Mức lương chênh lệch 65 lần và cuộc khẩu chiến giữa NBA vs WNBA, ai đúng ai sai?
Nhắc tới bóng rổ, người ta ngay lập tức nghĩ về NBA - giải bóng rổ hấp dẫn nhất hành tinh với mức thu nhập béo bở dành cho các cầu thủ. Và cũng tại Mỹ, cũng có một giải đấu với mô hình phát triển tương tự dành cho nữ có tên WNBA.
Thế nhưng giữa 2 giải đấu này dường như chỉ có một điểm chung đó là: Bóng rổ. Mọi thứ còn lại là những con số chênh lệch, và tiền lương là một trong những vấn đề mà các bóng hồng liên tục nhắc tới, năm này qua năm khác.
Theo thống kê, mức lương trung bình của một cầu thủ tại NBA khoảng 7,5 triệu đô la Mỹ/mùa, con số này với các nữ cầu thủ là 116.000 đô la, thấp hơn xấp xỉ 65 lần so với những người đồng nghiệp nam. Thoạt nhìn qua, các cô gái WNBA có lý để đòi hỏi, nhưng nếu nhìn vào những con số thống kê khác thì sao?
NBA đã 75 năm tuổi, WNBA là 25, giải đấu dành cho các cô gái đã chậm hơn 50 năm trong việc xây dựng thương hiệu, giải quyết các vấn đề lao động. Thế nhưng các cầu thủ WNBA đang muốn ngay lập tức có được những gì mà các đồng nghiệp nam nỗ lực nhiều thập kỷ qua.
Số cầu thủ tham dự NBA là 17.760, WNBA là 6.535. NBA Finals 2019 có trung bình 20 triệu người xem mỗi trận, WNBA Finals có trung bình 400.000 người xem 1 trận. NBA có 30 CLB, WNBA là 12, giá vé vào cửa chênh lệch từ 51 tới 89 đô la tuỳ sân.
Doanh thu hàng năm của NBA là 7,92 tỷ đô, của WNBA là 60 triệu đô! Và trong khi lợi nhuận NBA kiếm được đang sinh lời với những con số ấn tượng (trước đại dịch COVID-19), thì WNBA liên tục lỗ năm này qua năm khác.
Uỷ viên Adam Silver tiết lộ rằng kể từ khi WNBA ra đời, giải đấu lỗ trung bình 10 triệu đô/mùa, số tiền này được NBA trợ cấp vì nỗ lực tạo nên một sân chơi hấp dẫn cho các cô gái.
Với những con số thống kê trên, vấn đề của WNBA rất đơn giản! Giải đấu này đang lỗ, nó không tạo ra tiền hoặc doanh thu để hỗ trợ vào thu nhập cho các cầu thủ. Nó bị phủ một cái bóng quá lớn của NBA, và đó là lý do vì sao WNBA tổ chức trong giai đoạn NBA nghỉ thi đấu.
WNBA bị rơi vào thế khó, nếu tổ chức vào những thời điểm thông thường, không ai xem giải đấu này, khán giả đã có rất nhiều sự lựa chọn từ NBA, cho tới những giải đấu tại châu Âu như EuroLeague. Vì vậy WNBA buộc phải đánh từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm, trong thời điểm mà người ta nghỉ Hè và có xu hướng ra khỏi nhà du lịch, chơi thể thao, thay vì ôm tivi và các thiết bị di động xem bóng rổ!
Tuy nhiên NBA sẽ không bao giờ bỏ rơi WNBA! Một thoả thuận lương tập thể mới đã được thông qua, nó có hiệu lực tới năm 2027 cung cấp mức lương tăng 57% so với hiện tại. Chế độ thai sản cũng được tính tới, khi các cô gái nhận được 5.000 đô la tiền chăm sóc trẻ. Họ có thể nhận tới 60.000 đô cho những phương pháp nhận con nuôi, mang thai hộ hay đông lạnh trứng và hỗ trợ sinh sản.
Mức lương cơ bản được tăng lên 130.000 đô la Mỹ và những cầu thủ xuất sắc có thể nhận về 500.000 đô. Tuy nhiên các cô gái chưa hài lòng, họ muốn nhận 50% doanh thu giải đấu tương tự NBA, thay cho con số 20% mà họ đang nhận.
Thoạt nhìn con số này có vẻ không công bằng, nhưng rõ ràng họ khó lòng tiếp tục đòi hỏi khi WNBA đang lỗ. Việc tăng lương đã làm khoản lỗ hàng năm gia tăng, một trận đấu tại NBA có trung bình 2 triệu người xem trực tuyến, gấp 10 lần WNBA, con số đó đủ để biến mọi sự so sánh bỗng trở nên rất khập khiễng!
Đó là lý do vì sao Draymond Green mới đây đã chia sẻ quan điểm một cách thẳng thắn, số 23 của GSW ủng hộ các cô gái chơi bóng rổ, nhưng anh không đồng tình với những đòi hỏi phi lý:
"Tôi thực sự mệt mỏi mỗi khi thấy họ đòi hỏi về tiền lương, họ tự cho mình là những kẻ bất lương khi chỉ biết phàn nàn. Thay vì tìm cách để thực hiện thì họ chỉ ngồi đó nói, đòi hỏi năm này qua năm khác. Đơn giản thôi, họ không tạo ra doanh thu thì lấy gì để tăng lương, họ muốn lấy tiền từ nỗ lực của chúng tôi ư?
Họ sử dụng nữ quyền như một cái cớ đòi hỏi mà không chịu nhìn nhận vào thực tế. Chúng tôi ủng hộ phụ nữ, chúng tôi ủng hộ việc trao quyền cho phụ nữ. Nhưng họ đừng nên sử dụng điều đó để đòi hỏi những thứ phi lý!" Draymond Green phản bác gay gắt khi nhận được những câu hỏi từ phóng viên.
NBA sau đó đã tuýt còi cầu thủ của GSW, tuy nhiên sự thật vẫn là sự thật. Và dù có muốn thông cảm với các cô gái thế nào đi chăng nữa, thật khó để họ có quyền đòi hỏi gia tăng thu nhập khi mà WNBA vẫn đang lỗ từ năm này qua năm khác!