Bất động sản tại Rio lên cơn sốt sau Olympic 2016
Bên cạnh việc tổ chức thành công Olympic 2016, thành phố Rio de Janeiro còn có thêm một lý do nữa để ăn mừng.
Theo nghiên cứu của hãng thống kê Savills, Rio de Janeiro là thành phố có mức độ tăng trưởng giá nhà đất cao nhất trong số 6 thành phố đăng cai Olympic từ năm 2008 đến nay, gồm: Rio de Janeiro, Athens, London, Bắc Kinh, Sydney và Tokyo, thành phố chủ nhà của Olympic 2020.
Giá nhà đất ở Rio de Janeiro đã tăng lên 216%, từ 430,5 USD/m2 (năm 2008) lên 1.400 USD/m2 (năm 2016), đánh dấu thời kỳ hoàng kim nhất của thị trường nhà đất tại thành phố này sau quãng thời gian dài khủng hoảng kinh tế, khiến cho giá nhà đất giảm 4% từ tháng 6/2015 đến tháng 6/2016.
Sydney, chủ nhà của Olympic 2000, là thành phố có mức tăng trưởng giá nhà đất cao thứ 2 với 125%, cán mức 6.566 USD/m2. Trong khi đó, dù chỉ đứng ở vị trí thứ 3 nếu xét về mức tăng trưởng giá nhà đất (79%), London lại là thành phố đắt đỏ nhất về nhà đất với mức giá 15.069 USD/m2, gấp hơn 10 lần so với giá thành nhà ở tại thành phố chủ nhà của Olympic 2016 – Rio de Janeiro.
Tình từ thời điểm Olympic 2008 được tổ chức, giá nhà đất tại Bắc Kinh đã tăng thêm 74%, trong đó, riêng năm 2016 là 17%. Theo các chuyên gia địa ốc, sự tăng trưởng này có được là nhờ hàng loạt các chính sách kích thích kinh tế, tác động tích cực lên cả khối lượng giao dịch cũng như giá cả nhà đất tại Bắc Kinh từ cuối năm 2014.
Trái ngược với các thành phố trên, Athens (Hy Lạp) đang chứng kiến sự sụt giảm giá nhà đất kể từ năm 2008 đến nay. Hiện tại, giá thành nhà đất tại Athens rơi vào khoảng 1.937 USD/m2, giảm 43% so với thời điểm cách đây 8 năm.
Tại thành phố chủ nhà của Olympic 2020 - Tokyo, giá thành để mua một mảnh đất rơi vào khoảng 11.840 USD/m2, đắt thứ hai chỉ sau London. Theo Savills, chính sách Abenomics đã thúc đẩy, tăng cường số lượng các công trình mới được xây, góp phần kích thích sự tăng trưởng trong giá thành nhà đất tại Tokyo. So với năm 2008, tỷ lệ tăng trưởng giá nhà đất của Tokyo đã tăng lên 6%.
Tại Tokyo 2020, hầu hết các công trình mới sẽ được xây dựng ở Vịnh Tokyo. Savills cho biết việc tổ chức một kỳ Olympic chính là chất xúc tác, thúc đẩy sự phát triển ở vùng đất vốn bị bỏ qua từ lâu này.
Cách đây gần 3 năm, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công bố chương trình kích thích kinh tế mang chính tên của ông - Abenomics với “3 mũi tên thần kỳ” gồm: Biện pháp tiền tệ mạnh mẽ, biện pháp tài chính linh động và chiến lược tăng trưởng để vực dậy sự đầu tư của khu vực tư nhân.
Ý tưởng cơ bản của Abenomics là thông qua “chính sách tiền tệ táo bạo” (mũi tên thứ nhất) nhằm xoay chuyển dự báo giảm phát trong nền kinh tế Nhật Bản; “chính sách tài chính linh hoạt” (mũi tên thứ 2) để nâng cao nhu cầu thực tế, xóa bỏ lỗ hổng cung cầu, đồng thời với nỗ lực thoát khỏi giảm phát; “chiến lược tăng trưởng kêu gọi đầu tư từ khu vực tư nhân” (mũi tên thứ 3) nhằm thúc đẩy tăng trưởng, khơi dậy sức sống kinh tế và xã hội.