Phong độ của LeBron James và các huyền thoại NBA ở mùa giải thứ 15
Theo một nghiên cứu do chính ESPN thực hiện vào năm 2011, khoảng thời gian trung bình một cầu thủ thi đấu ở NBA là xấp xỉ 5 năm, tính luôn những cầu thủ chỉ thi đấu 1 năm rồi nghỉ hoặc sang những giải đấu khác. Để duy trì con số đó gấp ba lần, tức 15 năm thì cầu thủ đấy phải là một người có sức ảnh hưởng lớn ở NBA, giải đấu khắc nghiệt nhất hành tinh, nơi đòi hỏi cao về cường độ vận động, sức bùng nổ và sự bền bỉ. Chỉ có 151 cầu thủ trong lịch sử lâu đời của NBA đạt được cột mốc đó.
Những cầu thủ gần nhất đạt cột mốc 15 mùa giải ở NBA là Dwyane Wade, Zaza Pachulia, David West, Udonis Haslem, Kyle Korver, Carmelo Anthony và LeBron James.
Những cầu thủ có thâm niên 15 năm ở NBA xứng đáng được lưu danh lịch sử vì sự nghiệp bền bỉ của mình. Dĩ nhiên, những con người làm được điều này chắc chắn là những cầu thủ tài năng, có kỹ năng ưu tú và thể trạng dẻo dai. Việc trải qua nhiều mùa giải kéo dài 82 trận đấu và một số trận playoffs khiến cho sức lực của các cầu thủ NBA bị bào mòn khủng khiếp, nhưng vẫn có một số người có thể chống lại thời gian một cách thần kỳ.
Bài viết sẽ tập trung nói về LeBron James và những cầu thủ vẫn duy trì phong độ đỉnh cao trong mùa giải thứ 15 ở NBA. Dĩ nhiên, LeBron James vẫn nắm lợi thế lớn so với những người còn lại khi vào NBA năm 17 tuổi. Trong khi đó Charles Barkley, Hakeem Olajuwon và Tim Duncan mãi tới năm 21 tuổi mới xuất hiện ở NBA hoặc Kareem Abdul-Jabbar thậm chí tới 22 tuổi mới được khoác áo Milwaukee Bucks.
VI
Charles Barkley / Hakeem Olajuwon (1998-99)
Charles Barkley và Hakeem Olajuwon đã cùng nhau tỏa sáng trong mùa giải thứ 15 của mình.
Việc Clyde Drexler, người có trung bình 20,4 điểm trong sự nghiệp tuyên bố giải nghệ sau khi kết thúc mùa giải 1997-98, khiến cho Hakeem Olajuwon trở nên đơn độc dẫn dắt Houston Rockets khi bước vào mùa giải thứ 15 của mình. Để khỏa lấp khoảng trống mà Drexler để lại, Rockets đã mang về Scottie Pippen từ Chicago Bulls. Điều này giúp Rockets tạo nên bộ ba huyền thoại Hakeem Olajuwon, Scottie Pippen và Charles Barkley, người cũng đang có sự nghiệp thứ 15 ở NBA.
Mùa giải 1998-99 diễn ra ngoài mong đợi với Rockets với thành tích 31 thắng - 19 thua, đủ tốt giúp họ xếp hạt giống số 5 khu vực miền Tây và đủ điều kiện tham gia playoffs. Trong thời điểm đó, Olajuwon thi đấu tổng cộng 50 trận và Barkley cũng ra sân 42 lần, bất chấp các vấn đề liên quan đến chứng thoát vị đĩa đệm.
Dù không lọt vào đội hình phòng ngự tiêu biểu của mùa giải, nhưng Olajuwon vẫn đạt chỉ số phòng ngự đáng kinh ngạc với trung bình 2,5 blocks1 và 1,6 steals2 và Barkley thống trị khu vực dưới rổ với trung bình 12,2 rebounds3 mỗi trận, tốt thứ 2 giải đấu. Một điều thú vị là cả 2 cầu thủ này kết thúc mùa giải với chỉ số hiệu quả là 23,1 điểm, thành tích tốt thứ 3 trong số các cầu thủ thi đấu trong mùa giải thứ 15.
