong nhiều năm liên tiếp.
Xét từ năm 2000 trở về sau, khi O’Neal thi đấu cùng với Kobe Bryant tại Los Angeles Lakers , anh mới thực sự đạt đến tầm đỉnh cao của sự nghiệp.
Shaquille O’Neal cùng với Kobe và các đồng đội đã lập cú ăn 3 lịch sử trong 3 năm từ 1999-2002. Riêng trong chuỗi đạt 3 chiếc nhẫn liên tiếp này, O’Neal ghi trung bình 28,6 điểm; 12,4 bắt bóng bật bảng và 2,5 chắn bóng trong khoảng 40 phút thi đấu mỗi trận.
Mặc dù tỷ lệ bắn phạt của Shaquille O’Neal luôn là môt chủ đề lớn nhằm châm chọc và khiêu khích. Tuy nhiên, O’Neal đã đáp trả lại bằng lối đánh hiệu quả đến khó tin.
Sau khi rời Los Angeles Lakers đến thi đấu cho Miami Heat, O’Neal đã tăng tỷ lệ ghi điểm của mình từ khoảng 56-57% lên đến trên 60%.
Sau 18 năm chinh chiến tại NBA, Shaquille O’Neal quyết định giải nghệ vào năm 2011 sau khi chơi mùa cuối cùng trong màu áo Boston Celtics. Sau khi giải nghệ, anh đã trở thành nhà phân tích cho kênh truyền hình TNT cho đến nay.
Vào mùa hè năm 2016, Shaquille O’Neal chính thức được đưa vào Sảnh danh vọng Naismith, khép lại một sự nghiệp đầy thành công của một trong những cầu thủ uy lực và mạnh mẽ nhất mà bóng rổ thế giới từng có được.
(Hết)