Hiện thực đang gợi nhớ về mùa giải siêu ngắn 2012, nơi cơn ác mộng của Derrick Rose bắt đầu
"Và thế là NBA lại chứng kiến một ngôi sao trẻ đầy tiềm năng phải nói lời chia tay mùa giải. Lý do vẫn là chấn thương quái ác liên quan đến dây chằng đầu gối.
Hậu quả là người hâm mộ và thậm chí là một số cầu thủ đã bắt đầu hướng sự chỉ trích về ban điều hành NBA, những con người đã đưa ra một lịch thi đấu dày đặc.
Họ cho rằng việc các cầu thủ không có đủ thời gian nghỉ ngơi (thậm chí có một số đội còn phải hy sinh các buổi tập để cho các VĐV hồi phục) đang dần đẩy những cơ thể, những đôi chân trị giá hàng chục triệu đôla này đến giới hạn".
Những dòng trên thực chất nói về mùa giải bị rút ngắn (lockout season) năm 2012 tại NBA. Nhưng vô tình nó lại đúng đến từng câu, từng chứ nếu nói đến thời điểm hiện tại, mùa giải 2020-21.
Vào hôm qua, Jamal Murray đã ngã xuống ở phút thi đấu cuối cùng trong trận Denver Nuggets gặp Golden State Warriors. Kết quả chụp cộng hưởng từ MRI cho thấy ngôi sao sinh năm 1997 bị rách dây chằng đầu gối (ACL) và phải nghỉ thi đấu đến hết mùa.
Nhưng không chỉ có Murray, NBA còn đang có một loạt chấn thương liên quan đến các ngôi sao khác như Joel Embiid, Kevin Durant, LeBron James, Anthony Davis, LaMelo Ball, James Wiseman, Gordon Hayward và Victor Oladipo.
Đó là chưa kể đến những trường hợp cầu thủ ít tiếng tăm hơn đã phải nói lời chia tay mùa giải như Thomas Bryant (Wizards), Markelle Fultz (Magic).
Nhiều người đã bắt đầu chỉ trích lịch thi đấu dày đặc, cộng với khoảng thời gian xoay vòng mùa giải ngắn nhất lịch sử.
Cầu thủ của New Orleans Pelicans Josh Hart, người cũng đang phải ngồi ngoài dài hạn vì chấn thương liên quan đến ngón tay là một trong số đó:
“Quá nhiều cầu thủ đã chấn thương trong mùa giải bị rút ngắn này. Chúng ta không bao giờ nên tổ chức thi đấu theo kiểu này nữa"
Quay ngược về 9 năm trước, chính xác là năm 2012, thời điểm được coi là tăm tối với người hâm mộ yêu bóng rổ đích thực.
Derrick Rose rời sân ở trận đấu đầu tiên trong vòng Playoffs, bị rách dây chằng đầu gối (ACL). Đây là mảnh domino đầu tiên đổ xuống, đánh dấu chuỗi chấn thương kinh hoàng mà D-Rose phải trải qua trong sự nghiệp.
Chỉ vài chục tiếng sau tin sét đánh của Rose, một cầu thủ tiềm năng đáng chú ý khác là Iman Shumpert cũng bị rách dây chằng đầu gối.
Trước đó một khoảng thời gian ngắn, trung phong hàng đầu NBA năm 2012 là Dwight Howard cũng phải nói lời chia tay mùa giải vì chấn thương lưng. Anh buộc phải lên bàn mổ do cơ thể bị quá tải.
Lúc ấy, ai cũng chỉ tay về lịch thi đấu dày đặc mà NBA đã cố gắng thực hiện. Mỗi đội phải chơi 66 trận trong vòng 4 tháng.
Có những đội bóng phải chơi 4 trận đấu trong 5 ngày hoặc 5 trận trong 7 ngày. Các chuỗi trận back-2-back (2 trận trong 2 ngày liên tiếp) xuất hiện một cách thường xuyên
Đồng đội của Derrick Rose khi ấy là Joakim Noah cho rằng rất có thể việc quá tải về mặt thể trạng đã làm tăng khả năng dính chấn thương của các cầu thủ.
HLV trưởng của Philadelphia 76ers tỏ ra thẳng thắn hơn, chỉ trích NBA vì xếp một lịch thi đấu quá dày: “Tôi nghĩ vấn đề ở đây quá rõ ràng”.
Hậu vệ ngôi sao Baron Davis chia sẻ thêm góc nhìn từ phía cầu thủ rằng: “Mùa giải bị rút ngắn khiến sự cạnh tranh cho suất Playoffs trở nên cực kỳ khốc liệt.
Chúng tôi gần như không có thời gian để mà nghỉ ngơi. Cơ, xương, khớp, đầu gối, dây chằng của chúng tôi còn chẳng thể hồi phục sau mỗi trận đấu”.