V
Tim Duncan (2011-12)
Tim Duncan trở thành tượng đài ở NBA sau quãng thời gian bền bỉ thi đấu.
Trong suốt nhiều năm qua, Tim Duncan đã trở thành tượng đài ở NBA về sự bền bỉ trong thi đấu. Cựu cầu thủ Spurs không bao giờ bỏ lỡ quá 20 trận trong một mùa giải. Thậm chí Tim Duncan chỉ ra sân từ băng ghế dự bị 3 trong tổng số 1.392 trận đấu trong suốt sự nghiệp và luôn dẫn dắt Spurs vào playoffs. Ngay cả trong mùa giải thứ 15 (2011-12), Tim Duncan vẫn có sức ảnh hưởng lớn lên lối chơi của Spurs cả trong tấn công lẫn phòng ngự.
Trong mùa giải 2011-12, Spurs kết thúc với kỷ lục 50 thắng - 16 thua, cùng với Duncan 35 tuổi dẫn đầu đội bóng về blocks và rebounds và là cầu thủ ghi điểm tốt thứ 2. Con số thống kê ở playoffs của Duncan thậm chí còn tốt hơn gấp bội với trung bình 18 điểm mỗi trận. Mặc dù Duncan không nhận được bất cứ giải thưởng cá nhân nào, nhưng sự xuất sắc trong tấn công lẫn phòng ngự của anh ấy xứng đáng được ca ngợi.
IV
Kareem Abdul-Jabbar (1983-84)
Kareem Abdul-Jabbar vẫn là cơn ác mộng với những trung phong khác trong mùa giải thứ 15.
Mùa giải 1983-84 đánh dấu lần thứ 15 liên tiếp Kareem Abdul-Jabbar có trung bình hơn 20,0 điểm và hơn 7,0 rebounds (chỉ có Karl Malone làm được điều tương tự). Tuyệt kỹ sky-hook4 của Kareem và nhãn quan chiến thuật của Magic Johnson vẫn luôn là những vấn đề đau đầu với các đội bóng mỗi khi đối mặt với Los Angeles Lakers.
Trong mùa giải năm đó, Lakers lần thứ ba liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng khu vực miền Tây ở Regular Season5. Ngoài ra, Kareem Abdul-Jabbar kết thúc mùa giải trong nhóm 10 cầu thủ dẫn đầu NBA về hiệu suất ném và blocks mổi trận.
Những trận đấu mà Lakers góp mặt thường kết thúc với trung bình 230 điểm. Phong cách chơi bóng của Lakers khi đó vừa hiệu quả, vừa bắt mắt. Lối chơi bóng đầy tốc độ giúp Lakers ở thời điểm đó sở hữu lượng khán giả đông đảo ở NBA.
Mặc dù thi đấu trong mùa giải thứ 15, Kareem vẫn là trung phong xuất sắc ở thời điểm đó.
III
Kobe Bryant (2010-11)
Kobe Bryant sẵn sàng thay đổi lối chơi để duy trì sự nghiệp đỉnh cao trong mùa giải thứ 15.
Một phần tư thế kỷ sau thời kỳ của Kareem Abdul-Jabbar, một huyền thoại khác của Lakers cũng bước vào mùa giải thứ 15 của mình. Mặc dù vừa dẫn dắt Lakers giành 2 chức vô địch NBA liên tiếp, nhưng giới chuyên môn đã đánh giá Kobe Bryant có những dấu hiệu cho thấy sự nghiệp bắt đầu đi xuống.
Thực tế điều đó không có gì sai khi Kobe Bryant đã trải qua một cuộc phẫu thuật đầu gối vào mùa hè trước đó. Nhưng Kobe Bryant đã chứng minh rằng những lo ngại đó trở nên thừa thãi với chính bản thân mình.
Kobe Bryant khôn khéo thích nghi với hoàn cảnh khi hạn chế những tình huống đột vào để úp rổ hoặc đánh cận rổ, thay vào đó những cú ném tầm trung được sử dụng ngày một nhiều hơn cùng sự chính xác cao.
