Tìm hiểu về buyout, khái niệm có thể làm thay đổi sức mạnh các đội bóng trước thềm Playoffs
"Buyout” là khái niệm rất phổ biến tại NBA, đặc biệt là ở các luồng thông tin liên quan đến chuyển nhượng cầu thủ. Các khái niệm liên quan đến buyout cũng không quá phức tạp, tuy nhiên chúng thường có nhiều biến thể và được áp dụng khác nhau trong một vài trường hợp.
Để tìm hiểu kỹ hơn về buyout, hãy cùng giải đáp một loạt những câu hỏi về khái niệm thường được gọi là “thanh lý hợp đồng” này.
Buyout có nghĩa là gì?
Vì lý do này hay lý do khác, một cầu thủ không còn muốn gắn bó với đội bóng hoặc ngược lại. Dưới đây là một vài trường hợp:
- Khi đội bóng mang cầu thủ về trong một thương vụ trao đổi với vai trò cầu thủ gắn kèm, cá nhân này không có trong kế hoạch dùng người hoặc phát triển lâu dài của đội bóng.
- Khi đội bóng ký hợp đồng với cầu thủ nhưng nhận được những màn trình diễn tệ hơn kỳ vọng.
- Khi đội bóng không thể trao đổi cầu thủ để lấy về những mảnh ghép mà họ mong muốn. Song song đó, cầu thủ này cũng muốn ra đi.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Khi đội bóng và cầu thủ muốn “đường ai nấy đi”, cả hai sẽ ngồi vào bàn đàm phán để tìm lối thoát cho cả hai. Khi ký hợp đồng, hai bên đều có những quyền lợi của mình. Vì vậy đến lúc thanh lý hợp đồng, một phần quyền lợi của cả hai bên sẽ phải bị hy sinh. Đa phần, tiền lương là thứ được nhắc đến nhiều nhất.
Đôi khi, cầu thủ sẵn sàng bỏ hoàn toàn số tiền lương trong khoảng thời gian còn lại của mùa giải chỉ để trở thành cầu thủ tự do và ra đi. Nhưng cũng có lúc, đội bóng vẫn phải trả lương cho cầu thủ chỉ để anh này rời khỏi đội.
Một trong những ví dụ gần đây nhất là Carmelo Anthony. Mùa hè vừa qua, cựu siêu sao này được trade từ Oklahoma City Thunder đến Atlanta Hawks.
Vì biết rằng Anthony chắc chắn sẽ ra đi để đến Houston Rockets, Atlanta Hawks cùng với Carmelo đã đàm phán để thanh lý hợp đồng với mức lương lên đến gần 28 triệu đôla còn lại. Cuối cùng, Atlanta Hawks đã đàm phán con số này xuống còn 25 triệu đôla, đồng nghĩa với việc Anthony dù chẳng thi đấu phút nào cho Hawks nhưng vẫn được nhận mức lương cực khủng cho mùa giải năm nay.
Trở lại với các khái niệm, cầu thủ sau khi đạt thoả thuận buyout với đội bóng sẽ phải đợi 48 tiếng. Khoảng thời gian này được gọi là waivers.
Waivers là gì?
Trong 48 giờ đồng hồ này, các đội bóng khác có thể “cuỗm” lấy cầu thủ bằng cách đấu giá.
Tiếp tục lấy trường hợp của Anthony làm ví dụ, anh thỏa thuận với Hawks để buyout ở mức lương 25 triệu đôla. Ngay khi thông báo điều này lên văn phòng của NBA, các đội bóng cũng sẽ được báo tin và có thể ra giá tốt hơn để lấy Carmelo Anthony về đội.
Lịch sử NBA đã chứng kiến một vài thương vụ thành công. Tuy nhiên càng về sau, điều này càng hiếm xảy ra vì các đội bóng thường ít mặn mà ở khoảng 48 tiếng waivers này.
Sau khi hoàn tất việc chờ đợi 48 giờ này (thường được gọi là clear waivers), cầu thủ được thanh lý hợp đồng sẽ chính thức trở thành cầu thủ tự do (unrestricted free agent) và có thể ký hợp đồng mới với bất kỳ đội bóng nào.
Buyout market là gì?
Các cầu thủ sau khi được buyout ở giai đoạn giữa mùa giải về lý thuyết vẫn là cầu thủ tự do, nhưng các cầu thủ này thường được gom vào một nhóm và gọi là các cầu thủ thuộc nhóm buyout market.
Các đội bóng sau khi hoàn tất việc mua sắm ở Trade Deadline sẽ hướng về buyout market để tìm kiếm thêm những mảnh ghép chất lượng cho mình.
Các đội bóng Playoffs như Houston Rockets hay Boston Celtics sẽ phải tìm thêm những cái tên chất lượng để gia cố chiều sâu đội hình thông qua buyout market. Ngoài ra, một số tập thể cần những cầu thủ kỳ cựu để kèm cặp các cầu thủ trẻ cũng có thể tham khảo sự lựa chọn từ đây.
Thêm một ví dụ khác vừa diễn ra để hiểu rõ hơn là Wesley Matthews, cái tên được gắn kèm vào thương vụ trao đổi bom tấn liên quan đến “kỳ lân" Kristaps Porzingis.
New York Knicks có được Wesley Matthews thông qua thương vụ này, nhưng họ chẳng có ý định sử dụng anh vì Knicks không hướng đến mục tiêu Playoffs. Bản thân Matthews cũng là cầu thủ chất lượng, vì vậy cả hai tìm cho nhau lối đi chung bằng cách thanh lý hợp đồng.
Theo hợp đồng trước đó, Matthews còn khoảng 18 triệu đôla tiền lương cho giai đoạn còn lại của mùa giải, vì vậy Knicks sẵn sàng trích quỹ 18 triệu đôla để chi trả cho Matthews. Đây là điều đã xảy ra tương tự với Derrick Rose cách đây 2 năm. Sau khi clear waivers, Wesley Matthews đã trở thành cầu thủ tự do và hiện nay anh đã cập bến Indiana Pacers, trở thành sự bổ sung vô cùng quan trọng với tập thể vừa mất ngôi sao lớn nhất đội là Victor Oladipo.
Vậy thị trường buyout sẽ kéo dài đến khi nào?
Về lý thuyết, thị trường buyout không có thời hạn và thường nhộn nhịp nhất vào khoảng thời gian sau Trade Deadline. Đây là thời điểm các đội bóng có mục tiêu Playoffs hoặc cạnh tranh chức vô địch muốn gia tăng sức mạnh đội hình.
Mặc dù vậy, có một thời hạn ảo cho thị trường chuyển nhượng đặc biệt này là ngày 1/3 hằng năm (theo giờ Mỹ). Đây là ngày cuối cùng các đội bóng phải chốt danh sách các cầu thủ để tham dự vòng Playoffs. Vì vậy, nếu muốn có một cái tên nhất định nào đó trên thị trường để chinh chiến trong giai đoạn postseason, đội bóng phải hoàn tất mọi thủ tục ký kết hợp đồng trước ngày 1/3.
Những cái tên nào đang “hot” nhất trên thị trường buyout?
Hiện nay, rất nhiều cầu thủ có giá trị sử dụng nhưng vẫn đang thất nghiệp như Carmelo Anthony, trung phong Robin Lopez, tay ném Wayne Ellington, bộ đôi bigman kỳ cựu Marcin Gortat và Greg Monroe... Những cái tên này đều có khả năng đóng góp cho các tập thể có mục tiêu cao ở vòng Playoffs sắp tới.