Những cuộc tranh luận kịch liệt ngoài LeBron James và Warriors mà người hâm mộ NBA từng chứng kiến
Tim Duncan đấu Shaquille O’Neal
Los Angeles Lakers thời Kobe-Shaq thống trị NBA với 3 năm vô địch liên tiếp và bị chính đối thủ San Antonio Spurs chặn đứngs mạch thắng. 2 đội bóng mạnh này đã thường xuyên trở thành kỳ phùng địch thủ ở khu vực miền Tây nói riêng và NBA nói chung. Cũng do đó mà không tránh được việc so sánh giữa 2 big man siêu sao, Shaq và Duncan.
Khác với cặp Kobe và Tracy khá giống nhau ở phong cách thì cặp Shaq – Duncan lại sở hữu lối chơi khác nhau. Shaq tận dụng sức mạnh và có xu hướng đánh sâu ở khu vực dưới rổ. Duncan thì sử dụng kỹ thuật trong các pha đánh post hay ném rổ tầm trung. Shaq chơi ở vị trí trung phong còn Duncan vẫn xuất phát với vị trí tiền phong.
Xét về thời điểm đỉnh cao, nhiều người cho rằng Shaq đáng gờm hơn. Kể từ khi gia nhập NBA, anh đã tạo ra vô số chấn động. Trước khi giành 3 chức vô địch liên tiếp với Lakers, Shaq cũng từng đưa Orlando Magic một lần tiến vào chung kết NBA.
Nhưng độ bền bỉ và khả năng phòng ngự của Duncan lại là điểm gỡ hòa của anh. Cả hai đều chơi 19 năm trong giải đấu, nhưng Duncan đã chơi nhiều hơn gần 200 trận. Bên cạnh đó, Duncan là cầu thủ phòng ngự có sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn, và anh vẫn duy trì được sức mạnh phòng thủ của mình trong suốt mùa giải cuối cùng của sự nghiệp - điều mà O'Neal không thể so được.
Có thể nói, so sánh Shaq và Duncan thú vị hơn khi so sánh James và Kobe. 2 người có những thống kê ngang ngửa nhau như số lần vô địch NBA ( Shaq 4 Duncan 5), số lần tham dự Play-off (Duncan 18 Shaq 17), số lần góp mặt All-Star (cùng 15), cả 2 cùng có 3 lần đoạt MVP Chung kết, Shaq 1 lần MVP mùa giải và Duncan là 2. Ngoài ra, họ đều được bình chọn danh hiệu Tân binh của năm và có số lần không chênh lệch đứng trong đội hình tiêu biểu NBA.
Trong khi Shaq chiếm ưu thế trong các chỉ số cá nhân như trung bình điểm số, rebound, steal, block trong mỗi trận đấu, Duncan lại nắm chỉ số win share (đóng góp thắng lợi) tốt hơn.
Kobe đỉnh cao đấu với Wade đỉnh cao
Ai là cầu thủ giỏi hơn trong thời kỳ đỉnh cao của họ? Một câu hỏi khá thú vị và cho ra câu trả lời bất ngờ.
Sự bền bỉ và kỹ năng tổng thể của Kobe mang lại cho anh một số lợi thế hơn Wade, nhưng khi cả hai làm tốt nhất công việc của mình, hiệu quả của họ không có nhiều chênh lệch.
Nếu so sánh mùa giải 2008 MVP của Kobe với mùa giải tốt nhất của Wade (mùa 2008-09), Wade có ưu thế vượt trội trong nhiều danh mục bao gồm thống kê trung bình trận về các mặt ghi điểm, kiến tạo, steal, rebound, thậm chí cả về các chỉ số WinShare, Box Plus/Minus và VORP.
Trên thực tế, trong suốt sự nghiệp của mình, Kobe chưa bao giờ có một mùa giải mà trong đó các chỉ số cá nhân hay đóng góp tập thể lại toàn diện được bằng mùa tốt nhất của Wade.
Theo cách nhìn của nhiều người, Kobe vẫn hơn hẳn vì anh có 5 nhẫn vô địch cùng 1 số kỷ lục như 82 điểm/trận, hay 12 quả 3 điểm trong một trận. Hóa ra, khoảng cách giữa 2 người gần hơn nhiều nếu đo đếm bằng thông số.
Tony Parker đấu Manu Ginobily
Thật lạ khi so sánh 2 đồng đội của nhau trong màu áo San Antonio Spurs. Những lập luận so sánh xuất hiện kể từ khi người hâm mộ chứng kiến sự hy sinh và cống hiến của Ginobili khi anh thường đóng góp lớn với vai trò dự bị trong hầu hết sự nghiệp của mình tại Spurs. Nói về độ yêu thích, cũng rất khó để nói rằng ai trong số họ chiếm nhiều cảm tình fan hâm mộ hơn.
Parker đã giành được nhiều danh hiệu như 1 lần MVP chung kết, 6 lần xuất hiện trong All-Star, 3 lần góp mặt trong đội hình tiêu biểu 2 toàn NBA. Ginobily có lợi thế hơn Parker trong các chỉ số thống kê liên quan tới các màn trình diễn cá nhân, nhưng Parker lại có chỉ số win share cao hơn.
Cả 2 đều đóng góp 4 chức vô địch cho Spurs. Khi được hỏi, chính Ginobily cũng đã chia sẻ “Parker giữ được sự ổn định và nhất quán hơn. Đôi khi tôi lại có hiệu quả hơn nhiều ở những khoảng thi đấu ngắn”.
Chris Paul đấu Isiah Thomas (Pistons)
Ban đầu ít ai nghĩ tới việc so sánh 2 cầu thủ có thời gian thi đấu cách nhau tới 20 năm này. Tuy nhiên, do số liệu thống kê về Paul và Thomas tình cờ được phát hiện khá tương đồng với nhau nên đã bắt đầu xuất hiện những cuộc tranh luận.
Paul hào hoa, lối chơi đẹp mắt, lại có chỉ số cá nhân cao hơn hẳn Thomas trong các khía cạnh ghi điểm, rebound, kiến tạo và cả chỉ số đóng góp tập thể. Tuy nhiên, Paul chưa một lần tham dự chung kết khu vực trong khi Thomas đã 2 lần giúp Detroit Pistons bước lên đỉnh cao nhất.
Thời đại của Thomas đã luôn phải cạnh tranh với Boston Celtics của Larry Bird, L.A Lakers của Magic Johnson và cả Chicago Bulls của Michael Jordan. Cho đến thời điểm của Stephen Curry năm 2015, Thomas là hậu vệ dẫn bóng gần nhất đóng vai trò số 1 trong đội hình của một tập thể vô địch. Ảnh hưởng của Thomas dường như đã rõ ràng hơn hẳn so với Chris Paul.