“Diễn biến lạ” của Premier League: Thoả thuận ngầm của Top 5?
Không có kẻ thù vĩnh cửu
Nếu để ý quan sát một chút, không khó nhận ra những “dòng chảy” lạ trên thị trường chuyển nhượng ở Premier League. Vì theo lẽ thường, chẳng đội mạnh nào chấp nhận “nối giáo cho giặc”, nên chỉ cần đầu quân cho đối thủ là cầu thủ rất dễ bị gắn mác “phản bội” như kiểu Sol Campbell từ Tottenham sang Arsenal. Đấy mới là giữa các đội cùng thành phố, còn với các đối thủ trực tiếp tranh nhau ngôi vô địch hoặc suất dự Champions League, tính cảnh giác càng cao hơn hẳn. Chẳng hạn như tại La Liga, mỗi cuộc đào thoát từ Barcelona sang Real Madrid hoặc theo hướng ngược lại đều khiến báo giới tốn rất nhiều giấy mực. Vậy mà giờ đây, các “đại gia” ở Anh đang chung sống hòa bình tới không ngờ.
Đơn cử như hè 2015, Man City cho phép James Milner sang Liverpool, còn Chelsea sẵn lòng giúp Arsenal bịt mất “tử huyệt” ở vị trí thủ môn bằng Petr Cech mà chẳng cần đếm xỉa tới cảm giác của Jose Mourinho. Và đây chẳng phải là kỳ chuyển nhượng cá biệt. Vì ở mùa trước, Chelsea từng đồng ý cho Frank Lampard gia nhập ĐKVĐ Premier League là Man City, đối thủ mà họ có nhiệm vụ phải hạ bệ, trong lúc Man Utd bỗng nhiên vui vẻ nhường Danny Welbeck cho Arsenal đang khao khát tiền đạo. Arsenal cũng gây bất ngờ khi để Bacary Sagna sang giải quyết khó khăn ở khâu phòng ngự cho Man City, chưa kể còn bán quyền ưu tiên mua Cesc Fabregas từ Barcelona cho kình địch Chelsea. Chỉ mới cách nay mấy năm, nào có cái cảnh các “đại gia” Anh mạnh dạn “nối giáo cho giặc” như thế này?
Premier League không có một nhà độc chiếm
Một hiện tượng đáng chú ý khác là trong mấy mùa qua, ngôi vô địch Premier League liên tục đổi chủ. Tất nhiên, bước lên đỉnh vẫn là những cái tên quen thuộc như Chelsea, Man Utd hoặc Man City. Trên thực tế, những đội bóng ấy đã làm chủ Premier League ngay từ ngày ra đời, vì cho tới nay, chỉ mới đúng một lần ngôi đầu không thuộc về nhóm “đại gia” với cuộc nổi loạn của Blackburn ở mùa 1994/95. Thế nhưng, thời kỳ ấy còn chứng kiến những giai đoạn Man Utd thống trị tuyệt đối với các ngôi vô địch liên tiếp, thậm chí có lúc làm một mạch 3 mùa liền. Trong lúc Arsenal cũng nhảy lên bục chiến thắng tung tăng vài lần, Chelsea cũng có 2 mùa vô địch liên tục vào đầu kỷ nguyên của “Người đặc biệt”.
Nhưng giờ đây, hiện tượng một nhà độc đại chỉ còn là hoài niệm. Chelsea vô địch 2014/15. Man City vô địch 2013/14. Man Utd vô địch 2012/13. Man City vô địch 2011/12. Man Utd vô địch 2010/11. Chelsea vô địch 2009/10. Ngôi vô địch cứ lạng qua, lạng lại như đánh võng. Thậm chí ngôi á quân cũng liên tục đổi chủ: Man Utd, Chelsea, rồi lại Man Utd, Man City và quay lại Chelsea. Trong “kịch bản” ấy, các “diễn viên” vẫn chỉ ngần ấy, song do họ thay nhau đổi vai như ma trận, NHM dễ bị đánh lừa cảm giác nên không thấy nhàm chán. Cách làm như thế rõ ràng là quá hiệu quả để giúp giải Ngoại hạng Anh trở nên hấp dẫn và cuốn hút hơn hẳn so với La Liga, Serie A hay Bundesliga mà chẳng cần phải vắt óc toan tính những chuyện cao siêu.
Cuộc chơi của các ông chủ nước ngoài
Giúp Premier League hấp dẫn và chất lượng hơn bằng trò “nối giáo cho giặc” và nhường nhịn ngôi vô địch rõ ràng không thể là cách làm của dân thể thao hoặc những ông chủ bản địa. Vì vậy, chẳng phải ngẫu nhiên mà Premier League đang dần biến dị kể từ mùa 2009/10, bởi cái trò bắt tay này hình thành trong giai đoạn các “đại gia” Anh bị cầm trịch bởi đám chủ ngoại. Đúng là thời điểm đó, vẫn còn vài CLB như Arsenal và Liverpool chưa hoàn toàn rơi vào quyền khống chế tuyệt đối của nhà đầu tư nước ngoài, song với việc họ sớm nhúng tay vào công việc của ban lãnh đạo từ vài năm trước, việc tác động tới chiến lược của đội bóng rõ ràng không nằm ngoài tầm tay.
Ngặt nỗi, các doanh nhân nước ngoài như Roman Abramovich, Stan Kroenke, John W. Henry hay gia đình Glazer chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền và đánh bóng hình ảnh. Vì vậy, họ dễ dàng thống nhất quan điểm có phúc cùng hưởng do cả 5 đội đều bán được áo, đều kiếm được nhiều tiền từ bản quyền truyền hình, đều tạo dựng được danh tiếng. Trong bối cảnh đó, tất cả đều không chấp nhận hiện tượng chỉ có 1 hoặc 2 đội được “ăn no” như tại Đức, Ý và Tây Ban Nha, nhất là khi thực trạng đó dễ tạo cảm giác ngán ngẩm cũng như hoài nghi về chất lượng của phần lớn các đội còn lại, đồng nghĩa với mặt bằng chung của giải. Đấy có thể là lý do hình thành một thỏa thuận ngầm giữa Top 5 nhằm giúp các ông chủ chỉ cần bỏ ra rất ít mà thu vào được rất nhiều.
MINH CHÂU