Ghế HLV ở châu Âu: 3 năm là đủ “thọ”?
Khi chia sẻ rất thật mối lo rằng “đồng nghiệp Arsene Wenger có lẽ sẽ là cây trường sinh cuối cùng - HLV gắn bó hàng chục năm với một CLB - trong thế giới bóng đá”, hẳn HLV Guus Hiddink không biết rằng trong lịch sử bóng đá Anh, từng có HLV chỉ trụ ở đội bóng đúng... 10 phút, tức khoảng 600 giây.
Đó là trường hợp của Leroy Rosenior ở CLB Torquay hồi 2007. Khi ấy, Rosenior mất việc chớp nhoáng và nó xuất phát từ chuyện đội bóng đang chơi ở League Two (hạng Tư) thay đổi chủ sở hữu. Điều trớ trêu là trước đó Rosenior từng có 4 năm liền dẫn dắt Torquay và đã giúp đội bóng lên chơi ở League One hồi năm 2004. Nói thế để thấy công việc của một HLV hoàn toàn có thể bị xáo trộn, mà nói thẳng ra là bị sa thải hay chủ động phải rời ghế, vì bất kỳ lý do nào.
Trở lại với câu chuyện của Wenger, năm nay “Giáo sư” kỷ niệm tròn 20 năm dẫn dắt “Pháo thủ”. Trong quãng thời gian ấy, Wenger chứng kiến hơn một tá HLV đến, đi, trở lại và rồi lại... đi ở CLB kình địch Chelsea. Hiddink cũng là một trường hợp như thế, khi đây là nhiệm kỳ thứ 2 của HLV người Hà Lan ở Stamford Bridge và thực tế hợp đồng của Hiddink chỉ có hiệu lực đến hết mùa, tức ông có muốn làm “cây trường sinh” dù chỉ 5 hay 7 năm thôi cũng chẳng được.
Nhưng dù tiếc nuối và tôn trọng Wenger đến đâu chăng nữa thì cả Hiddink lẫn “Giáo sư” phải chấp nhận một thực tế rằng, trong môi trường bóng đá hiện đại, đang và sẽ không bao giờ tồn tại những cây trường sinh nữa. Vì sao? Chắc chắn nó xuất phát từ áp lực thành tích khủng khiếp và kế đến là văn hóa “ăn sâu bám rễ” ở một đội bóng cũng đã mai một. Rõ ràng, giờ không quá nếu nói rằng một HLV có thể trụ 3 năm ở một đội bóng cũng có thể xem như dài... cả thập kỷ.
Trường hợp của những Jose Mourinho, Pep Guardiola hay Carlo Ancelotti có thể xem như những điển hình, dù chính họ cũng là những HLV tài năng và danh tiếng bậc nhất hiện tại. Mou chưa bao giờ ở lại CLB nào tới hết mùa thứ 4. Còn Pep sau 4 năm với Barca sẽ chia tay với Bayern cuối mùa này, chấm dứt 3 năm hợp đồng và dù đến Man Utd, Man City hay Chelsea thì ông cũng sẽ không ký lâu hơn thế. Và Ancelotti sau gần thập kỷ gắn bó với Milan, 6 năm làm việc vừa qua chia đều cho Chelsea, PSG và Real, mỗi nơi ông không ở lâu quá 2 mùa/đội.
Thực tế, “chu kỳ 3 năm” cũng được xem là thích hợp với các HLV hiện đại và chính những đội bóng. Nếu năm đầu tiên để đặt nền móng thì năm thứ 2 sẽ mang theo mục tiêu đăng quang ở đấu trường quốc nội, tiến xa tại Cúp châu Âu và đến năm thứ 3 dù có vô địch châu Âu hay không thì đó cũng là cột mốc đánh dấu sự chia tay hợp tình hợp lý cho cả đôi bên. Tất nhiên, bóng đá không mất đi tình cảm, sự trân trọng và cả những giọt nước mắt mà cầu thủ hay CLB dành cho một HLV nào đó. Nhưng có lẽ giờ nó chỉ đi kèm với những danh hiệu và phải là danh hiệu lớn. Còn không, thử hỏi có mấy ông chủ kiên nhẫn không sa thải nếu HLV không thể giúp đội bóng vô địch quốc nội suốt 11 năm liền chứ chưa nói đến đăng quang ở châu Âu - như Wenger đã và đang làm ở Arsenal?