Nghề cheerleaders ở NBA: Yêu cầu khắt khe, kỳ ngộ lớn lao (Kỳ 1)
Đối với nhiều vũ công hạng thường, trở thành cheerleaders (hoạt náo viên) ở giải bóng rổ NBA là niềm mơ ước, nhưng không có gì dễ dàng với mọi cô gái muốn bước chân vào thế giới này.
Vé vào sân để xem các trận đấu NBA vốn không rẻ, bởi thế, những ai trực tiếp bỏ tiền đi theo dõi cũng phải được phục vụ và giải trí xứng đáng với số tiền họ bỏ ra. Vì thế, nghề hoạt náo viên ra đời với mục đích làm tươi mới và sôi động bầu không khí hội trường, giúp đám đông khán giả cảm thấy vui vẻ hơn.
Việc trở thành hoạt náo viên của đội bóng ở giải bóng rổ NBA, đặc biệt là các đội nổi tiếng là vinh dự không nhỏ đối với các cô gái bình thường. Bởi lẽ, họ được lên hình thường xuyên hơn và được các tạp chí hoặc các đại diện người mẫu chú ý đến nếu được ống kính máy quay “chiếu cố” nhiều lần. Tuy nhiên, để làm được công việc này cũng không dễ dàng, xuất phát từ chính bước tuyển chọn đầu tiên.
Những yêu cầu tuyển lựa
NBA có 30 đội bóng, mỗi bên đều có yêu cầu riêng cho đội hoạt náo viên, thậm chí một số đội còn dùng những hình thức khác như đội trống nam, đội diễn xiếc để tạo sự mới mẻ và dấu ấn đặc biệt hơn. Nhưng về cơ bản, tuyển chọn nữ hoạt náo viên NBA vẫn gồm những yêu cầu sau đây:
- Có khả năng vũ đạo: Hầu hết các hoạt náo viên NBA đều là các vũ công, họ có kỹ năng nhất định trong việc nhảy múa, ở tầm cao hơn so với các nữ sinh trường trung học bình thường. Tất nhiên, để biết ai có khả năng, các cô gái sẽ phải trình diễn thử trước mắt các tuyển trạch viên.
- Phải 21 tuổi hoặc hơn: Mỗi cô gái phải ở độ tuổi phù hợp mới được tuyển chọn. Họ sẽ chứng minh tuổi tác của mình bằng các giấy tờ tùy thân.
- Có vóc dáng chuẩn: NBA không đặt nặng yêu cầu về chiều cao, cân nặng hay nét mặt nhưng vóc dáng cân đối là điều cần thiết để gia nhập một đội hoạt náo viên.
Ngoài ra, sức bền cũng là điều quan trọng bởi các cô gái thường phải hoạt động khá nhiều, bao gồm một số tiết mục còn đòi hỏi tạo hình khó khăn. Nói chung, ngoài kỹ năng thì sức khỏe cũng là điều phải có.
- Cá tính: Không chỉ là công việc nhảy múa, một phần nào đó, hoạt náo viên còn là đại diện hình ảnh cho một đội bóng nên buộc phải có những cá tính nhất định phù hợp với văn hóa đội.
NBA là giải đấu lớn mà trong đó giới truyền thông tiếp xúc và khai thác rất nhiều thứ, bao gồm cả các hoạt náo viên. Những cô gái sẽ trải qua những buổi phỏng vấn, thử giọng để về sau họ có thể tương tác với truyền thông, báo chí được tốt hơn.
- Biểu cảm tốt: Trong giờ giải lao, ống kính máy quay thường chiếu rất sát vào hình ảnh các hoạt náo viên nên ngoài thực hiện những động tác vũ đạo, các cô gái còn phải có biểu cảm tươi tắn, ăn hình để tránh bị khán giả truyền hình chê bai.
- Phải chấp nhận lịch làm việc đột xuất: Ngoài việc xuất hiện trong các trận đấu của đội nhà, hoạt náo viên còn tham gia vào các sự kiện bất chợt mà đội bóng tổ chức. Bởi thế, họ phải chấp nhận lịch làm việc cơ động để có thể đi cùng đoàn trong những dịp này.
