Được và mất sau chiến thắng của Spurs trước Rockets
San Antonio Spurs vẫn rất cần sự cao tay của Gregg Popovich để giải quyết những khó khăn trước mắt sau khi giúp đội nhà lột xác trong Game 2 trước Houston Rockets.
Sau Game 1 thảm họa, Spurs hiểu họ phải thay đổi nếu không muốn mọi thứ đi xa tầm kiểm soát, nhất là khi 2 trận tiếp theo diễn ra ở Houston. Quả thực, với 2 sự điều chỉnh của Gregg Popovich, Spurs đã có trận thắng thuyết phục 121-96 để cân bằng tỷ số 1-1.
Thay đổi đầu tiên của Popovich là chỉ đạo Kawhi Leonard chủ động kèm rát James Harden nhưng không phải trong tất cả tình huống. Ở trận đấu thứ 2 trên sân nhà trước khi làm khách tại Houston, Spurs cần Leonard cho mặt trận tấn công để tìm kiếm chiến thắng, bởi vậy họ không thể để ngôi sao của mình đeo bám Harden suốt cả trận.
Vấn đề không chỉ là tài năng phòng ngự xuất chúng của Leonard, bản thân Harden thực sự không biết khi nào bị “chăm sóc” khó chịu như vậy. Popovich khiến Rockets liên tục phải đoán xem tình huống tiếp theo nên chơi như nào.
Cách kèm người không liên tục đã phá hỏng nhịp chơi tấn công của Rockets, bằng chứng là nhạc trưởng Harden có một trong những game tệ nhất mùa này với 13 điểm, 4 lần mất bóng với hiệu suất ném vỏn vẹn 17,6% (3/17).
Về phía Leonard, anh không chỉ "bắt chết" Harden mà còn đảm bảo sức tấn công với 34 điểm, hiệu suất lên tới 81,3% (13/16) cùng 8 assist, 7 rebound và không mắc lỗi cá nhân nào. Đáng nể hơn khi ở những tình huống kèm 1-1, Leonard chỉ để cho đối thủ ném vào đúng 1 quả.
Phòng thủ không phải vấn đề duy nhất khiến Spurs thảm bại ở Game 1, trận đấu họ thực sự vật lộn trong nỗ lực đua theo cách tấn công ném 3 điểm của Rockets. Ở Game 2 này, Popovich đã tìm ra lời giải.
Khi Rockets luân phiên đội hình với cầu thủ chơi cánh và to cao, Spurs đã tận dụng cơ hội để dùng small-ball (đội hình với các cầu thủ nhỏ con hơn chiều cao thường thấy ở vị trí đó) và hạn chế sở trường của đối phương.
Có trên sân nhiều tay ném thực thụ đã đem về cho Spurs tổng cộng 9 cú ném 3 điểm thành công, chỉ ít hơn Rockets 2 quả. Ngoài ra, mỗi khi huấn luyện viên Mike D’Antoni của Rockets có sự thay đổi người, Popovich cũng lập tức điều chỉnh nhân sự, nhờ đó mà Spurs duy trì được lợi thế dẫn trước, đặc biệt là khu vực cận rổ.
Thế nhưng chưa kịp ăn mừng với những phép tính hợp lý, Popovich sẽ tiếp tục phải tìm thêm các phương án mới sau khi Tony Parker dính chấn thương. Sự vắng mặt của Parker sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới lối chơi small-ball rất thành công trong Game 2 vừa qua của Spurs. Nếu không kịp trở lại, Popovich sẽ phải trông đợi Patty Mills và Manu Ginobili thể hiện tốt hơn nữa.
Tuy nhiên đó chưa phải vấn đề lớn nhất của Spurs ở thời điểm hiện tại. Nỗi lo lớn với Popovich vào lúc này có lẽ là sự xuất hiện của LaMarcus Aldridge.
Bỏ qua Game 1 đáng buồn với chỉ 4 điểm, Aldridge cho thấy anh chưa thực sự thích ứng với những điều chỉnh trong hệ thống của Pop. Nửa sau ở Game 2 vừa qua, đội hình small-ball của Spurs phải thi đấu xung quanh Pau Gasol chứ không phải Aldridge khi mà tiền phong 31 tuổi thường làm chậm nhịp tấn công do cầm bóng lâu, tạo điều kiện cho Rockets có thêm thời gian phản ứng.
Bên cạnh đó, khả năng phòng thủ của Aldridge cũng không tạo được niềm tin. Trong ngày Rockets không có cảm giác tốt nhất ởnhững cú ném, họ liên tục nhắm tới vị trí của Aldridge để đánh pick-and-roll cùng ý đồ câu lỗi từ các pha đột phá từ Harden.
Đội hình small-ball có thể sẽ tiếp tục là giải pháp tốt cho Spurs. Khi đó, với vai trò là big man duy nhất trên sân, Aldridge cần quyết liệt và nhanh nhẹn hơn trong cả tấn công lẫn phòng ngự, nhất là khi Rockets hứa hẹn sẽ đáp trả thích đáng ở Game 3 với lợi thế sân nhà.