Ông Vũ Đức Thịnh: "Luật tính điểm Boxing vẫn vậy và kết quả trận Nguyễn Thị Tâm chuẩn xác"!
-->>> Trận đấu tiếp theo của Nguyễn Văn Đương với ai, khi nào?
Được kỳ vọng có thể tiến xa ở Olympic Tokyo năm nay nhưng rốt cuộc tay đấm Nguyễn Thị Tâm đã phải dừng bước ngay ở vòng đầu tiên trước đối thủ là Stoyka Krasteva.
Một trong những điều gây tò mò với người theo dõi ở trận đấu này đó là các chi tiết: điểm số các hiệp đấu, tổng điểm chung cuộc và kết quả tỉ số thắng 3-2 nghiêng về tay đấm đến từ Bulgaria.
Được biết, trong trận đấu này Nguyễn Thị Tâm (trang phục xanh) được 5 giám định (judge) chấm điểm thắng ở 2/3 hiệp đấu, và tổng điểm họ dành cho võ sỹ Việt Nam (143 điểm) cũng nhiều hơn đối thủ Bulgaria (142).
Tuy nhiên, những yếu tố trên không đóng vai trò nào trong cách tính điểm để từ đó đưa ra công bố quyết định cuối cùng về võ sỹ thắng trận, chiểu theo luật của AIBA vẫn được áp dụng tại Olympic năm nay.
Để giải thích rõ hơn về vấn đề này Webthethao cũng đã trao đổi trực tiếp với tiến sỹ Vũ Đức Thịnh, trưởng bộ môn Boxing Tổng cục TDTT, hiện là lãnh đội Boxing Việt Nam tại Olympic Tokyo.
"Có cả những người làm chuyên cũng môn thắc mắc rằng có thay đổi cách thức chấm điểm Boxing ở Olympic này hay không, nhưng tôi đã trả lời và khẳng định lại rằng "Không có sự thay đổi nào cả!". Tất cả vẫn chấm như cũ, theo luật của AIBA, và ở Việt Nam cũng đang vận dụng cách chấm này", ông Vũ Đức Thịnh cho biết.
"Về trận đấu của Nguyễn Thị Tâm, công bằng mà nói nhìn thế trận như vậy trọng tài chấm ai thắng cũng không thành vấn đề. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng chiến thuật thi đấu của võ sỹ chúng ta chưa thật tốt và hợp lý. Cá nhân tôi không phàn nàn gì về kết quả này".
"Nếu có điều gì đó về công tác chấm điểm với võ sỹ Việt Nam thì đó là trận đấu của Nguyễn Văn Đương. Trận đó một trọng tài chấm điểm 8 ở hiệp 2 cho võ sỹ Azerbaijan rất khó hiểu. Cá nhân tôi đánh giá với thế trận như vậy giám định chấm điểm 8 là chuyên môn chưa ổn. Còn nhìn chung công tác trọng tài, giám định ở Olympic Tokyo lần này chuẩn chỉnh và nghiêm túc", ông Thịnh khẳng định.
Thực tế, hiện theo cách chấm điểm và quy định võ sỹ thắng cuộc - khi trận đấu không có knock-out hoặc phải dừng vì những lý do khác - theo luật của AIBA hiện tại thì căn cứ để phân định dựa trên hai yếu tố đó là:
+Dựa trên tổng điểm ở cả 3 hiệp của từng giám định (judge) dành cho mỗi VĐV
+Từ kết quả trên đem ra so sánh đối chiếu, nếu từ 3 giám định trở lên dành điểm số nhiều hơn cho VĐV nào thì người đó sẽ được công bố thắng trận.
Cụ thể hơn có thể nhìn vào kết quả bảng điểm trận đấu của Nguyễn Thị Tâm. Rõ ràng chỉ có 2/5 giám định chấm tổng điểm 3 hiệp cho võ sỹ Việt Nam nhiều hơn tay đấm Bulgaria.
Tong khi 3 giám định còn lại chấm thắng cho Stoyka Krasteva và như thế quyết định cuối cùng phần thắng thuộc về võ sỹ người Bulgaria.
-->> Công tác trọng tài và công bố điểm Boxing từ Olympic 2012 đến Olympic Tokyo 2021 có gì khác?
Thực tế, công tác điều hành môn Boxing tại Olympic Tokyo năm nay có những sự thay đổi nhưng đó là thay đổi so với kỳ Thế vận hội gần nhất là Rio 2016 hay xa hơn là Olympic London 2012. Đó là thay đổi ở công tác lựa chọn trọng tài (referee), giám định (judge), và đặc biệt là việc công bố điểm số từng hiệp đấu ngay tức thì.
Điều này được giải thích để các võ sĩ duy trì sự chủ động và tích cực thi đấu, tránh tình trạng phỏng đoán bản thân có thể dẫn điểm và thi đấu cầm chừng.