Tổng kết Olympic 2016: "Nếu không rút kinh nghiệm gì là thất bại"
Nóng nhất trong phần kiến nghị của các VĐV, HLV là vấn đề dinh dưỡng, cơ hội thi đấu cọ xát thực tế, và cơ sở vật chất để tập luyện nhằm nâng cao thành tích tại các giải thể thao lớn.
Chiều nay (24/08), Đoàn TTVN tham dự Olympic 2016 tại Brazil đã có buổi lễ tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm tại Hà Nội. Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ trưởng Bộ VH-TT & DL, ông Vương Bích Thắng - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT và ông Trần Đức Phấn - Trưởng đoàn TTVN tham dự Olympic 2016.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Đức Phấn đánh giá cao nỗ lực của các thành viên trong đoàn, đặc biệt là sự cố gắng tới từ các VĐV mà nổi bật nhất là thành tích 1 HCV, 1 HCB của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh.
Bên cạnh đó, ông Phấn nhấn mạnh một số VĐV vẫn chưa thi đấu đúng khả năng của mình và đó là bài học cần rút kinh nghiệm nghiêm túc. Theo ông, thể thao Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa so với thế giới.
Ông Trần Đức Phấn nêu ra một số đường hướng hoạt động của Tổng cục TDTT trong thời gian tới. Ngành thể thao đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, bổ sung cơ sở vật chất, xác định nhóm VĐV chuyên biệt có khả năng giành huy chương tại các giải đấu để đầu tư trọng điểm, trước mắt là SEA Games 2017 (Malaysia).
Ông Phấn cũng cho biết chính sách khen thưởng dành cho VĐV, HLV sẽ tiếp tục được điều chỉnh để phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Các HLV và VĐV của từng đoàn cũng gửi lời cảm ơn tới Bộ TTVH&DL, Tổng cục TDTT đã ủng hộ và quan tâm, tạo điều kiện trong tập luyện cũng như thi đấu.
Khi được hỏi về nguyện vọng của mình, các HLV, VĐV mong muốn nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa. Nóng nhất trong phần kiến nghị của các VĐV, HLV là vấn đề dinh dưỡng, cơ hội thi đấu cọ xát thực tế, và cơ sở vật chất để tập luyện.
Được biết, chế độ ăn uống của các VĐV tham dự Olympic trong thời gian chuẩn bị là 400.000 đồng/1 ngày và tiền phí sinh hoạt cho 1 ngày trong thời gian diễn ra Olympic theo chế độ là 200.000 đồng/1 ngày.
HLV Nguyễn Thị Nhung môn bắn súng bày tỏ: "Bộ TTVH&DL cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các tuyến ở cơ sở để có thể có nhiều VĐV tuyển chọn hơn, nâng cao chế độ ăn uống của VĐV để các VĐV được yên tâm cống hiến, đầu tư một phần vào cơ sở vật chất của đội tuyển bắn súng, đặc biệt là các VĐV cấp cao".
Video phát biểu của HLV Nguyễn Thị Nhung (môn bắn súng):
Khâu y tế cũng là điểm nóng, nhận được sự quan tâm rất lớn của người hâm mộ bởi cả đoàn 23 VĐV nhưng chỉ có 3 bác sĩ đi theo đoàn.
Bác sĩ Nguyễn Văn Phú, Phó GĐ Bệnh viện Thể thao Việt Nam kiến nghị: "Đối với các đội tuyển lớn, nhất là các môn đối kháng, hoặc thi đấu dài ngày cần bố trí bộ phận y tế theo sát để phục vụ các VĐV. Công việc xử lý y tế chủ yếu là các chấn thương cũ của các VĐV từ trước đến giờ chưa được xử lý, gần như phải xử lý lại từ đầu, ảnh hưởng thành tích trong tập luyện và thi đấu của VĐV".
Video phát biểu của Bác sĩ Nguyễn Văn Phú, Phó GĐ Bệnh viện Thể thao Việt Nam:
Về phía Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, ông nhấn mạnh: “Olympic 2016 là chiến thắng có ý nghĩa lịch sử của thể thao Việt Nam”. Bộ trưởng bày tỏ sự khâm phục trước những khó khăn, thử thách mà các VĐV phải đối mặt.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đề nghị Tổng cục TDTT nghiêm túc rút kinh nghiệm những hạn chế tại Olympic vừa qua. "Nếu không rút kinh nghiệm gì để chuẩn bị cho những giải tới là thất bại", Bộ trưởng nói. "Muốn chiến thắng, các VĐV cần có tính chuyên nghiệp cao trong tập luyện và trong cuộc sống".
Cuối buổi lễ, Bộ trưởng đã tặng bằng khen cho 1 tập thể và 36 cá nhân của đoàn TTVN tham dự Olympic 2016. Ánh Viên cùng 5 VĐV khác đã đi tập huấn ở nước ngoài ngay sau Olympic nên không có mặt tại buổi lễ này.
Ngày hôm qua, Liên đoàn bắn súng Việt Nam cũng đã tổ chức buổi lễ mừng công và trao thưởng cho Hoàng Xuân Vinh vì thành tích xuất sắc tại Olympic. Các nhà tài trợ đã trao thưởng gần 5 tỷ đồng, một mức thưởng kỷ lục trong lịch sử thể thao Việt Nam.