Klopp “điên”, không hợp duyên vẫn… hỏng
Song thành công vẫn còn tùy thuộc vào cái duyên, thứ được định nghĩa đơn giản là sự phù hợp mang tính ngẫu nhiên và định mệnh. Người Anfield đang tin thế, định mệnh đã siết chặt Klopp và The Kop, biết đâu sẽ làm nên thương hiệu “K-L-OP” (Klopp, Liverpool, The Kop). Lí trí mách bảo nhiều hơn, Juergen Klopp có tên tuổi để dẫn dắt một đội bóng lớn, ông có trải nghiệm để định vị được con tàu, có phong cách và cá tính để đẩy mạnh truyền thống và bản sắc của CLB. Nhất là khi, Liverpool đang trong cơn bạo bệnh, cần một thầy thuốc giỏi để trị dứt cơn khát danh hiệu đeo bám trong nhiều năm.
Klopp hiện diện như nhân vật cứu rỗi, để lúc này nhịp đập của những trái tim Anfield trở nên rộn rã bội phần. Lữ đoàn đỏ sẽ chơi hay hơn, có chút chất Đức khoa học lẫn sự bùng cháy trong thể trạng cũ của Dortmund. “Liverpool sẽ là đội bóng có phong cách chơi tuyệt diệu”, nhận xét của nhà báo người Đức Raphael Honigstein dựa trên sự hiểu biết của ông trong nhiều năm theo sát Juergen Klopp. Ông cho rằng Klopp sẽ gỡ bỏ hình hài thô ráp, xắn tay tạo nên một chất liệu kết dính những con người rời rạc hiện tại.
Một thứ bóng đá tổng lực như muốn thách thức Arsenal, Man City, Man Utd và Chelsea.
Nhưng bản đồ “Những HLV Đức trên thế giới ngoài nước Đức” lại bật lên nhiều tín hiệu đỏ. Một bản danh sách dài các HLV Đức không thành công khi phiêu lưu các vùng lãnh thổ khác. Juergen Klinsmann (Mỹ), Winfried Schafer (Jamaica), Uli Stielike (Hàn Quốc), Volker Finke (Cameroon) đều đang gặp nhiều khó khăn ở các đội tuyển. Markus Babbel bị CLB Luzern sa thải tháng 10 năm ngoái, tức sát thời điểm Felix Magath không còn được trọng dụng ở Fulham.
Trong quá khứ, thành công của Otto Rehhagel (đội tuyển Hy Lạp) chỉ là hiện tượng đặt trong những sự nghiệp cầm quân tẻ nhạt của những Winfried Schaefer, Lothar Matthaus, Berti Vogts, Ottmar Hitzfeld… Người Đức giỏi nhưng khái niệm “Nhà truyền giáo” chỉ để dành cho những Burkhard Pape, Peter Schnittger, Dettmar Cramer thuộc về nhiều thập kỷ trước. Nó khác câu chuyện những năm 1990 khi những Franz Beckenbauer, Jupp Heynckes, Bernd Schuster, Gernot Rohr, Udo Lattek… đều chịu chung số phận cúi đầu trên băng ghế chỉ đạo ở những nền bóng đá ngoài nước Đức.
Đó là sự đe dọa vô hình và Juergen Klopp có thể sẽ ngộp thở trước những kỳ vọng và cũng biết đâu sẽ “chết chìm” trong sức ép. Ông rời nước Đức bằng vết gợn hàng loạt thất bại của các đồng nghiệp trước đó, đặt chân đến Anh mà chưa thấy được ví dụ nào thành công trước đây. Klopp như một kẻ mông lung về trải nghiệm miền đất mới trong khi cần phải nhấn mạnh, dù Klopp đã có 10 năm cầm quân nhưng thực tế cả sự nghiệp mới biết đến 2 đội bóng. Nó là tín hiệu rủi ro thất bại và nếu ánh sáng thành công có nhìn thấy thì cũng phải đợi 1-2 năm nữa hoặc có thể dài hơn thế, như những ngày ông bắt đầu với Dortmund.
Mạnh Khánh
Juergen Klopp: Trông gương Pep mà “khép nép”
Juergen Klopp đang rất tự tin, nhưng sự chủ quan vào thành công trong quá khứ của ông có thể khiến ông phải trả giá đắt. Ngay lúc này, Klopp có thể nhìn thấy được tấm gương từ Pep Guardiola.
Juergen Klopp có nhiều năm kinh nghiệm làm thầy hơn Pep nhưng thực ra ông mới chỉ dẫn dắt Mainz 05 và Dortmund, tức là vẫn chưa thực sự tích lũy đủ những trải nghiệm để khẳng định ông có thể thành công ở bất kỳ đâu.
Đ.T
Người Đức từng… đứt
Franz Beckenbauer: “Hoàng đế” rời Đức để khám phá nước Pháp nhưng ông chỉ tại vị vỏn vẹn 4 tháng ở Marseille.
Jupp Heynckes: Ông có 10 năm hành nghề ở Tây Ban Nha, tuy nhiên năm duy nhất ông có danh hiệu (1997/98 với Real Madrid) thì cũng là năm ông bị sa thải.
Bernd Schuster: Thêm 1 HLV người Đức nữa bị Real Madrid đuổi việc ngay trong mùa đăng quang La Liga (2007/08).
Gernot Rohr: Ông chia thay Bordeaux sau 6 năm gắn bó với kỷ niệm để lại là CLB… xuống hạng.
Lothar Matthaus: Người không có bất kỳ danh hiệu nào, dù đã làm HLV của 7 đội bóng (CLB và tuyển) ngoài nước Đức.
Felix Magath: Người Đức đầu tiên cầm quân ở Premier League và thời gian ông tại vị ở Fulham là 7 tháng.
Ottmar Hitzfeld: Nghỉ hưu sau 4 năm đồng hành cùng ĐT Thụy Sĩ, từng gây sốc đánh gục Tây Ban Nha ở trận mở màn World Cup 2010 nhưng rốt cục Thụy Sĩ không qua được vòng bảng.
Karl-Heinz Weigang: Năm 1997, HLV 81 tuổi này xung đột với quan chức Liên đoàn và phải chia tay đội tuyển Việt Nam. 14 năm sau, 1 ông thầy người Đức khác là Falko Goetz cũng chỉ dẫn dắt ĐT Việt Nam trong 1 năm.