Mặt tối của nghề hoạt náo viên NBA: Nỗi thất vọng âm ỉ
Không phải vấn đề mới nhưng cũng chưa bao giờ những người hành nghề hoạt náo viên NBA lại cảm thấy có đủ sự công bằng dành cho họ.
Với 450 cầu thủ và 30 đội bóng ở đẳng cấp trình độ cao nhất hành tinh, giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA được mô tả bằng cụm từ "một trong những đế chế thể thao lớn mạnh nhất thế giới".
Hãy nhìn vào giá trị hàng tỷ USD mà giải đấu kiếm được hàng năm, không có gì lạ khi tại đây có những ngôi sao đứng trong danh sách giàu nhất làng thể thao thế giới.
Một sự thật hiển nhiên của NBA ngày nay, bên cạnh các cầu thủ và huấn luyện viên, những hoạt náo viên đã trở thành một phần tất yếu của từng trận đấu vẫn ngày ngày sinh sôi tiền bạc cho giải đấu.
Vào cuối thập kỷ 70, chính chủ tịch Jerry Buss của Los Angeles Lakers trở thành người tiên phong đưa các hoạt náo viên vào các trận đấu. Những cô gái hoạt náo, hay mô tả chính xác hơn phải bằng hai từ "vũ công", đã mang đến sự khác biệt hoàn toàn cho hình ảnh giải đấu.
Năm 2015, con gái Jerry Buss, chủ tịch hiện tại của Lakers Jeanie Buss, đã tuyên bố: "Ngay từ đầu, cha tôi hiểu rằng chìa khóa để Lakers trở nên thu hút nằm ở sự cân bằng giữa việc xem thể thao truyền thống với các màn biểu diễn giải trí. Phải coi thời gian tới sân của khán giả thật quí giá và họ cần có cảm giác như đang được tham gia một show giải trí đích thực."
Cũng trong năm đó, Jeanie Buss xuất bản cuốn sách "Lakers Girls (Những cô gái Lakers)" với niềm tự hào: "Sau 31 năm, nhóm vẫn hoạt động với ít lời phàn nàn nhất có thể".
Nhưng không may, chẳng phải đội bóng NBA nào cũng đủ tinh tế để mang lại hạnh phúc cho các hoạt náo viên giống như Lakers.
Lauren Herington, vũ công từng trong đội hoạt náo Milwaukee Bucks, đã lên tiếng nói về những mặt tối của công việc. Vấn đề cô đưa ra không mới nhưng trở thành dịp để những đồng nghiệp tại NBA đồng loạt biểu lộ quan điểm.
Riêng trong trường hợp của Lauren Herington, cô đã viện dẫn con số doanh thu 87 triệu USD công khai của Milwaukee Bucks trong mùa giải NBA 2017-18.
Thời điểm đó, phía đại diện đội bóng tuyên bố chi trả gần 200 nghìn USD cho các hoạt náo viên trong một tối biểu diễn.
Mỗi đội nhảy thường bao gồm 40 thành viên và mỗi người sẽ được nhận khoảng 4 nghìn USD cho một tối (Quản lý sẽ được nhận cao hơn). Như vậy, mỗi cô gái sẽ có thu nhập tương đương gần 90 triệu VNĐ cho một tối làm việc, con số rõ ràng đáng mơ ước.
Một trong nhiều tiết mục mà các đội hoạt náo viên phải biểu diễn trong các tối thi đấu.
Nhưng theo sự thật mà Herington đưa ra, con số thực tế mà cô và các đồng nghiệp nhận được sẽ gây sốc nếu so với con số làm màu mà đội bóng tuyên bố.
"Tôi nhớ một lần đứng trong phòng thay đồ, các chị em có nói chuyện với nhau về số tiền được nhận sau khi biểu diễn. Tôi nhớ có 3 người được trả 50 USD, vài người khác thì được trả cao hơn một chút, vào khoảng 65-75 USD.
Tôi cũng từng có buổi nói chuyện thân mật với những chị em làm cùng nghề ở các đội bóng khác. Thỉnh thoảng chúng tôi lại tổ chức một buổi tiệc dành riêng cho những hoạt náo viên mà. Nhiều người cho biết họ được trả tiền trong cả các buổi tập, khoảng 20 USD mỗi buổi. Trái lại, đa số chị em cho biết họ chẳng được may mắn như vậy."
Vũ công Ana Ogbueze từ Charlotte Hornets bổ sung thêm: "Các đội bóng luôn khai khống số tiền trả công cho chúng tôi, cả bên ngoài lẫn bên trong. Bên ngoài, họ ý thức được việc công bố khoản chi thực tế cho các hoạt náo viên sẽ gây bất bình xã hội. Sự cách biệt thu nhập giữa các vũ công với các cầu thủ và ban huấn luyện là quá lớn.
Chính vì thế, họ thường phải công bố khoản chi cao gấp nhiều lần trước công chúng. Bên trong, khi họ nói trả công theo chế độ full-time, họ sẽ chỉ trả theo dạng part-time thôi.
Có nhiều người lại lầm tưởng chúng tôi giàu có lắm. Tôi vẫn thường cười phá lên khi có ai đó nói rằng "thu nhập của cô đủ để sống dễ dàng rồi".
Có nhiều người thậm chí còn nói vậy khi bắt gặp tôi đang làm phục vụ bàn ở quán bar. Tôi trả lời họ rằng: "Nếu ngon lành như vậy, tôi đã chẳng phải vất vả cày cuốc thêm ở mấy chốn này (quán bar)".
