Nữ võ sĩ Thái Lan phá vỡ "giới hạn" của thể thao Đông Nam Á ở Olympic
Kể từ khi Olympic ra đời vào năm 1896, thể thao Đông Nam Á mất thời gian dài mới có VĐV đứng trên bục vinh quang. Philippines là quốc gia góp mặt sớm nhất vào năm 1924. Trong suốt chiều dài hơn nửa thế kỷ, các quốc gia khu vực không có nổi một VĐV nào đoạt HCV, chỉ thỉnh thoảng có các VĐV đứng trong Top 3.
Phải đến năm 1992, Đông Nam Á mới ca khúc khải hoàn khi hai tay vợt Susi Susanti và Alan Budikusuma của Indonesia mang về hai tấm HCV ở môn cầu lông.
Từ đó đến trước Thế vận hội Paris 2024, thể thao khu vực còn có thêm 19 HCV. Và 19 tấm HCV này chia đều cho các VĐV khác nhau. Không có bất kỳ ai có thể đứng ra bảo vệ thành công ngôi vị số 1. Và cũng chưa từng có VĐV nào đoạt 2 tấm HCV.
Những giới hạn này dần bị phá vỡ tại Paris. Carlo Yulo trở thành VĐV đầu tiên đoạt hai HCV và ở cùng một kỳ Thế vận hội. Hoàng tử TDDC Philippines gây địa chấn khi đoạt HCV ở nội dung sàn và nhảy chống.
Chỉ ít ngày sau, nữ võ sĩ Panipak của Thái Lan phá vỡ giới hạn khác khi cô trở thành VĐV Đông Nam Á đầu tiên bảo vệ thành công tấm HCV. Ở hạng cân 49kg nữ môn taekwondo, Panipak vẫn chưa có đối thủ suốt 4 năm qua.
Thái Lan cũng đang là quốc gia Đông Nam Á có nhiều HCV nhất trong lịch sử Thế vận hội khi đang sở hữu 11 tấm.