Phía sau kỳ Olympic “trắng tay” và “quá sức” của Thể thao Việt Nam

thứ tư 4-8-2021 11:43:45 +07:00 0 bình luận
Có nhiều vấn đề “nóng” đặt ra với thể thao Việt Nam sau kết quả “trắng tay” và không bất ngờ tại Olympic Tokyo 2020.

1. Xạ thủ đương kim vô địch Hoàng Xuân Vinh văng xa khỏi chung kết,  chỉ xếp hạng 22 nội dung 10m súng ngắn hơi nam mình từng làm nên lịch sử tại Rio.

Lực sĩ cử tạ Hoàng Thị Duyên (hạng 59kg nữ) chỉ đứng thứ 5 trong khi Thạch Kim Tuấn(hạng 61kg nam) thậm chí còn không có thành tích, do thực hiện hỏng ở cả ba lần cử đẩy. 

Hoàng Xuân Vinh không thể vượt qua chính mình so với vòng loại ở
Olympic 2016.

Thể thao Việt Nam đến với Olympic 2021 chỉ với 3 niềm hi vọng tranh chấp huy chương ở các mức khác nhau ấy. Cả ba tuyển thủ đều đã thất bại một cách không bất ngờ,  đúng nghĩa không thấy cơ hội nào nếu nhìn vào thực tế tranh tài.

Lần đầu tiên sau ba kỳ Olympic, kể từ 2008, thể thao Việt Nam đã không giành được huy chương nào. Thành quả cao nhất chỉ là vị trí... hạng 5 của đô cử Hoàng Thị Duyên, giống như kỳ Olympic 2004 mà Việt Nam cũng “trắng tay”.

Theo tổng kết của chính đoàn TTVN, có tới VĐV của 5/11 môn dự tranh đã thi đấu dưới sức, rõ nhất với cử tạ. 

Như thừa nhận của Trưởng đoàn Trần Đức Phấn, Olympic vẫn  là một đấu trường “quá sức” với thể thao Việt Nam, trong việc đoạt suất dự tranh, có thứ hạng tốt, và nhất là tranh huy chương. Cả quá trình chuẩn bị cũng bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, đặc biệt đối với đội cử tạ. 

Việc bị “treo” suất quá lâu do nguy cơ chịu án doping cũng tác động phần nào tới hai lực sĩ. Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh (Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao) cũng đúc kết ngắn gọn kết quả tại Olympic 2021 đó là: "Phản ánh đúng quá trình chuẩn bị và trình độ của thể thao Việt Nam". 

Quách Thị Lan lọt vào bán kết 400m rào nữ là điểm sáng hiếm hoi, nhưng cũng có phần may mắn

 

2. Với những gì trực tiếp, cụ thể đã thể hiện trên đất Nhật Bản, Olympic 2020 đúng là kỳ Thế vận hội “quá sức” của thể thao Việt Nam. Trường hợp đột xuất và ngoại lệ như Hoàng Xuân Vinh đã không xuất hiện. 

Tuy nhiên, câu hỏi cần đặt ra ở đây là liệu có “quá sức” đến vậy, và thể thao Việt Nam đã thực sự làm tốt nhất trong điều kiện, khả năng có thể sau một chu kỳ dài tới 5 năm? 

Hoàng Thị Duyên là VĐV có thành tích tốt nhất của Việt Nam ở Olympic 2021 cũng chỉ xếp thứ 5.

Ngay cả gây thất vọng lớn tại Tokyo, cử tạ Việt Nam vẫn cho thấy mình có “cửa” tranh chấp huy chương, dù không cao như một hai hảo thủ hàng đầu thế giới song cũng ở mức áp sát Top 3.

Không phải ngẫu nhiên Tổng thư ký Liên đoàn Cử tạ Thể hình Việt Nam ông Đỗ Đình Kháng ngay sau phần thi thất vọng của Hoàng Thị Duyên đã khẳng định “việc cả hai lực sĩ đều không giành huy chương là thất bại”. 

Trên thực tế, Việt Nam từng đoạt hai huy chương cử tạ (Hoàng Anh Tuấn Olympic 2008, Trần Lê Quốc Toàn Olympic 2012). Cả chục năm nay, cử tạ lúc nào cũng sở hữu 1-2, hay thậm chí có thời điểm 3 lực sĩ trong Top 5 thế giới ở các hạng cân nhẹ. Có nghĩa là, với cử tạ, thể thao Việt Nam có một “mũi” sáng giá để vươn lên tranh chấp huy chương Olympic một cách ổn định. 

Ở một mức độ khác, thể thao Việt Nam cũng đang có một số tài năng ở nhóm khá so với thế giới. Điển hình như Thanh Tùng (TDDC) từng đoạt HCV Cúp Thế giới, HCV châu Á, Ánh Viên (bơi) cũng từng đoạt HCB, HCĐ Cúp thế giới, đứng thứ 9 nội dung 400m hỗn hợp Olympic Rio với khoảng cách chỉ thua người thứ 8 vào chung kết 0,31 giây. Võ sĩ taekwondo Kim Tuyền cũng đã giành HCV châu Á. 

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh thậm chí còn đoạt được 1 HCV, 1 HCB ờ kỳ Đại hội trước. Có nghĩa là, ngành thể thao hoàn toàn có cơ sở có thể tập trung đầu tư, chuẩn bị để hướng tới những thành tích tốt, ví như lọt vào chung kết môn bơi hay TDDC.

Bởi thế kỳ Olympic thất bại của thể thao Việt Nam ngoài lý do gắn với nền tảng trình độ còn “khoảng cách lớn so với thế giới” thì còn xuất phát chính từ sự chuẩn bị cho Tokyo 2020 cũng như nhiều kỳ Đại hội trước. 

