Isaiah Thomas: Từ pick chót thành tay ghi điểm hàng đầu NBA
Những gã khổng lồ của giải bóng rổ NBA bỗng dưng trở thành tầm thường trước Isaiah Thomas hay chính “chú lùn” 1m75 biết làm thế nào để che lấp khuyết thiếu về chiều cao?
Khi đọc những dòng đầu tiên về sự nghiệp của Isaiah Thomas, ắt chẳng mấy ai tin cầu thủ nhỏ con này đủ sức trở thành siêu sao của giải bóng rổ nhà nghề Mỹ.
Anh chỉ cao 1m75 và được chọn làm pick 60 tại NBA draft năm 2011, nghĩa là pick cuối cùng của kỳ tuyển mộ lần đó. Bởi lẽ, ngoại trừ vài tiền lệ hiếm hoi, những “chú lùn” như vậy thường không có chỗ đứng trong thế giới của những người khổng lồ tại NBA.
Tuy nhiên giờ đây, đứa con trai của một nữ y tá siêng năng và nam nhân viên kiểm tra các bộ phận của hãng Boeing gần 3 thập niên qua đang đứng thứ nhì trong danh sách ghi điểm bình quân của NBA 2016-2017 với 29,8 điểm/trận.
Quan trọng không kém, anh đang vững vàng tiến bước trên hành trình trở thành huyền thoại của NBA như kỳ vọng của Danny Ainge, giám đốc điều hành tại Boston Celtics hiện nay.
Đà tiến thật sự vững chắc từ ngày 19/02/2015, cách nay vừa tròn 2 năm, khi Isaiah Thomas đến Boston theo vụ hoán đổi để Phoenix Suns lấy Marcus Thornton và pick 1 của Cleveland Cavaliers ở NBA draft 2016.
Trước đó, sự nghiệp của anh khá long đong do Sacramento Kings sẵn sàng để pick 60 của họ tại NBA draft 2011 ra đi theo diện chuyển nhượng tự do ở Hè 2014.
“Họ chỉ tìm cách đẩy tôi đi”, Isaiah Thomas khẳng định do Kings cảm thấy anh không thích hợp chơi cạnh DeMarcus Cousins nên thay thế bằng Darren Collison.
Lúc ấy, anh muốn đầu quân cho L.A. Lakers theo ý nguyện của cha mình cùng cảm hứng từ huyền thoại Kobe Bryant, nhưng L.A. Lakers lại chọn Jeremy Lin.
Vậy là Isaiah Thomas đến với Phoenix Suns kèm hợp đồng 4 năm trị giá 27 triệu USD để rồi đối mặt với thách thức mới do phải cạnh tranh vị trí hậu vệ dẫn bóng cùng Eric Bledsoe và Goran Dragic.
Hậu quả của cuộc chiến tay ba đó là chỉ vài phút trước lúc kỳ chuyển nhượng năm 2015 khép lại, và không lâu sau khi Goran Dragic bị đẩy đến Miami Heat, Isaiah Thomas lên đường sang Boston.
Ngay sau đó là cuộc gặp mang tính bước ngoặt của số phận với Danny Ainge từng 2 lần vô địch NBA.
“Tôi ngồi kế Danny Ainge và nghe kể rằng ông ấy đã hâm mộ tôi như thế nào ngay từ đợt NBA draft 2011”, Isaiah Thomas nhớ lại: “Và ông ấy còn bảo rằng nếu cứ chơi như trước, tôi có thể trở thành huyền thoại của Celtics… Tôi chỉ nghĩ: ‘Giờ đây ắt hẳn ông ấy đang hưng phấn về vụ tuyển mộ. Ông ấy nói thế chỉ để tôi vui vẻ, để tôi cảm thấy dễ chịu mà thôi’. Nhưng hóa ra, đúng là ông ấy nghĩ như thế thật”.
Video: Diễn biến của trận đấu giữa Boston Celtics - Dallas Mavericks
“Kế đến lúc tôi ngồi lần đầu với HLV Celtics Brad Stevens, một trong những điều đầu tiên Brad bảo tôi: ‘Đừng tìm cách thích ứng với đội này. Hãy để đội bóng này thích ứng với cậu. Chúng tôi cần một cầu thủ như cậu, và chúng tôi muốn cậu trở thành Isaiah Thomas hay nhất’”, Isaiah Thomas cho biết.
