Nghịch lý Man Utd: Không ngán cường địch, chỉ sợ "tép riu"
Nghịch lý trớ trêu này xuất phát từ chiến thuật thận trọng của Van Gaal là cơ sở để các CLB “thấp cổ bé họng” khai thác, nhưng nó lại gây ra nhiều rắc rối cho các đối thủ mạnh.
Mùa giải cuối cùng dẫn dắt Man Utd (2012/13), Sir Alex Ferguson chỉ kiếm được vỏn vẹn 14 điểm trong 10 trận đối đầu với các đội bóng nằm trong Top 6 ở Premier League nhưng bù lại, “Quỷ đỏ” đã thắng tất cả 18 trận trên sân nhà lẫn sân đối phương khi đối đầu với các CLB từ vị trí 12 trở về sau để đoạt chức vô địch. Phong cách kiểm soát bóng thận trọng của Van Gaal đã tạo nên phản ứng ngược trước các CLB bị đánh giá yếu hơn, khiến Man Utd không thể tạo ra được nhiều cơ hội ghi bàn và thường xuyên phải bước vào hiệp 2 với tâm lý trĩu nặng. Đó là cơ hội để các đối thủ phản công, lúc các cầu thủ Man Utd nôn nóng tìm kiếm bàn thắng. Bằng chứng là pha ghi bàn mở tỷ số của Jesse Lingard vào lưới Stoke City hồi tháng này mới chỉ là lần đầu tiên Man Utd ghi bàn trong hiệp 1 ở Premier League kể từ tháng 9. Nếu không tính kết quả đối đầu với Top 6 đội cuối bảng, số điểm mà Man Utd giành được (30 điểm) là tốt hơn so với chính Arsenal (29 điểm) cũng như Man City (28 điểm), qua đó chiếm lấy một vị trí trong Top 3.
Lần đầu tiên trong kỷ nguyên Premier League, Arsenal được đánh giá cao hơn Man Utd dù phải làm khách tại Old Trafford. Nhưng sẽ chẳng có chiến thắng dễ dàng nào cho HLV Arsene Wenger và các học trò, bởi sự khó lường của người đồng nghiệp Van Gaal.