Nhân chuyện Sterling đòi đến Man City: Ước gì Rooney cũng “liều” như thế
Không thiếu cầu thủ Anh xuất ngoại, nhưng…
Hầu hết những người làm bóng đá ở Anh thường cho rằng cầu thủ bản xứ là “hàng” khó xuất khẩu. Bằng chứng là trong quá khứ, rất hiếm tài năng của xứ sở sương mù chịu ra nước ngoài thi đấu như Steve McManaman. Nhưng ở mùa trước, Micah Richards từng chinh chiến tại Serie A trong màu áo Fiorentina, trước lúc quay về Aston Villa hè này. Song song đó, Ashley Cole đã có một mùa bóng ở Italia trong màu áo AS Roma và đang chuẩn bị phiêu lưu cùng đội bóng áo màu bã trầu thêm mùa nữa.
Cũng hè 2015, nước Anh còn chứng kiến thêm 2 tên tuổi lớn xuất ngoại: Steven Gerrard và Frank Lampard nối bước nhau sang Mỹ chơi ở MLS. Cả 4 cầu thủ nêu trên đều từng là tuyển thủ Anh, cũng như đều nổi danh ở Premier League. Những chuyến đi vượt đại dương của họ dễ tạo cảm giác rằng xu hướng “thằng chột làm vua xứ mù” ở các cầu thủ Anh sắp trở thành dĩ vãng. Thế nhưng, sự thật rõ ràng chẳng phải vậy. Các ngôi sao đó chỉ chấp nhận xuất ngoại khi đến lúc treo giày, hoặc cũng ngấp nghé cái ngưỡng đó.
Manchester chưa hẳn của người Anh
Thực trạng tài năng Anh không chịu xuất ngoại mà sẵn sàng chôn vùi tương lai trên băng ghế dự bị ở Premier League chính là bi kịch của “Tam sư”. Điều đó giải thích tại sao Premier League là giải VĐQG hấp dẫn nhất thế giới, nhưng tuyển Anh dự giải lớn nào cũng thường khóc hận. Ngược lại, người Italia chỉ cần vài danh thủ ra nước ngoài thi đấu rồi về làm trụ cột là đủ giành á quân châu Âu, cho dù Serie A sa sút thảm hại. Hoặc như Tây Ban Nha chỉ vô địch châu Âu và World Cup vài năm sau khi các tài năng lớn bắt đầu phong trào dắt díu nhau sang Serie A hoặc Premier League.
Vì vậy, giữa lúc dư luận đang coi Raheem Sterling như thằng ăn cháo đá bát ở Liverpool thì ít ra “Tam sư” phải thấy mừng do tiền vệ giàu triển vọng này có đủ dũng cảm khi sẵn sàng đương đầu với thách thức khủng khiếp ở Man City. Giả sử Sterling thành công ở đó, nước Anh sẽ có một cầu thủ đủ sức giúp “Tam sư” chấm dứt quãng thời gian cay đắng tại World Cup hay EURO. Vì cho dù Etihad vẫn nằm trên đất Anh, nhưng muốn đột phá vào đội hình chính của Man City, thách thức đang chờ đón Sterling chẳng khác nào các “đàn anh” như Michael Owen ở La Liga ngày trước. Bởi lẽ, tuyến giữa của Man City hiện toàn ngoại binh, cụ thể là Samir Nasri (Pháp), Bruno Zuculini (Argentina), Yaya Toure (Bờ Biển Ngà), Rony Lopes (Bồ Đào Nha), Fernando, Fernandinho (đều Brazil), Jesus Navas và David Silva (đều Tây Ban Nha).
Kane nói đúng, nhưng hơi muộn?
So với Sterling thì ngược lại, Wayne Rooney trông có vẻ hèn nhát, đúng như Harry Kane vừa chê các đồng đội ở U.21 Anh là thiếu dũng cảm khiến “Sư tử con” bị loại sớm ở giải vô địch châu Âu. Bởi lẽ, Rooney không dám rời Man Utd khi nhận thấy đội bóng này không còn tham vọng. Rooney chỉ giả vờ đòi đi với mục đích được tăng lương. Hiện nay, Rooney ở lại Man Utd chỉ vì kiếm được rất nhiều tiền, nhưng đá càng ngày càng kém. “Số 10” của Man Utd và tuyển Anh rõ ràng đã không còn khát vọng lớn lao như thời 16 tuổi, lúc chấp nhận mạo hiểm rời Everton bé nhỏ để vươn tới bầu trời rộng lớn hơn ở Old Trafford.
Cho rằng Kane nói đúng nhưng hơi muộn chính là vì vậy. Bởi nếu lời cảnh tỉnh của Kane phát ra sớm hơn khi Rooney sắp mừng sinh nhật thứ 30, “Tam sư” còn có hy vọng đổi đời. Vì mới cách đây vài năm, Rooney vẫn còn được so sánh với Lionel Messi và Cristiano Ronaldo. Nếu có máu “liều” như Sterling, Rooney chắc chắn đã nhận lời mời của Real Madrid để theo chân CR7 tới Bernabeu. Nếu điều đó xảy ra, Rooney và “Tam sư” hiện nay có lẽ đã khác. Vì rõ ràng, “Kền kền trắng” đã nâng CR7 lên tầm cao mới. Nhưng biết làm sao, khi sự hèn nhát này đã trở thành căn bệnh mãn tính của các cầu thủ Anh và khó chữa tới mức cho dù bị đẩy xuống đá tiền vệ thay cho vị trí tiền đạo sở trường, Rooney vẫn không dám chống lại Louis van Gaal.
MINH CHÂU