Olympic 2016: "Tuổi thọ" VĐV ngày càng dài hơn
Nếu có ai nghi ngờ khả năng thi đấu đỉnh cao của những VĐV lớn tuổi, chắc hẳn sọ sẽ phải nghĩ lại sau Olympic 2016.
Những gì đang diễn ra tại Rio cho thấy, một nhóm các VĐV sở hữu thứ vũ khí bí mật giúp họ cải thiện phong độ thi đấu mà không phải doping. Thứ vũ khí đó được gọi là tuổi tác. Kinh nghiệm và sự già dơ chiến trận đang là bí kíp giúp những VĐV không còn trẻ giành chiến thắng trong thi đấu và cảm tình người hâm mộ.
“Rất nhiều lần, chúng tôi bị nhiều người nói là đã hết thời”, đó là những phát biểu của cua-rơ 42 tuổi Kristin Armstrong, người vừa trở thành nữ VĐV nhiều tuổi nhất giành HCV nội dung tính giờ môn đua xe đạp.
Dù số tuổi trung bình của các VĐV tại Rio 2016 (26,97) chỉ cao hơn đôi chút so với Olympic 1996 tại Atlanta (25,85) nhưng theo Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), thành tích của những VĐV lớn tuổi ở Thế vận hội lần này là tốt hơn rất nhiều, kể cả trong những môn thể thao đòi hỏi nhiều thể lực.
Phát ngôn viên của IOC, Mark Adams cho biết: “Ở những môn cần nhiều sức bền, chúng tôi thấy ngày càng nhiều VĐV lớn tuổi có thể hoàn thành cuộc thi hơn so với quá khứ. Điều đó thật tuyệt. Nó đem đến nhiều hy vọng về việc kéo dài 'tuổi thọ' của VĐV”.
Bằng chứng là tại nội dung bơi marathon 10km - một trong những cuộc thi khắc nghiệt nhất, kình ngư 36 tuổi Spiros Gianniotis chạm đích cùng thời gian với VĐV 24 tuổi Ferry Weertman, nhưng chỉ giành được HCB vì đập vào bảng về đích chậm hơn.
“Sau 5 kỳ Olympic, đây là cách kết thúc tuyệt nhất mà tôi nghĩ tới trước khi giải nghệ”, Gianniotis cho biết.
VĐV 37 tuổi Mahe Drysdale của New Zealand, nổi tiếng trong giới chèo thuyền với biệt danh “Ông nội”, vừa giành HCV nội dung đơn nam mái chèo đôi ở tuổi 37. Trước đó, Drysdale từng gặp nhiều chấn thương về khớp.
Một ví dụ khác: Thi đấu ở nội dung chạy 10km, Jo Pavey chính thức trở thành VĐV điền kinh đầu tiên của Anh tham dự 5 kỳ Olympic. Cô tâm sự: “Trong đội có nhiều VĐV chỉ bằng nửa tuổi tôi. Tập luyện cùng họ giúp tôi có thêm nhiều động lực thi đấu”. Jo Pavey hiện 42 tuổi và đã có 2 con.
Theo Tiến sĩ Richard Budgett, sự phát triển của y học nói riêng và thể thao nói chung đang giúp kéo dài thời gian thi đấu đỉnh cao của các VĐV. Thay vì đơn thương độc mã trên mọi mặt trận như trước đây, xung quanh các VĐV giờ là đội ngũ dinh dưỡng, tâm lý, thể chất với nhiều những HLV “chuyên môn hóa” về xương, vật lý trị liệu hay massage.
“Nếu muốn kéo dài sự nghiệp, bạn phải hạn chế tối đa chấn thương. Do đó, ưu tiên số 1 của chúng tôi luôn là hướng dẫn VĐV tránh chấn thương”, ông Budgett nói.
Những VĐV lớn tuổi thường xuất hiện nhiều ở những môn như đua ngựa, bắn cung, bắn súng hay đấu kiếm. Đây là các nội dung thi đấu yêu cầu sự tập trung và bản lĩnh thi đấu. VĐV đua ngựa Julie Brougham của New Zealand là người nhiều tuổi nhất tại Rio 2016 khi đã 62 tuổi.
Ở môn bắn đĩa, trong khi xạ thủ người Kuwait Abdullah Al-Rashidi giành HCĐ môn bắn đĩa bay skeet ở tuổi 52 thì người đồng hương Fehaid Al-Deehani còn xuất sắc giành vàng ở nội dung bắn đĩa bay đôi.
“Tôi chạy 6km và đến phòng gym mỗi ngày. Tôi cảm thấy mình vẫn còn trẻ. Bắn súng cần nhiều kinh nghiệm, vậy nên tôi nghĩ tuổi tác sẽ là lợi thế”, VĐV 49 tuổi Al-Deehani chia sẻ.
Xạ thủ Heidi Gerber, người giành HCĐ 25m súng ngắn ở tuổi 47 tuổi, còn kể lại quyết định bỏ việc để hướng tới Rio: “Trong 2 năm qua, tôi chỉ có bắn súng. Tôi bỏ công việc ở thư viện và làm tất cả để hướng tới mục tiêu đoạt huy chương tại Rio 2016”.
Ấn tượng nhất vẫn là câu chuyện của VĐV 54 tuổi Santiago Lange. Không chỉ là tay chèo lớn tuổi nhất ở Brazil rồi giành HCV nội dung chèo thuyền đôi nam nữ nacra 17, Lange càng khiến người khác cảm phục khi biết VĐV Argentina chỉ còn 1 lá phổi sau khi nửa còn lại buộc phải cắt bỏ vì ung thư.
Với người đồng đội - người đàn em Cecilia Saroli, Lange là nguồn cảm hứng vô tận. Cecilia Saroli khẳng định: “Cứ mỗi lần tôi nghe Santi nói, người tôi lại tràn ngập cảm xúc. Anh ấy là tấm gương về nghị lực và tính kiên trì”.