Thậm chí, cả Ogbueze lẫn Herrington đều cùng xác nhận các trường hợp vũ công làm việc tại NBA chỉ được trả 3-5 USD cho một giờ nhảy múa và đứng hoạt náo. Mức trả công tồi tệ này từng được truyền thông báo cáo vào năm 2016.
Yếu tố công việc luôn đòi hỏi khắt khe về hình thể và trọng lượng của các hoạt náo viên. Việc quản lý đội tỏ ra nghiêm khắc nhắc nhở những cô gái thừa cân có thể trở nên dễ hiểu nhưng dường như đã có nhiều trường hợp vượt quá phạm vi đạo đức.
Năm 2015, nhiều tổ chức nhân quyền tại Mỹ đã từng đứng lên can thiệp vì vấn nạn "body shaming", hình thức gây tổn hại tâm lý con người thông qua việc chỉ trích ngoại hình.
Lúc đó, các hoạt náo viên đã khách quan đưa ra sự phân biệt giữa yếu tố đòi hỏi tính chuyên nghiệp và sự cay nghiệt mang tính vi phạm lối hành xử của quản lý các đội bóng.
Một cựu thành viên của Silver Dancers, đội hoạt náo viên của San Antonio Spurs kể lại câu chuyện mà cô từng gặp phải:
"Thông thường, chúng tôi sẽ nghĩ ra ý tưởng tiết mục cũng như trang phục để biểu diễn. Nhưng có những lúc, phía đội bóng lại áp xuống yêu cầu và họ đồng thời lo luôn phần trang phục.
Có lần, phía quản lý đội bóng thuê về gần 50 bộ đồ diễn từ đâu đó mà tôi không biết. Họ bắt các chị em trong nhóm phải mặc các bộ đồ này khi biểu diễn. Nhưng có điều, kích cỡ các bộ đồ lại được may cho một nhóm diễn khác.
Chính vì thế, rất nhiều người trong số chúng tôi không thể mặc vừa bộ áo cỡ 4 do hầu hết chúng tôi vẫn hay mặc cỡ 5 hoặc 6. Quản lý của đội bóng đã la mắng chúng tôi rất nặng lời và phê phán hình thể của nhiều chị em. Họ nên biết rằng chúng tôi luôn giữ chế độ ăn uống rất cẩn thận, gần đến mức kham khổ.
Sau nhiều lần vô lí như vậy, họ tuyên bố giải tán Silver Dancers với lí do khán giả không còn hứng thú. Đợt vừa qua, chúng tôi xin được 12500 chữ ký từ người hâm mộ San Antonio nhưng họ vẫn kiên quyết loại bỏ chúng tôi."
Trong một lá thư tập thể gửi về hòm mail của NBA, các cựu vũ công New York Knicks cũng kể về một câu chuyện oái ăm khác.
Ông chủ đội bóng Knicks nhận được gợi ý sau khi tham gia show thời trang Victoria's Secret. Các người mẫu Victoria's Secret toàn bộ đều sở hữu thân hình mảnh khảnh và đôi chân dài miên man. Ngay khi về nhà, ông chủ này đã ngay lập tức yêu cầu các hoạt náo viên của đội bóng phải chuyển sang chế độ dinh dưỡng và luyện tập để có được thân hình như các siêu mẫu.
Khi vấp phải các ý kiến phản đối, phía quản lý Knicks đã có nhiều lời lẽ khiếm nhã về ngoại hình của các hoạt náo viên.
"Chúng tôi không hiểu vì sao các vũ công lại phải cần thân hình và trọng lượng như các người mẫu? Việc nhảy múa khác với việc đi lại trên sàn catwalk chứ!" – đây chính là nội dung đúc kết sau cùng của bức thư.
Những nhà quản lý NBA hiểu rõ sự bất mãn của các cô gái và họ sử dụng chiến thuật "tẩy não nhồi tư tưởng".
Cho tới nay, những hứa hẹn về mức lương hậu hĩnh cùng sự gặt hái thành công trong tương lai ở vai trò vũ công chuyên nghiệp, người mẫu ảnh, nhân vật truyền thông, vẫn đang thu hút khá nhiều các cô gái trẻ tham gia.
Thực tế, không nhiều người trong số các hoạt náo viên có thể tiến xa hơn tới các ước mơ mà họ từng ấp ủ trong những ngày đầu.
Lịch làm việc và chế độ ăn uống kham khổ đã hạn chế thời gian của các cô gái. Tới một ngày, tất cả đều nhận ra thời gian thật sự quí giá. Đó chính là yếu tố mang lại cơ hội và kiến thức cho các hướng đi tốt hơn.
Nhưng tại sao các cô gái lại không dứt khoát hơn trong quyết định bỏ nghề? Đó là bởi họ đã trở thành nạn nhân quen thuộc của chiến thuật "tẩy não". Lí do tốt đẹp nhất mà hầu hết các hoạt náo viên còn lưu giữ chính là các mối quan hệ có được.
Alanna Sarabia, vũ công cống hiến 10 năm cho Spurs, bồi hồi chia sẻ sau khi thất nghiệp:
"Điều trân trọng nhất còn đọng lại chính là tình cảm giữa các chị em. Tôi vẫn thường liên lạc với nhiều người trong số họ. Chúng tôi đã từng trải qua những ký ức đẹp cùng nhau. Tình bạn của chúng tôi được xây dựng mãi mãi."