Còn về phía truyền thông, cựu cầu thủ Jalen Rose khi đó đang làm cho đài ESPN nói: “Ai cũng biết hoặc cũng lo sợ rằng thi đấu 66 trận trong vòng 123 ngày cộng với việc di chuyển liên tục sẽ có thể gây nhiều chấn thương nghiêm trọng. Giờ thì chấn thương còn xảy đến với các tên tuổi lớn, các cầu thủ hàng đầu giải đấu rồi".
Lúc ấy, uỷ viên ban điều hành NBA - cố commissioner David Stern cho rằng chấn thương không có liên quan gì đến lịch thi đấu cả.
Những con số không nói dối khi tỷ lệ chấn thương hay số lượng chấn thương nghiêm trọng ở mùa giải năm 2012 là tương đương với các mùa giải 82 trận bình thường.
Ngoài ra, giải đấu cùng đội ngũ chuyên gia về thể trạng các VĐV đã liên tục làm việc với đội ngũ y tế của các đội, làm rõ việc đảm bảo an toàn cho các cầu thủ xuyên suốt mùa giải.
Năm nay, mọi thứ cũng không có nhiều sự khác biệt. Ông Adam Silver chắc hẳn đã biết rõ nguy cơ “vỡ trận chấn thương" mà NBA mùa giải 2020-21 phải đối diện.
Tuy ông Silver hay phát ngôn viên của giải chưa chính thức lên tiếng về sự liên quan giữa các chấn thương đến lịch thi đấu, nhưng nếu giải thích về mặt con số, có lẽ NBA một lần nữa sẽ đúng vì mức chấn thương nghiêm trọng vẫn đang dưới mức trung bình.
Mặc dù vậy, mùa giải năm nay đang có một dấu hiệu rất đáng ngại. Nếu không tính những chấn thương nghiêm trọng khiến các VĐV phải nghỉ cả mùa, NBA đang chứng kiến số lượng chấn thương nhẹ* tăng vọt so với mùa giải trước.
Rất nhiều cầu thủ, đặc biệt là các trụ cột ở đội bóng dính những chấn thương nhỏ và dai dẳng, thường phải nghỉ trung bình từ 2 đến 3 tuần. Một điều cần ghi chú nữa là tần suất chấn thương không có va chạm hoặc chấn thương trong lúc tập cũng tăng ở mùa giải năm nay.
Quan trọng nhất là mùa 2020-21 mới chỉ đi qua 2/3 chặng đường và những trận đấu khốc liệt nhất vẫn còn ở phía trước.
Ở năm 2012, Baron Davis có chia sẻ rằng trong bóng rổ, chấn thương xảy ra như một điều không thể tránh khỏi. Theo kiểu “trời kêu ai nấy dạ", chấn thương đôi khi xuất hiện một cách vô tình chứ không hẳn là hệ luỵ của một chuỗi tính toán sai lầm nào đó.
Thế nhưng không thể khiến người hâm mộ loại bỏ hoàn toàn suy nghĩ ‘NBA đang đánh đổi sức khoẻ của các cầu thủ để ‘bát cơm’’, hoặc ‘không có sự liên quan giữa chấn thương và lịch thi đấu dày đặc cộng với khoảng thời gian xoay vòng (offseason) trước mùa giải bị rút ngắn’.
Với hậu quả đã từng xảy ra ở năm 2012 và ngay lúc này trong năm 2021, rất nhiều cầu thủ, những cái tên lớn vẫn chưa thể trở lại thi đấu.
Và chấn thương không chỉ ảnh hưởng đến bản thân hay con đường sự nghiệp của cầu thủ, nhiều đội bóng cũng đối diện với sự xuống về mặt thành tích khi bị mất hoặc không có sự phục vụ của những trụ cột quan trọng trong thời gian dài.
Cách đây 9 năm, mọi sự ngờ vực rồi cũng đi vào quên lãng. Người hâm mộ và những cầu thủ còn lành lặn vẫn tiến vào mùa giải tiếp theo một cách bình thường.
Hậu quả để lại là những cầu thủ như Derrick Rose (một ngôi sao đang lên), Iman Shumpert (một tân binh triển vọng) hay Dwight Howard (một trung phong hàng đầu NBA), những con người không bao giờ còn chạm lại được bóng rổ đỉnh cao hay vươn đến tiềm năng mà người ta kỳ vọng về họ.
Vậy còn mùa giải năm nay, còn hiện tại thì sao? Chắc chắn giải đấu sẽ phải hứng chịu một lượng chỉ trích nhất địch.
Nhưng rồi sau tất cả, có lẽ mọi thứ sẽ lại trôi qua như năm 2012, để lại những cầu thủ dính các chấn thương cực kỳ nghiêm trọng này cố gắng tìm lại chính mình.