Kiếm thủ Vũ Thành An: Hy vọng kỳ tích tại Rio 2016
Vũ Thành An - tuyển thủ điển trai nhất đoàn TTVN chia sẻ quyết tâm trước giờ lên đường, khi được chọn là người cầm cờ cho đoàn tại lễ khai mạc Olympic 2016.
Năm 15 tuổi, Vũ Thành An lọt vào mắt xanh của các HLV đội đấu kiếm Hà Nội trong một lần tuyển chọn vào mùa hè năm 2007. Trước đó, Thành An mới chỉ biết làm bạn với... bóng đá và đấu kiếm là môn thể thao còn nằm ngoài tầm với của cậu bé khi ấy. Những ngày đầu tiếp xúc, HLV Nguyễn Lê Bá Quang đã nhận xét Thành An có ưu điểm về chiều cao và phản xạ tốt.
Đam mê với kiếm chém
Sự khởi đầu bao giờ cũng khó khăn. Bắt tay vào làm quen với môi trường mới khiến Thành An không khỏi cảm thấy bỡ ngỡ. Từ cậu bé chỉ biết học văn hóa và vô tư chơi bóng đá, Thành An biến chuyển thành một vận động viên ăn tập kỷ luật. Cậu đều phải học cách làm quen từ tác phong, giờ giấc sinh hoạt, chế độ ăn uống, cho đến nơi ở mới.
“Tôi chọn môn đấu kiếm bởi vì đấy là niềm đam mê từ nhỏ. Tôi muốn chơi môn gì đó liên quan đến kiếm. Trong ba nội dung kiếm chém, kiếm ba cạnh và kiếm liễu, tôi chọn kiếm chém bởi vì một phần do cơ duyên các thầy chọn, một phần tôi có niềm hứng thú đặc biệt với nội dung này”, An cho biết.
Tại SEA Games 26, Thành An giành HCB ngay trong lần đầu tham dự khi mới 19 tuổi. Bốn năm sau (môn đấu kiếm không được đưa vào thi đấu ở kỳ SEA Games 27), Thành An mang về cho Tổ quốc “cú đúp” HCV ở cả hai nội dung kiếm chém cá nhân và đồng đội.
Tuy nhiên, quá trình đi lên của Thành An không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Có lúc Thành An cảm thấy như bế tắc vì bản thân tiến bộ một cách chậm chạp.
Con đường thành công không bằng phẳng
“Trong một vài năm đầu tập kiếm, tôi chưa thể nào tìm được phương hướng chính xác để có những bước tiến bộ nhanh trong đấu kiếm. Điều này khiến tôi rất buồn”, VĐV sinh năm 1992 này chia sẻ. “Các thầy, mỗi người có một ý nghĩa quan trọng riêng trong sự nghiệp của tôi nhưng người mà có tác động thay đổi lớn nhất là thầy Sergey, HLV người Nga đang dạy tôi bây giờ. Thời điểm tôi còn đang loay hoay, chưa định hướng được rõ phải làm gì thì thầy đã cho tôi thấy một hy vọng rất lớn, thay đổi hoàn toàn sự nghiệp của tôi”.
Trong kiếm chém, tốc độ là chủ đạo và đây cũng chính là ưu điểm của Thành An. Mặc dù vậy, anh tự nhận thấy cần phải cải thiện về kinh nghiệm thực chiến với mọi lối đánh, mọi đối thủ. Trong suốt một năm vừa qua, Thành An chủ yếu đi thi đấu để nâng cao kinh nghiệm thực chiến.
Tháng 4 vừa rồi, Vũ Thành An đã trở thành kiếm thủ Việt Nam đầu tiên giành huy chương cá nhân (HCĐ) tại Giải vô địch châu Á ở nội dung kiếm chém nam.
Hi vọng tạo ra kỳ tích
Để đương đầu với các đối thủ xuất sắc nhất thế giới ở Olympic, Thành An và các đồng đội không còn cách nào khác là phải đổ mồ hôi trên “thao trường”. Do môn đấu kiếm phải có giáp bảo vệ nên việc tập luyện vào những ngày hè nắng đỏ lửa ở miền Bắc rất cực.
Trong các buổi luyện tập, Thành An và các đồng đội phải mặc tới 3 lớp giáp. Những buổi tập với cường độ cao khiến các kiếm thủ mất rất nhiều nước và xuống sức nhanh.
Thành An hy vọng những nỗ lực ấy sẽ được tưởng thưởng: “Trong kỳ Olympic đầu tiên, tôi sẽ chiến đấu hết sức mình, hy vọng có thể tạo ra kỳ tích. Hiện tại, tôi có một vài chấn thương đặc thù không đáng kể. Quá trình chuẩn bị của tôi khá tốt. Trước khi lên đường, tôi đã tham dự 2 giải Grand Prix thuộc hệ thống thế giới tại Hàn Quốc (nơi Thành An giành đủ đểm dự Olympic) và Nga (cuối tháng 5 khi loại đối thủ Nga nhưng thua Hàn Quốc ở vòng 1/32). Đối thủ chính sắp tới của tôi là VĐV người Mỹ hạng 11 thế giới. Mục tiêu của tôi trước hết là chiến thắng VĐV này và vào sâu nhất có thể”.
Ảnh: Hải Đăng
Một số cột mốc đáng chú ý của Vũ Thành An (Sinh năm 1992 ở Hà Nội):
- HCB SEA Games 26 trong lần đầu tham dự.
- HCV SEA Games 28 ở nội dung kiếm chém cá nhân và đồng đội.
- HCV Giải U.23 châu Á nội dung kiếm chém.
- HCĐ Giải vô địch châu Á nội dung kiếm chém
Bạn có biết?
Kiếm thủ Nguyễn Tiến Nhật, nhà vô địch SEA Games 28 là người cầm cờ cho đoàn TTVN tại Olympic 2012 (London).
Danh sách các VĐV đội tuyển đấu kiếm tham dự Olympic 2016:
Vũ Thành An (kiếm chém)
Nguyễn Thị Lệ Dung (kiếm chém)
Đỗ Thị Anh (kiếm liễu)
Nguyễn Thị Như Hoa (kiếm ba cạnh)