Việc thay đổi phong cách chơi bóng trở nên hiệu quả đến không ngờ, Kobe Bryant bùng nổ không kém mùa giải 2007-08, năm mà anh ấy đạt danh hiệu MVP. Tuy về thứ 4 trong cuộc bình chọn danh hiệu MVP mùa giải, nhưng Kobe Bryant vẫn được an ủi bằng việc lọt vào đội hình phòng ngự của năm lần thứ 6.
Mùa giải thứ 15 trong sự nghiệp chính là chất xúc tác củng cố một chân trong ngôi đền huyền thoại Hall of Fame6 của Kobe Bryant.
II
Karl Malone (1999-2000)
Trong mùa giải thứ 15, Karl Malone chứng mình rằng tuổi tác chỉ là những con số.
Thật không may cho Karl Malone khi thi đấu cùng thời với Michael Jordan. Là cầu thủ ghi điểm nhiều thứ 2 trong lịch sử NBA, nhưng Malone chưa bao giờ được chạm tay vào chiếc cúp vô địch danh giá.
Karl Malone chính là nạn nhân nổi bật nhất của triều đại Michael Jordan.
Karl Malone cũng là cầu thủ lớn tuổi nhất trong lịch sử NBA đạt danh hiệu MVP mùa giải vào năm 1999, ở độ tuổi 35.
Bước vào mùa giải 1990-2000, mùa giải thứ 15 trong sự nghiệp NBA, Malone vẫn thể hiện phong độ đỉnh cao với việc thi đấu trung bình 36 phút mỗi trận, cùng 25,5 điểm và 9,5 rebounds.
Danh hiệu MVP mùa giải 1999-2000 tuy được trao cho Shaquille O'Neal, nhưng Malone vẫn để lại dấu ấn riêng khi trở thành cầu thủ duy nhất nằm trong Top 5 của cuộc bình chọn MVP ở độ tuổi 35.
Mặc dù không thể vô địch NBA, nhưng Malone đã chứng mình rằng với mình, tuổi tác chỉ là những con số.
I
LeBron James (2017-18)
LeBron James thậm chí ngày càng xuất sắc hơn trong mùa giải thứ 15.
Charles Barkley và Hakeem Olajuwon đã cùng nhau tỏa sáng lần cuối. Tim Duncan đã có mùa giải hiệu quả giúp Spurs lập kỷ lục 50 thắng - 16 thua. Kareem Abdul-Jabbar vẫn là trung phong vĩ đại nhất ở thời kỳ của mình. Kobe Bryant phải điều chỉnh lối chơi để duy trì đỉnh cao vinh quang. Karl Malone vẫn tiếp tục chứng minh sự đáng sợ trong lối chơi của mình. Nhưng không ai trong số những cầu thủ kể trên lại có mùa giải xuất sắc nhất trong sự nghiệp và dẫn dắt một đội bóng không thuộc loại khá vào NBA Finals như LeBron James.
Hãy nhìn vào những gì mà LeBron James đã làm được trong mùa giải lịch sử này:
- Lần đầu tiên thi đấu toàn bộ 82 trận trong mùa giải và dẫn đầu giải đấu về số phút thi đấu mỗi trận.
- Có trung bình 8,6 rebounds và 9,1 kiến tạo, đây đều là những con số thống kê tốt nhất trong sự nghiệp của LeBron.
- Dẫn đầu đội bóng của mình về điểm số, rebounds và kiến tạo trong mùa giải thứ 15.
- Đạt chỉ số hiệu quả là 28,6 điểm, tốt nhất trong số những cầu thủ đã từng thi đấu ở mùa giải thứ 15.
- Cầu thủ đầu tiên đạt cột mốc 30.000 điểm / 8.000 kiến tạo / 8.000 rebounds.
Ở tuổi 33, LeBron James đang đạt phong độ cao nhất trong sự nghiệp, một người khổng lồ vĩ đại cả về khía cạnh thể chất lẫn tinh thần.
1 Blocks: Chặn bóng
2 Steals: Cướp bóng
3 Rebounds: Bắt bóng bật bảng
4 Sky-hook: Kỹ năng dùng vai bảo vệ rổ và thả bóng lên cao từ bên hông để ghi điểm
5 Regular Season: Mùa giải chính thức, bao gồm 82 trận đấu
6 Hall of Fame: Ngôi đền lưu danh những huyền thoại của NBA nói riêng, và thể thao Mỹ nói chung