HLV ở Premier League: Kiếm được triệu đô cũng “phát rồ”
Phải chăng, quy luật cuộc sống là như thế? Ở đỉnh cao hiếm khi nào không sương lạnh, ở mũi thuyền là sóng cả gió to. Ở nơi mà được trả rất nhiều tiền thì trên vai sẽ là gánh nặng. Không ai nhận tiền để… ngồi chơi. Premier League là mỏ vàng cho tất cả, cho những nhà khai thác bản quyền truyền hình, cho cánh truyền thông, cho giới cầu thủ. Và tất nhiên, cho cả đội ngũ cầm quân, điển hình những người như Mourinho, Wenger, Van Gaal, Klopp, Pellegrini… được hưởng lương từ 6 đến 8,5 triệu bảng/mùa.
Để rồi, như Louis van Gaal, ông đã phải cáu gắt “tôi đến phát bệnh vì những câu hỏi về Rooney và đội bóng”. Như Pellegrini, ông luôn nơm nớp nghi ngờ thời hạn hợp đồng làm việc với Man City sẽ chấm dứt bất cứ lúc nào. Như Alan Pardew đúc kết “giới hạn quá ngắn ngủi giữa ngọt ngào và cay đắng” (ám chỉ sự khắc nghiệt nghề HLV ở Anh). Brendan Rodgers ngày rời Liverpool không một lời cảm ơn tiễn biệt, và bây giờ đến lượt Mourinho trở nên nhu mì. Áp lực và sức ép công việc đã giết chết những cá tính, biến những cái đầu lạnh trở nên… mềm nhũn. Xem ra, cái cối xay HLV ở Premier League - được vận hành bằng tiền - khiến các ông thầy trở nên hiền hòa. Juergen Klopp mất hẳn sự tự tin chỉ sau vài tuần đặt chân đến Anfield, mà có lẽ do ông hiểu rằng sóng gió những ngày qua mới chỉ là bắt đầu. Trước đó, Van Gaal sau 1 hơn năm dẫn dắt Quỷ đỏ đã ví phận ông là “con chó Alpha” (Alpha Dog - một loại robot đa năng, nhỏ nhưng có khả năng vận tải phi thường). Sự so sánh này giúp người ta hiểu được khối lượng công việc mà chiến lược gia người Hà Lan phải gánh vác ở sân Old Trafford.
Nhất là khi, Premier League trong kỷ nguyên mới chi tiêu bạo không chỉ riêng gì Chelsea và Man City. Man Utd, Liverpool, Tottenham và cả “kẻ hà tiện” Arsenal cũng đua nhau mua sắm. Tính con số chuyển nhượng trong 2 mùa bóng trở lại đây, cán cân thâm hụt của Premier League là 788 triệu bảng. Dễ hiểu, khi một CLB đầu tư tài chính mạnh thì nghiễm nhiên họ đặt mục tiêu phải gặt hái được thành công. Họ sẵn sàng chi thêm tiền cho thầy giỏi, và cũng từ đó sức ép và áp lực nảy sinh nhiều hơn. Nó khiến các thuyền trưởng, người thì liêu xiêu, người sợ sệt, kẻ thì nhọc lòng, hoài nghi và rất ít người trong số họ đủ bản lĩnh để dửng dưng với tương lai.
Khi vung tiền, các ông chủ ở các CLB Premier League thỏa sức tìm kiếm người tài, trong khi thu nhập hấp dẫn ở Anh cũng thu hút được nhiều HLV giỏi. Điều đó khiến cho môi trường cạnh tranh nghề cầm quân ở xứ sương mù trở nên khốc liệt hơn. Liverpool chỉ mất 1 cú điện thoại là mời được Klopp thay Rodgers. Mourinho chịu thêm 1 thất bại nữa là có 5 ứng viên chực chờ thay thế. Van Gaal và Pellegrini ư? Pep Guardiola từ Bayern đang đe dọa chiếc ghế của họ.
Khó khăn hơn rất nhiều, khi các HLV ở đội bóng lớn của Premier League nhận lương cao ngất ngưởng, phải đương đầu và giải quyết thêm những khúc mắc ngoài sân cỏ. Quan hệ với cầu thủ, với CĐV, với BLĐ, với giới truyền thông… Họ sống trong môi trường đầy rẫy thử thách trong khi phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở sân cỏ có quá nhiều sự cạnh tranh.
Áp lực từ nơi đâu?
Từ người hâm mộ
Năm 2013 Brendan Rodgers vẫn còn được CĐV Liverpool tung hô nhưng rồi 2 năm sau người Anfield muốn ông ra đi càng sớm càng tốt.
Từ ông chủ
Không dễ thở chút nào khi làm việc với những ông chủ mà khi họ bỏ tiền ra phải đánh đổi được thành quả tức thì. Sự thông cảm và chia sẻ ở đây là con số 0.
Từ tiền bạc
230 triệu bảng Man Utd dùng để tăng cường nhân sự nếu nó thành công thì đội ngũ tuyển trạch viên sẽ được ghi công, nhưng nếu thất bại thì lỗi thuộc về Louis van Gaal.
Từ đồng nghiệp
Chính xác hơn là sự đố kỵ, vùi dập lẫn nhau trong dòng chảy đua ganh giữa các đội bóng. Họ xỉa xói lẫn nhau, từ chuyện thành công hay chuyện thất bại.
Từ phận “dâu trăm họ”
Cái nghiệp của người đóng vai thuyền trưởng là như thế, bởi dẫu sao họ cũng đại diện cho 1 đội bóng. Người ta dễ quên đi thành công và nhớ dai những thất bại của họ.