Hoàng Thị Duyên - Đằng sau thảm đấu Olympic là những đêm trằn trọc của mẹ
Tham dự Olympic luôn là giấc mơ lớn của những VĐV. Hoàng Thị Duyên cũng vậy. Ngay sau chiến dịch thành công ở SEA Games 30 tại Philippines vào tháng 9/2019, cô cùng các đồng nghiệp tất tả hướng đến Thế vận hội ở Tokyo.
Duyên, Huyền và Thạch Kim Tuấn gạt bỏ cái Tết đầy ấm bên gia đình năm đó để sang Roma tranh tài, qua đó tích lũy điểm số. Đó cũng là lúc, họ gạt sang nỗi nhớ nhà, những hương vị Tết quê hương cho mục tiêu lớn là Olympic.
Với cô gái quê Lào Cai, Tết còn là dịp đặc biệt để cùng chìm vào những lễ hội, phong tục tập quán của dân tộc Giáy. Bởi thế, khi con xa nhà dịp Tết lần đầu tiên vì sự nghiệp thể thao, bà Lù Thị Giầu không khỏi xúc cảm khó tả.
Thứ cảm xúc đó càng trỗi dậy mạnh mẽ tại Olympic 2021 lần này. “Tôi hồi hộp lắm, lo lắng lắm. Cứ ngày đêm mong chờ đến thời điểm Duyên thi đấu”, bà Giầu thổ lộ. Gia đình Duyên có 4 anh em, cô là con gái duy nhất trong gia đình. Với bà Giầu, Duyên luôn là đứa con bé bỏng. Ở tuổi 25 song bà vẫn lo từng chút một.
“Tôi hay mất ngủ, thường xuyên thức giấc nửa đêm trước ngày Duyên thi đấu”, bà Giầu giãi bày. Ấy thế, để làm điểm tựa cho con gái, bà Giầu giấu cảm xúc đó, động viên Duyên. “Duyên cũng hay gọi về nhưng mấy lần sóng yếu, hai mẹ con không nói được nhiều. Tôi cũng không dám gọi cho Duyên mà chỉ nhắn tin động viên con có sức khỏe, tinh thần tốt để thi đấu hết sức mình”, mẹ Duyên chia sẻ.
Ngày 27/7/2021 là ngày khó quên với cả gia đình khi Hoàng Thị Duyên bước lên thảm đấu ở Olympic 2021, đấu trường mà mọi VĐV mơ ước chạm tới. “Gia đình gọi mấy chị em đến nhà cùng nhau xem để cổ vũ cho Duyên”, bà Giầu nói. Dù Duyên không thể giành kết quả tốt nhưng cô gái sinh năm 1996 vẫn là niềm tự hào của bà con dân tộc Giáy ở Lào Cai.
Duyên sinh ra và lớn lên ở xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai. Nhà có 3 anh em và cô là con gái duy nhất, sinh thứ 2. Lúc nhỏ gia đình rất vất vả, bố mẹ thường phải đi làm xa kiếm tiền nuôi 3 anh em ăn học. Bà Giầu buôn bán nhỏ lẻ chăn vải ở chợ Sapa, sau đó chuyển sang bán buôn rau cỏ và thường xuyên phải đi lại qua cửa khẩu.
Nhiều lần bố mẹ làm xa không về thì 3 anh em nương tựa vào nhau sống. Dù là con gái nhưng khi bé, Duyên cũng phải làm những việc nặng nhọc, như gánh củi, gánh nước, ra đồng cấy, gặt, chăn trâu hay đi cắt cỏ làm thức ăn nuôi cá... Hiện tại nhà Duyên vẫn buôn bán rau và mọi thứ cũng dần ổn hơn trước, không còn quá vất vả cực nhọc nữa.
Đến với môn đấu khô khan và cực nhọc như cử tạ, Duyên cũng phải vượt qua nhiều lần đấu tranh tư tưởng. Năm lớp 7, cô bị gia đình ngăn cấm và phải trốn đi tập tạ. Bà Giầu cùng chồng đã kịch liệt phản đối suốt khoảng thời gian dài. Sau đó thầy huấn luyện viên và Duyên liên tục tìm cách thuyết phục. Bản thân cô cũng luôn cố gắng tập luyện, nỗ lực hết sức thi đấu giải trong nước mang về tấm huy chương cho bố mẹ tin tưởng, chấp nhận cho theo cử tạ.
“Năm 2017, Duyên tâm sự tập luyện bị đau đầu gối, tôi lo lắm. Do Duyên đi từ nhỏ rồi mà giờ giữa chừng kêu bỏ thì cũng đắn đo. Tôi không biết nghĩ sao để tâm sự vừa ý với Duyên. Tôi nghĩ đi nghĩ lại, bảo con gái thành tích quan trọng nhưng sức khỏe quan trọng, nếu con không theo đuổi được, con có thể về nhà. Tâm sự như thế để Duyên có chỗ dựa, yên tâm. Duyên không nói gì. Mấy hôm sau gọi điện bảo Duyên, Duyên bảo để suy nghĩ rồi tiếp tục với cử tạ”, bà Giầu kể lại.
Trải qua những khó khăn và vượt qua nút thắt sự nghiệp, Hoàng Thị Duyên vẫn ý chí, nghị lực để tiếp bước con đường cử tạ. Dù thi đấu không thành công ở Olympic 2021 nhưng đó là trải nghiệm quý giá để cô gái sinh năm 1996 có hành trang vững vàng hơn cho chặng đường sắp tới.