Liverpool: Ô hợp làm sao phối hợp
Đấy là chỉ tính danh sách các cầu thủ được trao số áo ở hè 2015, chứ nếu cộng thêm thủ môn người Scotland Ryan Fulton thì số quốc tịch ở Anfield hiện phải là 17.
Quân lực ở Anfield ô hợp như thế này thật ra không phải ngẫu nhiên. Một phần là do những người làm bóng đá ở Anh rất khoái cầu thủ ngoại chứ chẳng phải đợi tới kỷ nguyên của Premier League mới xuất hiện thực trạng như hiện nay. Truyền thống ấy giải thích tại sao FA từng cấm cầu thủ nước ngoài thi đấu ở giải VĐQG trong thời gian rất dài, từ năm 1931 đến tận 1978. Nguyên nhân khác có ảnh hưởng lớn chẳng kém: Liverpool như nơi giao thoa của các nền văn hóa, vì lúc ở nhà, có đến khoảng 50% cư dân vùng này không sử dụng tiếng Anh, mà dùng tiếng Việt, Arab, Hindi, Italia, Tây Ban Nha, Serbia, Hy Lạp, Quảng Châu…
Vấn đề là với lực lượng ô hợp như vậy, đoàn quân của HLV Brendan Rodgers bảo sao phối hợp không ăn ý. Ảnh hưởng lớn nhất chính là hàng phòng ngự. Hãy nhớ lại các bộ ba trung vệ ưa thích của HLV Rodgers ở mùa 2014/15: Martin Skrtel (quốc tịch Slovakia), Emre Can (Đức), Mamadou Sakho (Pháp) / Dejan Lovren (Croatia) trấn giữ đường vào khung thành thủ môn Simon Mignolet (Bỉ). Nếu nới rộng ra các sơ đồ 4-4-2 hoặc sự liên kết với hai biên khi tổ chức phòng thủ, lực lượng đánh chặn thường xuyên của đội chủ sân Anfield có thể tính thêm Alberto Moreno (Tây Ban Nha), Lazar Markovic (Serbia) / Glen Johnson (Anh).
Không khó nhận ra là cả 8 cầu thủ vừa nêu đều đến từ 8 nước khác nhau. Và mỗi nước này đều có ngôn ngữ riêng. Một tổ hợp như vậy muốn tạo thành một khối thống nhất rõ ràng là quá khó, vì yêu cầu từng người biết nói 8 thứ tiếng quả là điều không tưởng. Đội ngũ ấy càng khó tìm được tiếng nói chung nếu nhớ lại rằng ở mùa 2014/15, cả Lovren, Can, Markovic lẫn Moreno đều thuộc diện tân binh. Thực trạng này giải thích tại sao Liverpool phải “lên bờ, xuống ruộng” trong giai đoạn đầu do các cầu thủ không thể phối hợp tốt.
Thống kê kỳ lạ về hiệu quả của hàng thủ Liverpool càng phản ánh rõ hậu quả do đoàn quân ô hợp gây ra. Vì có thời điểm Liverpool giữ sạch lưới tới 10 lần trong vòng 18 trận, nhưng tổng số bàn thua trong giai đoạn ấy lại lên đến 17, nghĩa là trong 8 trận còn lại, bình quân Mignolet phải vào lưới nhặt bóng 2,1 lần/trận. Hiện tượng khó tin ấy chỉ có thể hiểu là dựa vào ngôn ngữ bóng đá và kinh nghiệm thi đấu, hàng phòng ngự của HLV Rodgers không ngán bất cứ đối thủ nào. Nhưng nếu gặp ngày xấu trời khi những yếu tố đó còn cần thêm trợ giúp bằng tiếng nói trên sân, hàng thủ Liverpool rất dễ sụp đổ do các cầu thủ chẳng ai hiểu ai.
THIÊN TỨ