Boston Celtics rõ ràng đã trở thành bệ phóng hoàn hảo để “chú lùn” thăng hoa. Vì với hiệu suất ném chính xác 46,8%, ném 3 điểm 38,2% và 6,3 assists trong sự nghiệp, Isaiah Thomas chỉ cần tìm bến đỗ thích hợp giúp anh phát huy tối đa tài năng và hạn chế tối đa khiếm khuyết.
“Chúng tôi không nghe người khác bảo người của mình chẳng thể làm được gì. Chúng tôi chỉ quan tâm người của mình có thể làm được gì”, HLV Brad Stevens giải thích lý do chọn Isaiah Thomas: “Họ có mặt tại NBA ắt hẳn phải nhờ tài năng nào đó. Điều chúng tôi cần làm là nhận ra các điểm mạnh của họ. Thomas đặt lên bàn những thứ mà đội bóng hiện chưa có. Đấy là khả năng cầm bóng đột phá vào khu vực bảng rổ và chơi pick and roll. Cậu ấy còn là mẫu hậu vệ 2 trong 1 do có thể chơi như hậu vệ ghi điểm. Chúng tôi chỉ quan tâm tới những điều đó”.
Như khi Bá Nha gặp Tử Kỳ, Isaiah Thomas không chỉ đang có thành tích ghi điểm bình quân cao thứ nhì lịch sử Celtics chỉ sau huyền thoại Larry Bird ở mùa 1987-1988 (29,9 điểm/trận), mà đang được xem như Vua hiệp 4.
Chỉ số 10,6 điểm ở hiệp 4 của anh đang là kỷ lục của NBA kể từ lúc giải bóng rổ nhà nghề Mỹ bắt đầu thu thập dữ liệu về hiệp 4 từ năm 1996.
Đồng thời, anh hiện có tới 4 lần ghi ít nhất 20 điểm ở 1 hiệp 4, bao gồm cả lần ghi 29 điểm trong tổng số 52 điểm ở trận gặp Miami Heat sáng ngày 31/12/2016. Lịch sử NBA chưa có cầu thủ nào khác làm được chuyện ấy quá 1 lần.
Thậm chí cỡ như Kobe (9,5 điểm/hiệp 4 mùa 2005-2006), cỗ máy triple-double của Oklahoma City Thunder là Russell Westbrook (9,4 điểm/hiệp 4 mùa này) hoặc LeBron James (9,1 điểm/hiệp 4 mùa 2007-2008 ở Cleveland) đều chưa từng ghi điểm ở hiệp cuối nhiều như Isaiah Thomas.
Dĩ nhiên, Isaiah Thomas cũng có điểm yếu: Đấy là khả năng phòng ngự do chiều cao hạn chế. Dù vậy, anh không cảm thấy tự ti, ngay cả khi đứng cuối NBA về khả năng phòng thủ và đội bóng của anh đứng thứ 19/30 về hiệu quả phòng ngự (106,2 điểm qua 100 lần giữ bóng).
Anh giải thích: “Tôi không bận tâm vì ngay cả LeBron cùng Kobe Bryant mà còn có người chê”.
Isaiah Thomas rõ ràng có lý vì từ lâu, giới chuyên môn và truyền thông đã không còn tranh luận xem anh xếp thứ mấy trong hàng ngũ các hậu vệ nhỏ thó bởi ngôi sao của Celtics đã thể hiện vượt xa Calvin Murphys, Michael Adams, Terrell Brandons, Damon Stoudamires, Earl Boykins, Muggsy Bogues, Spud Webbs hoặc Slater Martins trong thế giới tí hon của những người khổng lồ.
Trên thực tế, sự tự tin của Isaiah Thomas vượt hẳn tưởng tượng của nhiều người khi anh tuyên bố: “Tôi muốn trở thành cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại. Có lẽ tôi chẳng thể vươn tới tầm cao ấy, nhưng tôi đã đặt những mục như thế để mình đuổi theo. Mọi cầu thủ giỏi nhất, mọi cầu thủ vĩ đại nhất đều tự tin vào chính bản thân như vậy, vì họ nhìn thấy mình có những phẩm chất mà người khác không thấy để có ngày bùm một phát, họ trở thành huyền thoại”.