Chuyện về những "người phụ nữ to xác" tại các kỳ Olympic
Các VĐV Olympic chính là minh chứng rõ nhất về giới hạn khả năng của con người. Từng múi cơ trên cơ thể đều góp phần phát huy tối đa khả năng của các VĐV tới môn thể thao mà họ tập luyện và thi đấu. Tuy nhiên, đối với các VĐV nữ, dấn thân vào thể thao đồng nghĩa với việc chấp nhận sự thiệt thòi về nhan sắc và vóc dáng.
Tại Rio 2016, Michelle Carter đã viết thêm một trang mới trong lịch sử Olympic khi trở thành nữ VĐV Mỹ đầu tiên giành HCV ở nội dung ném tạ tại một kỳ Thế vận hội. Tuy nhiên, niềm vui chiến thắng cũng mang đến cho Carter một nỗi lo: Liệu ai sẽ tiếp bước cô khi mà số lượng những cô gái đam mê môn thể thao này đang ngày càng sụt giảm.
“Rất nhiều bạn nữ đang cảm thấy e dè với môn thể thao này vì trông nó không nữ tính một chút nào cả”. Michelle Carter cho biết. “Thật không dễ dàng để thuyết phục các VĐV trẻ và giúp họ nhận ra rằng, con gái cũng có thể sở hữu thân hình vạm vỡ như những nam VĐV”.
Việc sở hữu một thân hình vạm vỡ và đồ sộ là điều mà “phái yếu” không bao giờ hướng tới. Tuy nhiên, điều đó là vô cùng cần thiết nếu họ muốn cầm một quả tạ sắt và ném đi với khoảng cách 20,63m, giống như những gì mà Carter đã làm được tại Rio 2016.
“Bạn cần phải hiểu, cơ thể mỗi người được rèn luyện để phục vụ cho một mục đích nào đó. Tôi cho rằng, những người phụ nữ trên thế giới này chỉ hướng tới một kiểu dáng nhất định, trong khi có rất nhiều hình mẫu khác mà họ có thể theo đuổi”, Carter chia sẻ.
Nhà vô địch Rio 2016 luôn có một cái nhìn lạc quan về cuộc sống. Ngoài khả năng thiên phú về ném tạ, Michelle Carter còn là một nghệ sĩ trang điểm chuyên nghiệp. Do đó, mọi người không còn xa lạ với hình ảnh Carter đánh son hay kẹp đôi lông mi giả trước khi ra sân thi đấu. Tuy nhiên, để truyền sự lạc quan đó tới các VĐV trẻ, thậm chí khiến họ gắn bó lâu dài với môn thể thao này là một công việc hết sức khó khăn.
Bản thân các VĐV ném tạ sắt còn phải đối mặt với vô vàn những khó khăn và thiệt thòi. Năm 2012, VĐV Jillian Camarena-Williams từng bày tỏ những khó khăn của cô khi phải đi hẹn hò trong một thân hình vạm vỡ và nam tính.
“Không phải ai cũng có thể chia sẻ với chúng tôi điều đó. Thật khó khăn mỗi khi hàng ngày phải đứng lên bàn cân rồi sau đó thốt lên câu ‘Trời đất ơi!'. Mọi người nhìn chúng tôi giống như những mụ đàn bà to xác và hiếu chiến”, Camarena-Williams ngậm ngùi. “Chúng tôi không phải biểu tượng cho sự hung bạo. Để có thể chơi được môn thể thao này, bạn cần phải có sức khỏe, tốc độ và sự dẻo dai. Điều đó mang lại rất nhiều lợi ích cho chúng tôi hơn là việc chỉ trở thành những người phụ nữ to xác”.
Không chỉ ở nội dung ném tạ sắt, các nữ VĐV ném lao, ném búa hay ném đĩa đều phải sở hữu một thân hình cơ bắp nếu như muốn thành công trong sự nghiệp.
Nữ VĐV ném búa Amber Campbell cho biết, cô đã phải mất rất nhiều thời gian để làm quen với ngoại hình của chính mình. “Điều quan trọng không nằm ở vẻ bề ngoài, mà nằm ở nhận thức của mỗi người. Tôi luôn tự tin đứng trước gương và nói rằng, Chúa đã ban cho tôi một sức khỏe tuyệt vời”.
Đối với những người như Michelle Carter, Camarena-Williams hay Amber Campbell, vẻ đẹp của người phụ nữ không phải để khoe trên các trang bìa tạp chí. Một VĐV đẹp là khi họ thể hiện được khả năng của mình, dù ở môn chạy, bơi lội, ném tạ sắt hay bất kỳ môn thể thao nào khác.
“Hy vọng rằng những nữ VĐV có thân hình vạm vỡ như chúng rôi sẽ sớm nhận được sự ủng hộ của tất cả mọi người”, Michelle Carter tâm sự.