Loạt trận hòa "đậm mùi" của U23 châu Á: Dìu nhau… đi xuống
Có rất nhiều sự trùng hợp diễn ra ở lượt đấu cuối, khi mà ở cả 11 bảng đấu, đều là những cuộc đụng độ giữa hai đội xếp đầu bảng. Trong khi nhiều bảng đấu ở khu vực Đông Á đã thi đấu hết sức quyết liệt để có thể tranh vé dự VCK, thì ở khu vực Tây Á lại xảy ra nhiều bất cập.
Với lý do điều kiện địa lý, múi giờ, các bảng đấu thuộc khu vực phía Tây đã diễn ra sau những trận đấu ở phía Đông ở loạt trận cuối này. Điều này tạo điều kiện cho các đội tuyển ở đây có thể toang tính và thi đấu cầm chừng để cùng lọt vào vòng trong.
Cụ thế, có đến 5/6 trận đấu giữa hai đội đầu bảng diễn ra ở khu vực phía Tây có tỷ số hòa, qua đó nhiều đội có thể dắt tay nhau để vào VCK thay vì phải tranh đấu khốc liệt như ở khu vực đối diện. Mà cụ thể là các cặp đấu: Qatar 2-2 Oman (bảng B), Iraq 0-0 Iran (bảng C), UAE 1-1 Arab Saudi (bảng D), Jordan 1-1 Syria (bảng E).
Điều đó gián tiếp khiến các đại diện phía Đông gặp nhiều sự thiệt thòi lớn, dù cũng đã chơi rất ấn tượng ở vòng loại lần này. Mà cụ thể là ngay ở khu vực Đông Nam Á, các ĐT U23 của Malaysia, Myanmar hay Singapore dù đã xếp nhì ở các bảng đấu nhưng vẫn không thể chen chân vào nhóm giành quyền dự VCK được.
Đáng tiếc nhất phải kể đến trường hợp của Singapore và đặc biệt là Malaysia, hai ĐT này đều đã có thành tích bất bại và để lại nhiều ấn tượng về sự tiến bộ trong lối chơi. Tuy nhiên, họ đều đã bị loại một cách khả cay đắng, nhất là trường hợp của Malaysia.
Safawi Rasid và các đồng đội đã chơi một trận đấu sòng phẳng, thậm chí còn có phần trên cơ trước U23 Trung Quốc. Tuy nhiên, dù đã hai lần vươn lên dẫn trước, nhưng “những chú Hổ” đã không giữ được lợi thế đến hết cuối trận khi bị gỡ hòa ở phút 84. Qua đó bị loại một cách tức tưởi vì kém chỉ số phụ so với các đội bóng nhì bảng ở khu vực phía Tây, được thi đấu sau và chơi có phần cầm chừng để cùng nhau lọt vào vòng trong.
Rõ ràng, với một thể thức còn khá bất cập này, cùng với tinh thần có phần thiếu “fair-play” của nhiều đội bóng, khiến một số cái tên góp mặt ở VCK chưa hẳn là những ĐT xứng đáng nhất. Điều này chắc chắn sẽ khiến cho chất lượng của giải đấu quyết định cơ hội dự Olympic Tokyo sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.
Bóng đá Châu Á bao thập kỷ qua vẫn luôn bị xem là vùng trũng so với mặt bằng chung của thế giới. Dù những Iran, Nhật Bản hay Hàn Quốc vẫn đang không ngừng tiến bộ. Nhưng đó dường nhỉ chỉ bề nổi, bởi với sự phát triển chóng mặt của bóng đá hiện đại, thì nền túc cầu của châu lục đông dân nhất thế giới vẫn bị tụt lại so với mặt bằng chung.
Còn nhớ ở VCK Asian Cup vừa qua, UAE với tư cách là đội chủ nhà đã chơi rất kém thuyết phục nhưng lại lọt vào đến tận vòng bán kết nhờ được hưởng lợi từ các quyết định sai lầm của các trong tài, hay sự ưu ái trong thể thức và lịch thi đấu của BTC.
Hay nhiều trận đấu có phần tiêu cực như những gì vừa xảy ra ở vòng loại lần này, cùng nhiều bất cập liên quan khác là những thành tố khiến khoảng cách trong bóng đá của chúng ta với Châu Âu, Nam Mỹ ngày một xa hơn…