Man City và tham vọng “thôn tính” toàn cầu
Trải qua quá trình thương thảo kéo dài 6 tháng, cuối cùng thì CFG, công ty mẹ của Man City đã hoàn tất các thủ tục để mở rộng thị trường sang Trung Quốc.
Đáng chú ý, khoản lợi nhuận trị giá 265 triệu bảng thu về từ CMC cũng bằng đúng số tiền mà Sheikh Mansour từng chấp nhận đầu tư để mua lại đội bóng thành Manchester cách đây 7 năm. Trên thực tế, cũng tồn tại khá nhiều lý do để các ông chủ Abu Dhabi đưa ra quyết định này.
Đầu tiên, có thể khẳng định đây là một cuộc cách mạng trong cách thức làm bóng đá của CLB chủ sân Etihad. Việc xâm nhập vào một thị trường giàu tiềm năng như Trung Quốc không chỉ giúp Sheik Mansour chủ động mở rộng địa bàn sang châu Á mà còn nâng tầm ảnh hưởng của CFG lên mức độ toàn cầu.
Cụ thể, trước khi hợp tác làm ăn với CMC, các nhà lãnh đạo CFG đã phân bổ hoạt động quản lý bóng đá của mình ở hầu khắp các châu lục trên thế giới. Thời điểm hiện tại, ngoài Man City ra, cả New York City, Melbourne City và một lượng cổ phần của Yokohama F.Marinos đều thuộc về CFG. Bên cạnh đó, thỏa thuận bán 13% cổ phần cho CMC cũng tăng giá trị của The Citizens trên thị trường chứng khoán lên mức 3 tỷ USD (khoảng 2 tỷ bảng), bám sát đại kình địch Manchester United (3,05 tỷ USD).
Thứ hai, xét trong bối cảnh thầy trò HLV Manuel Pellegrini đang dẫn đầu BXH Premier League, nhờ một tập thể đầy rẫy những ngôi sao đắt giá bậc nhất hành tinh, chưa kể đến tham vọng tiến xa ở đấu trường Champions League. Hơn lúc nào hết, Man City sẽ cần đến một động thái cứng rắn để chứng minh sức mạnh tài chính của mình đồng thời sẵn sàng cho các hoạt động kinh tế - bóng đá, đặc biệt là khâu chuyển nhượng.
Thứ ba, một lý do khác nữa nghe có vẻ hơi “điên rồ” nhưng kỳ thực là thương vụ bán lại 13% cổ phần cho tập đoàn truyền thông Trung Quốc (CMC) thậm chí còn liên quan đến mục đích địa chính trị của các ông chủ người Ả Rập. Theo đó, khi mà mối mẫu thuẫn giữa người phương Tây và thế giới Hồi giáo đang ngày càng bị đẩy lên mức gay gắt trong giai đoạn gần đây, sau tâm điểm là vụ khủng bố kinh hoàng hôm 13/11 vừa rồi ở Paris thì Chủ tịch của Manchester City, ông Khaldoon al-Mubarak cũng phần nào muốn gây dựng tầm ảnh hưởng ngoại giao vững chắc tại số 10 phố Downing (dinh Thủ tướng Anh), nhằm thoát khỏi tình trạng bị cô lập ở xứ sở sương mù. Đánh giá từ góc độ kinh tế - chính trị, Man City càng lớn mạnh bao nhiêu, vai trò của bộ sậu lãnh đạo Abu Dhabi tại nước Anh cũng càng trở nên chắc chắn hơn bấy nhiêu.
Cuối cùng, sau khi “vươn vòi bạch tuộc” thành công sang Trung Quốc, nhiều khả năng Manchester City sẽ sớm trở thành một mô hình thương mại chuẩn mực ngay trong tương lai gần, sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với đối thủ M.U. Nên nhớ, China Media Capital (CMC) là một tập đoàn nhận được sự bảo trợ từ chính Chính phủ Trung Quốc, do đó những đặc quyền của CFG tại Đông Á lục địa sẽ là hết sức đáng kể, từ công tác đào tạo trẻ, hoạt động marketing cho đến các dịch vụ bóng đá…
Được biết, hồi đầu năm nay, đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình đã lên tiếng công bố kế hoạch 50 điểm với tham vọng biến Trung Quốc trở thành một “cường quốc bóng đá” trên thế giới, thậm chí còn hướng đến mục tiêu… đăng cai World Cup. Điều này cũng đồng nghĩa rằng Man City sẽ giữ vai trò là hạt nhân đầu tiên nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng cho một nền công nghiệp bóng đá vô cùng mới mẻ và giàu tiềm năng ở đất nước đông dân nhất hành tinh.
Dưới sự lãnh đạo của những ông chủ Ả Rập, rõ ràng Manchester City đang ngày càng phát triển theo chiều hướng tích cực hơn để trở thành một “đế chế” đích thực trong thế giới bóng đá.
Vẫn còn đó một chặng đường dài chờ đón The Citizens, trước khi vươn tới thành công. Thế nhưng, sau những gì mà đội bóng thành Manchester đã, đang và sẽ làm được, có thể tin rằng tham vọng mở mang tầm ảnh hưởng ra toàn cầu của Sheikh Mansour là không hề xa vời một chút nào.