Thảm cảnh ba tháng, 6 lần rơi tạ và dấu hỏi tương lai của Thạch Kim Tuấn
Thạch Kim Tuấn bước vào nội dung 61kg Olympic 2021 với sự kỳ vọng lớn. Bởi sau khi hàng loạt VĐV mạnh không tham dự vì nhiều lý do khác nhau, đô cử sinh năm 1994 trở thành ứng viên cho cuộc đua tranh tấm HCĐ.
Giới chuyên môn nhận định, chỉ cần vượt qua chính mình, Thạch Kim Tuấn sẽ có huy chương. Bởi lẽ, trước đó, thành tích tốt nhất của anh là 304kg, được xác lập tại SEA Games 30 vào tháng 12/2019 ở Philippines.
Thế nhưng, chính anh đã tự đánh mất cơ hội với màn trình diễn thảm hại ở nhà thi đấu Tokyo International Forum. Tuấn khởi đầu ở nội dung cử giật với mức tạ 126kg. Anh không vượt qua mức tạ được xem là “dễ” với bản thân ở các giải đấu lớn trước đó. Đến lượt cử thứ hai, Tuấn mới thành công. Khi nâng mức tạ lên mức 130kg ở lần cử giật cuối cùng, anh lại thất bại.
2/3 lần không thành công ở cử giật khiến Thạch Kim Tuấn bị “đuối” trong việc tranh chấp huy chương khi bị đối thủ xếp thứ 3 là Yoichi bỏ xa đến 7kg. Khi phần thi được xác định là trọng tâm để tạo lợi thế thất bại, đó cũng là lúc, Thạch Kim Tuấn không còn chính mình.
Điều chỉnh mức mức đẩy từ 158kg xuống chỉ còn 150kg, một con số rất cao ở lần cử đẩy đầu tiên, Thạch Kim Tuấn vẫn không thành công. Và rồi, anh thất bại trong cả ba lần cử, không được tính xếp hạng. Riêng ở Olympic 2021, Thạch Kim Tuấn rớt tạ đến 5/6 lần. Một con số choáng với giới chuyên môn khi Tuấn được đánh giá là VĐV dày dạn kinh nghiệm, chinh chiến ở nhiều đấu trường lớn.
Chưa dừng lại ở đó, Thạch Kim Tuấn còn tạo ra một cú sốc với giới cử tạ khi chỉ trong vòng 3 tháng, anh rớt cả 6 lần tạ tại hai giải đấu lớn. Trước đó, vào ngày 18/4, Thạch Kim Tuấn dự tranh nội dung 61kg giải vô địch châu Á tại Uzbekistan. Anh khép lại phần thi cử giật với thành tích 128kg, đứng thứ 6. Bước sang phần thi cử đẩy, Thạch Kim Tuấn được đăng ký mức khởi điểm là 151kg. Anh thất bại! Hai lần sau đó nâng lên mức 152kg, anh cũng rớt tạ và không được xếp hạng.
Tổng thư ký Liên đoàn cử tạ thể hình Việt Nam Đỗ Đình Kháng cho hay: “Chuyện một đô cử rớt ba lần tạ ở hai giải liên tiếp cũng không phải ít nhưng nếu VĐV đỉnh cao thì khó xảy ra hiện tượng này”.
Những thất bại thảm hại liên tiếp ở hai giải đấu lớn như vô địch châu Á và Olympic khiến giới chuyên môn bàng hoàng về một VĐV tài năng, được đầu tư trọng điểm như Thạch Kim Tuấn. Sau giải đấu trên đất Nhật Bản, bản thân Tuấn mới là người thấu hiểu nhất về kế hoạch, con đường tiếp theo.
Nói như ông Kháng: “Tương lai phụ thuộc vào Tuấn, muốn tiếp tục hay dừng đều do Tuấn quyết định. Như thầy Chí động viên, quay lại tập luyện nhưng bản thân Tuấn không máu lửa như ngày xưa. Tập môn này mệt mỏi lắm, không đơn giản như các môn khác. Mỗi lần vào chu kỳ tập luyện thì một ngày hàng tấn tạ gánh trên người khiến VĐV có cảm giác mệt mỏi. Môn này đòi hỏi thể lực, ý chí khủng khiếp cùng với đó là các vấn đề về dinh dưỡng, chăm sóc”.