Công việc của hoạt náo viên NBA
Như đã nói ở trên, nhiệm vụ chính của hoạt náo viên là mang tới những màn biểu diễn nhằm khuấy động hội trường. Để có thể làm tròn vai, mỗi thành viên đều phải cho thấy khả năng vũ đạo và sức khỏe tốt.
Ngoài ra, cũng như một đội nhảy, từng người phải có ý thức cao về việc kết hợp, tập luyện các động tác khó và tạo nên đội hình đồng đều.
Tuy thường chỉ biểu diễn vào trước giờ thi đấu hoặc giờ nghỉ giải lao, thế nhưng cường độ làm việc của các cô gái là tương đối cao. Họ bị giới hạn bởi một số luật (sẽ nhắc kỹ hơn trong kỳ 2), ví dụ như luôn phải đứng trong thời gian thi đấu và sẵn sàng nhảy múa khuấy động khi cần, điều này khiến tình trạng cơ thể khá mệt mỏi.
Do cũng có sức ảnh hưởng nhất định về mặt hình ảnh mà các hoạt náo viên luôn nằm trong kế hoạch quảng bá của một đội bóng. Ngoài giờ biểu diễn, những cô gái có ngoại hình và nét mặt khả ái sẽ được cân nhắc lựa chọn để trở thành đại sứ thương hiệu cho đội bóng, hay cho một sự kiện đặc biệt nào đó do lãnh đạo đội bóng tổ chức. Công việc của họ sẽ là đi thiện nguyện tại các bệnh viện, tham gia các hoạt động cộng đồng và nhiều hơn nữa.
Ở giải bóng rổ NBA, hoạt náo viên cũng là một nguồn “tài nguyên” sinh lợi. Những video, hay những tấm ảnh chụp về họ được sử dụng trên các phương tiện truyền hình, truyền thông khi nói về các vấn đề có liên quan đến đội bóng chủ quản.
Đôi khi, những hình ảnh này còn được đem đi triển lãm. Các đội hoạt náo viên có trình độ cao thỉnh thoảng còn tham gia thi đấu với các nhóm khác để mang lại danh tiếng, vài khoản tiền thưởng, và cả những lợi ích đa dạng khác.
Gặt hái gì từ nghề hoạt náo viên?
Đối với những ai đam mê và vượt qua được những khó khăn, công việc này sẽ đem đến nhiều cơ hội để phát triển bản thân. Hầu hết những cô gái làm hoạt náo viên nhờ việc tập nhảy liên tục sẽ dấn sâu hơn vào con đường vũ đạo.
Ví dụ như các hoạt náo viên của Miami Heat từng tự gửi đi hình ảnh của mình tới các công ty giải trí và họ được mời tham gia những hợp đồng diễn trên một số show truyền hình như “So You Think You Can Dance” hay WWE...
Một số hoạt náo viên nếu thực sự xuất sắc sẽ được các biên đạo diễn clip âm nhạc hoặc điện ảnh chú ý. Họ sẽ giới thiệu các đội nhóm tới những người nổi tiếng để cân nhắc đưa hình ảnh của họ vào những tác phẩm mới.
Paula Abdul, ngôi sao nhạc pop và nhân vật truyền hình được ưa thích cũng từng xuất thân từ nghề hoạt náo viên. Cô được chú ý từ đội hình các cô gái Lakers thời điểm đội bóng Los Angeles Lakers đang cực kỳ thành công và được xem như đội mạnh nhất NBA.
Sau đó, Abdul được mời hợp tác trong nhiều sản phẩm giải trí, từng làm việc cùng với một số người nổi tiếng như Janet Jackson hay Arnold Schwarzenegger.
Ở trên là những mặt sáng của nghề hoạt náo viên, nhưng cũng giống như các công việc khác trong ngành giải trí, nó cũng bao gồm cả những mặt tối mà thường chỉ được chia sẻ qua những tâm sự thầm kín của các cô gái bỏ nghề.
(còn tiếp)