Nữ võ sĩ Boxing Olympic bỏ cuộc trước đối thủ từng có tranh cãi giới tính
Ngày 1/8, môn Boxing nội dung 66kg nữ Olympic Paris 2024 bước vào vòng 16 vận động viên. Những tranh cãi được dự báo từ trước bắt đầu xảy ra ngay trên võ đài.
Nữ võ sĩ Angela Carini (Italia) sau khi bước vào trận đấu với đối thủ Imane Khelif (Algeria) đã quyết định dừng bước chỉ 46 giây sau khi tiếng chuông khai cuộc vang lên. Vận động viên người Italia đưa ra lựa chọn khi cô bị đấm lệch mũ bảo hộ tới 2 lần, quỳ xuống sàn và bật khóc.
Ngay sau trận đấu, Carini đã lên tiếng về quyết định của mình: "Tôi luôn tôn trọng đất nước mình bằng sự trung thành, nhưng lần này tôi không thể vì không thể chiến đấu nữa... Tôi chưa bao giờ bị đánh đau đến thế. Vì vậy, tôi đã quyết định kết thúc trận đấu. Tôi bước vào võ đài để chiến đấu. Tôi không bỏ cuộc, nhưng một cú đấm quá đau nên tôi đã nói với trọng tài là đủ rồi."
Hành động của Carini bắt nguồn từ việc đối thủ của cô - Imane Khelif từng vướng vào tranh cãi giới tính trước khi Olympic 2024 diễn ra.
Khelif sinh năm 1999 mang quốc tịch Algeria, từng bị loại khỏi giải Vô địch Boxing nữ Thế giới 2023 vì không vượt qua được bài kiểm tra giới tính. Hiệp hội Quyền Anh Quốc tế (IBA) tuyên bố Khelif có nhiễm sắc thể XY (xác định giới tính nam) và lượng hormone testosterone cao bất thường.
Tới năm 2024, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) vẫn chấp nhận đăng ký thi đấu của Algeria cho Imane Khelif, với lý do võ sĩ này đã tham gia thi đấu các giải nữ trước đó (bao gồm Olympic Tokyo 2020) và giới tính ghi trên thông tin cá nhân là nữ.
Tại Olympic Paris 2024, IOC tiếp tục loại IBA ra khỏi công tác tổ chức môn Boxing, cũng như không công nhận kết quả của hai giải Vô địch Thế giới nam và nữ do tổ chức này triển khai trong năm 2023. Bên cạnh Imane Khelif, một trường hợp khác được tham gia Olympic 2024 nhưng từng bị IBA loại khỏi giải Vô địch Boxing nữ thế giới 2023 là Lin Yu-Ting (Đài Bắc Trung Hoa) với lý do tương tự.
Người phát ngôn của IOC - ông Mark Adams đã lên tiếng về vụ việc này: "Những vận động viên này đã thi đấu nhiều năm trước đây, họ cũng từng thi đấu ở Tokyo (2020)."
“Về câu hỏi về testosterone và quá trình dậy thì ở nam giới, chúng tôi đã ban hành một văn bản khung cho tất cả các liên đoàn. Và mọi người đều muốn có một câu trả lời duy nhất: có, không, có, không, nhưng đây là vấn đề cực kỳ phức tạp."
“Và thực ra, nó không chỉ phụ thuộc vào từng môn thể thao, mà còn phụ thuộc vào từng môn thể thao. Vì vậy, mọi người có thể có lợi thế trong môn thể thao này và không có lợi thế trong môn thể thao này nếu họ đã trải qua tuổi dậy thì của nam giới hay chưa.”