3. Thể thao Việt Nam hiện đang có một vị trí ổn định trong nhóm hai đoàn dần đầu tại SEA Games, với chất lượng ngày càng nâng cao, kể cả ở các môn Olympic. Số lượng huy chương ở các kỳ ASIAD cũng tăng nhanh. Tuy nhiên, việc đoạt HCV ASIAD và đặc biệt huy chương Olympic lại là câu chuyện hoàn toàn khác. 

Thạch Kim Tuấn thất bại không còn là bất ngờ ở Olympic.

Tại ASIAD 2018, Việt Nam cũng chỉ đoạt 4 HCV, trong đó có hai tấm thuộc về môn đặc thù khu vực Đông Nam Á lần đầu được đưa vào chương trình thi đấu là pencak silat. 

Đến Olympic, Việt Nam đã không giành huy chương nào, trong khi có 4 nước trong khu vực thành công, riêng Philippines, Thái Lan và Indonesia đã có HCV. 

Trong quy hoạch phát triển thể thao Việt Nam đến 2020 do các các nhà quản lý chuyên gia tham mưu, được Chính phủ phê duyệt, các mục tiêu, giải pháp cho Olympic đều được xác lập rất rõ ràng. Ví như đích nhắm đến Olympic 2020, Việt Nam giành tối thiểu 2 huy chương, hay giải pháp ưu tiên đầu tư cho 200 VĐV của 12-13 môn. 

Chỉ có điều, trên thực tế, thể thao Việt Nam đã không triển khai được gì nhiều. Chính xác hơn, ngành thể thao đã hướng tới “đỉnh” Olympic theo kiểu cách của SEA Games vốn mang nặng tính thời vụ, dàn trải và có trình độ thấp. 

Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, đến giờ thể thao Việt Nam vẫn chưa thực sự có mục tiêu và giải pháp để tranh huy chương Olympic, mà cụ thể nhất là chưa bao giờ đầu tư, chuẩn bị bài bản, chuyên biệt cho một số tuyển thủ tài năng ở một vài môn có khả năng, triển vọng

Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao II, ông Nguyễn Trọng Hổ cũng cho rằng vấn đề chính yếu nằm ở việc giải bài toán “đầu tư trọng điểm” (đấu trường trọng điểm, môn trọng điểm, nội dung trọng điểm, VĐV trọng điểm) trong điều kiện khó khăn, nhất là về kinh phí của thể thao Việt Nam. 

Tất cả đã được minh chứng ở cử tạ, môn có khả năng và hi vọng tranh chấp huy chương nhất, ở mức khác biệt này đã không được đầu tư đúng mức trong cả một thời gian dài. Khoản kinh phí dành cho việc xuất ngoại tập huấn thi đấu của cử tạ Việt Nam, cao nhất cũng chưa đến 2 tỉ đồng/năm, chưa bằng mức Thái Lan, Indonesia tập trung cho một lực sĩ hàng đầu của họ.

Thực tế, 13 năm sau tấm HCB lịch sử của lực sĩ Hoàng Anh Tuấn, cả làng cử tạ Việt vẫn chỉ có 4 phòng tập tương đối đạt chuẩn, với các điều kiện khiêm tốn.

Trang thiết bị, cơ sở vật chất cũ kỹ, thiếu thốn là hình ảnh không thay đổi nhiều năm qua ở "môn mũi nhọn" cử tạ

Rõ ràng muốn thay đổi tình cảnh “tay trắng” và “quá sức” ở Olympic không chỉ ở một kỳ Đại hội cụ thể, ngành thể thao phải đối mặt với nhiều vấn đề cấp bách, lớn và khó, từ việc điều chỉnh chiến lược, nguồn lực, quy trình tuyển chọn- đào tạo VĐV hay xã hội hoá... 

Thế nhưng, điều quyết định, ngoài chuyện phải đặt Olympic vào đúng vị trí với quyết tâm nỗ lực cao nhất, thể thao Việt Nam cần phải tổng kết, lựa chọn kỹ lưỡng để tập trung đầu tư cho một số nội dung ở một vài môn thực sự có khả năng và phù hợp. 

Về lâu dài, cùng với mục tiêu phấn đấu ngày càng nhiều tuyển thủ, nhiều môn giành suất, đạt thứ hạng cao thì Việt Nam cần tạo nên một số “mũi nhọn” có đủ lực lượng, trình độ tranh chấp sòng phẳng huy chương Olympic. Trong đó, có thể nhắm tới một số hạng cân nhẹ cử tạ, một vài nội dung của bắn súng, tiếp đến ở các mức độ khác nhau là một hai nội dung của taekwondo, boxing, karate.  

Và ngay từ lúc này, một “chiến dịch” mới và khác cho Olympic cần được khởi động ngay, bởi khác với thường lệ, hành trình đến Thế vận hội Paris 2024 chỉ còn 3 năm nữa.

Thể thao Việt Nam ở ba kỳ Olympic gần nhất:

*Olympic 2012: 18 VĐV của 11 môn tham dự. Thành tích cao nhất: hai vị trí thứ 4 của Hoàng Xuân Vinh (50m súng ngắn tự chọn), Trần Lê Quốc Toàn (hạng 56kg nam). Sau 9 năm, Quốc Toàn được đôn lên nhận HCĐ do đối thủ xếp trên bị phát hiện “dính” doping. 

*Olympic 2016: 23 VĐV của 10 môn tham dự. Thành tích cao nhất: 1 HCV 10m súng ngắn hơi nam, 1 HCB 50m súng ngắn tự chọn nam của Hoàng Xuân Vinh.

*Olympic 2021: 18 VĐV của 11 môn tham dự. Thành tích cao nhất: vị trí thứ 5 của đô cử Hoàng Thị Duyên (59kg nữ)

Hà Thảo
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội